Tâm động hay phướn động

Sau khi Lục tổ Huệ Năng đắc pháp, ngài chuyển đến chùa Pháp Tính Quảng Châu. Một hôm gió thổi, cái phướn theo gió lay động, có một vị tăng nói là “gió động”, một vị tăng khác phản bác nói là “phướn động”, hai người tranh luận không dứt, thế là Lục tổ đi đến nói với họ: “Không phải gió động cũng không phải phướn động, mà là tâm hai vị đang động đấy!”

Công án nổi tiếng này cho chúng ta biết rằng nếu tâm định tĩnh thì không thể biến động theo ngoại cảnh mà chấp trước bằng tri kiến phân biệt, sở kiến sở đắc nhỏ nhoi của mình mà cho là hoặc gió động hoặc phướn động.

“Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, tất cả mọi sự vốn theo tâm mà hiện, theo tâm mà biến, nhưng phần lớn thời gian tâm chúng ta không làm chủ nổi, nên không những không thể định tĩnh, có khả năng xoay chuyển được sự vật, mà ngược lại bị sự biến động của ngoại cảnh xoay vòng. Bạn có tiền bạc, vật chất, thì tiền bạc, vật chất ấy có thể mua cái tâm động của bạn; bạn có sắc đẹp, có tình yêu thì sắc đẹp, tình yêu ấy có thể mua cái tâm động của bạn; bạn có danh vị, có quyền thế thì danh vị, quyền thế ấy có thể mua cái tâm động của bạn. Tâm của chúng ta thường bị tiền bạc, tình yêu, danh vị, quyền thế tác động mạnh. Có một số người chỉ vì một chút tiền bạc tâm ý đã dao động, tựa hồ như tâm của họ đã ghi rõ giá chừng ấy tiền rồi vậy; một vài người dù được nhận cả một kho vàng, dẫu núi Thái Sơn có đang sụp trước mắt thì sắc diện của họ cũng không hề thay đổi. Người ta thường nói “người cùng chí đoản”, thực ra, tại sao người cùng chí lại đoản? Nếu chúng ta làm chủ được tâm mình thì câu nói kia phải đổi lại là “người cùng mà chí không đoản”. Tuy vậy, nhưng nếu tâm thiếu rèn luyện thì sẽ trở nên bất kham và yếu đuối.

“Tấn thư, truyện Nhạc Quảng” ghi: Nhạc Quảng mời một người bạn đến nhà ăn cơm uống rượu, sau khi từ biệt, lâu thật là lâu người bạn ấy không hề lui tới nhà Nhạc Quảng. Một hôm, Nhạc Quảng tình cờ gặp lại mới hỏi lý do vì sao như vậy. Người bạn nói: “Lần trước được ông mời uống rượu, nhưng hôm đó khi tôi nâng chén lên định uống thì thấy một con rắn nhỏ đang trườn trong chén, lúc đó trong lòng tuy chán nản và ngờ vực, nhưng ngại vì nể mặt ông là chủ nhân đã nhiệt tình mời mình, nên tôi đành uống đại cho xong. Sau khi về nhà tôi bị sinh bệnh, mời thầy y, uống thuốc cũng không thấy đỡ. Hiện nay trong người tôi rất khó chịu, cơm nước chẳng muốn nghĩ đến!” Nhạc Quảng nghe xong hoảng hồn, bụng thầm nghĩ: Trong chén làm sao có thể có một con rắn nhỏ được? Sau khi về nhà, ông nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ đêm nghĩ ngày, nghĩ mãi cũng không ra duyên cớ. Đến một hôm, khi ăn cơm, Nhạc Quảng ngồi đúng vào chỗ người bạn ngồi lần trước, cầm chén rượu lên, vô tình nhìn lướt trong chén bỗng giật thót người: Trong chén quả có một con rắn nhỏ!

Lắc lắc chén rượu, chuyển chuyển chỗ ngồi, rồi nhìn kỹ: Ồ! Thì ra cái bóng cánh cung treo trên vách khúc xạ trong chén rượu. Nhạc Quảng vội mời người bạn ấy đến nhà bảo ông ta ngồi vào vị trí lần trước, rót một chén rượu đưa mời: “Anh nhìn xem có phải có một con rắn nhỏ không? Cánh cung tạo ra cái bóng con rắn ấy chính là đầu sỏ của tội đồ lần trước!” Người bạn chợt hiểu ra, lúc đó bụng ông đau dữ dội, nôn ra một con rắn nhỏ. Lòng nghi thành bệnh, lâu dần có thể từ không sinh ra có, cho nên nói “tâm sinh thì vạn pháp sinh”.

Không hiểu nội tâm, bên trong không định, thì tâm có thể bị vật hay ngoại cảnh xoay chuyển; có thể hiểu rõ tâm của mình thì động tĩnh như nhau, mọi sự mọi vật đều tùy tâm mà chuyển. “Tất cả do tâm tạo ra”, nếu có thể chiếu theo tâm thanh tịnh để nhìn tất cả mọi sự mọi vật thì tất cả đó chính là tịnh độ. Cho nên kinh “Duy Ma Cật” nói: “Muốn đạt đến tịnh độ, cần tịnh cái tâm của mình; tùy theo cái tâm tịnh ấy tức Phật độ tịnh.” Lục tổ từng dạy tỳ kheo Pháp Đạt: “Tâm mê Pháp hoa chuyển, tâm ngộ chuyển Pháp hoa.” Ở đây muốn nói tụng kinh quý ở chỗ hiểu rõ ý nghĩa của kinh, tâm làm theo sự thể hội ấy, tiến tới ngộ được tự tính tâm của con người, lại có thể chuyển kinh thành công đức để hưởng dụng không cùng, nếu không như thế thì mất công miệng tụng mà tâm không hiểu, dù tụng ngàn vạn lần cũng sẽ bị kinh pháp, ngoại cảnh chi phối, lại càng bị mê loạn bản tâm mà thôi! Kinh “Lăng Nghiêm” cũng nói: “Nếu có thể xoay chuyển vật tức là giống Như Lai rồi vậy.”

Tất cả thế gian đều có thể do từ tâm mà biến hiện, chỉ nhìn tâm của chúng ta có do tự mình làm chủ, có thể định tĩnh, có quảng đại bao dung mà không bỏ sót một vật lớn nhỏ nào hay không, tức là một hạt bụi, một hạt cải cũng không cho là nhỏ, hay dù đại thiên thế giới cũng không cho là lớn. Con người thường đối với ai mình yêu thích thì nói “Bạn luôn ở trong tâm của tôi.” Thực ra, không chỉ người mình yêu thích mới là người ở trong tâm của chúng ta, mà tất cả người trên thế gian, tất cả vật trên thế gian đều là người, là vật ở trong tâm của chúng ta.

 
(Đại Sư Tinh Vân)