Chiếm hữu càng nhiều thì họa càng lớn

“Đa tàng tất hậu vong”, nghĩa là chất chứa, chiếm cứ nhiều thì tất sẽ mất nhiều. Có lẽ điều khiến con người mê lạc nhất chính là tâm chiếm hữu. Người mà bị “chất chứa” vây khốn thì nhân sinh sẽ không hạnh phúc, thậm chí chiếm cứ càng nhiều thì họa càng lớn.

Thủ phụ nội các triều nhà Minh – Nghiêm Tung từng có lần tổ chức sinh nhật, quan văn quan võ trong triều đều đến chúc mừng. Lễ vật chúc mừng sinh nhật Nghiêm Tung được xếp thành đống cao như một ngọn núi nhỏ. Lúc ấy, Nghiêm Tung bán quan bán chức, con trai Nghiêm Tung là Nghiêm Thế Phiên nắm giữ công bộ, sưu cao thuế nặng, gia sản của cha con nhà ông ta vượt qua cả quốc khố.

Tiệc tổ chức sinh nhật Nghiêm Tung kéo dài đến nửa đêm mới kết thúc, đợi quan khách ra về hết thì người quản gia khóa cổng. Khi ấy đúng vào mùa đông, thời tiết vô cùng lạnh giá. Một vị Ngự sử bị lạc đường, quanh quẩn ở trong hoa viên lạnh cóng. Người quản gia nhà họ Nghiêm thấy vậy bèn mời vị quan Ngự sử đến phòng của mình và tiếp đãi. Quan Ngự sử vô cùng cảm kích lòng tốt của người quản gia này.

Người quản gia nói: “Hiện giờ là tôi giúp ngài, nhưng tương lai có thể ngài phải giúp tôi. Ngài thiếu tôi một mảnh nhân tình, tương lai thỉnh xin ngài tha cho tôi một mạng”.

Vị quan Ngự sử không hiểu, nói: “Nghiêm gia đang hưng thịnh như mặt trời ban trưa, thân phận của ông cũng vô cùng tôn quý, làm sao cần đến tôi tha cho ông một mạng?”. 

Kết quả, mấy năm sau, Nghiêm Tung thất thế về sau chết không có chỗ chôn, Nghiêm Thế Phiên bị giết, Nghiêm phủ bị tịch thu hết. Người quản gia cũng bị xử chết vì tội nhận hối lộ, nhưng vị quan Ngự sử lúc trước đã giúp ông ta tránh được tội chết, chỉ bị đi lưu đày biên ải.

Nhà văn Phùng Mộng Long, triều Minh nói: “Cha con Nghiêm Tung, Nghiêm Thế Phiên đọc đủ các loại sách nhưng kiến thức lại không hơn một người quản gia, thân chết nhà mất, thật là đáng tiếc!”.

Từ xưa đến nay, trăng tròn rồi trăng lại khuyết, thủy triều lên rồi lại xuống, thịnh cực tất suy. Người không biết giảm bớt phóng túng thì chỉ có thể tự nhận kết cục diệt vong.

Hòa Thân triều nhà Thanh nắm quyền trong 20 năm, tham ô hơn 1 tỷ lượng bạc trắng, ruộng đất mấy ngàn khoảnh (1 khoảnh = 100 mẫu), bất động sản mấy trăm mảnh. Tài sản của Hòa Thân tham ô được lớn hơn khoản thu của quốc gia trong 15 năm cộng lại. Nhưng kết cục thì sao? Cho đến hôm nay, Hòa Thân bất quá chỉ là một con người để người đời cười nhạo, châm biếm mà thôi.

(Theo Tinhhoa)