3 cách biến stress thành hiệu suất làm việc

Một liều vừa đủ căng thẳng có thể giúp bạn cải thiện hiệu quả công việc của bạn.

Có phải stress hay căng thẳng luôn có hại?

Câu trả lời là không. Mặc dù bạn đã nghe rất nhiều lời cảnh báo về tác hại của stress, thế nhưng không phải mọi sự căng thẳng đều có hại cho sức khỏe của bạn hay làm giảm năng suất làm việc.
Khoa học đã chỉ ra rằng thái độ của bạn đối với stress đóng vai trò quan trọng quyết định mức độ ảnh hưởng của nó tới bạn. Khi đó, stress có thể trở thành một liều thuốc ‘trợ lực’ công hiệu – điều quan trọng là với một liều lượng vừa đủ: không quá ít hay quá nhiều. Vậy làm thế nào bạn có thể tránh được những đợt căng thẳng ‘quá liều’ hay chứng ‘nghiện’ stress?

“Khi chúng ta cảm thấy căng thẳng, bộ não sẽ giải phóng chất truyền dẫn thần kinh noradrenaline. Một lượng quá nhiều hay quá ít chất này đều khiến bộ não hoạt động không hiệu quả. Theo chuyên gia thần kinh học Ian Robertson - Trường đại học Trinity, Dublin, một lượng noradrenaline vừa đủ sẽ trở thành ‘liều thuốc tăng lực’ tuyệt vời cho não bộ.
 
Dưới đây là một gợi ý hữu ích có thể giúp bạn đạt được điều đó.

1. Thay đổi thái độ.

Stress phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của chúng ta. Nếu mặc định rằng cảm giác bị stress sẽ khiến bạn sợ hãi, hay mất bình tĩnh, thì bạn sẽ đón nhận được chính kết cục đó. Nhưng nếu bạn nhận biết những phản ứng của cơ thể khi stress và xem đó như một sự chuẩn bị thích hợp, cần thiết trước một thách thức thì stress có thể được chuyển hóa thành ‘đồng minh’ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trước những tình huống căng thẳng hoặc áp lực như thuyết trình trước đám đông hay thi cử…, việc cố gồng mình để giữ bình tĩnh đôi khi lại phản tác dụng. Thay vào đó, hãy điều chỉnh chính thái độ, nhìn nhận tình huống như một trải nghiệm thú vị sẽ giúp bạn xua đi căng thẳng và kiểm soát được tình huống.

Vậy nên, nếu thấy mình toát mồ hôi vì căng thẳng trước khi lên bục phát biểu, đừng tự nhủ “Ôi mình căng thẳng quá. Mình sắp nghẹt thở mất.” Thay vào đó, hãy nói “Mình đã sẵn sàng để làm tốt nhất có thể.”

2. Tạo lập thói quen tư duy mới.

Mỗi suy nghĩ của chúng ta đều để lại một ‘dấu ấn’ trong não, những suy nghĩ lặp đi lặp lại sẽ tạo nên những ‘lối mòn’ trong não bộ, khiến chúng ta dễ phản ứng theo quán tính, thói quen. Đó là lý do tại sao thói quen than vãn rất độc hại trong khi sự trân trọng, lòng tri ân cuộc sống lại tiếp thêm cho ta sức mạnh và niềm vui. Cũng như thế, stress khi trở thành thói quen, nó sẽ làm hao mòn sinh lực và kéo bạn đi xuống trong cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Bởi vậy, thay vì để những tư tưởng bi quan, tiêu cực chi phối, bạn cần tỉnh táo nhận biết khi có nguy cơ bị rơi vào con đường nguy hại đó để biết dừng đúng lúc.

Bằng cách nào? Bạn có thể ghi lại những suy nghĩ của mình và xác định nguyên do đằng sau những suy nghĩ đó. Hãy đặt những suy nghĩ lên trang giấy, quán chiếu về chúng. Hãy học cách thách thức những giả định mà mình vẫn cho là đương nhiên, giống như một nhà khoa học phản biện một giả thuyết vậy. Từ đó, bạn có thể học cách gieo những tư tưởng tích cực, lạc quan vào trong tâm thức.

3. Xóa bỏ định kiến.

Đôi khi stress đến bất chợt ngoài tầm kiểm soát. Mới phút trước bạn còn tự tin xem lại bài thuyết trình của mình, vài phút sau, bạn đã toát mồ hôi hột và dường như quên sạch tất cả. Để sử dụng chính sự căng thẳng như một lợi thế, bạn phải lật ngược kịch bản. Hãy từ bỏ suy nghĩ rằng stress kiểm soát bạn, ngược lại hãy nghĩ rằng nó là một thứ mà bạn hoàn toàn có thể điều khiển được.

Bạn có biết rằng nhiều diễn viên hài hay nghệ sỹ đã chia sẻ rằng họ sẽ thấy lo lắng nhiều hơn nếu thiếu cảm giác hơi bồn chồn, căng thẳng trước giờ diễn. Tay golf huyền thoại Tiger Woods thậm chí từng nói rằng nếu trước một trận đấu mà anh không cảm thấy căng thẳng, đó là dấu hiệu cho thấy anh sẽ chơi không tốt.

Với hiểu biết và tư duy đúng đắn, stress có thể tạo thêm động lực giúp bạn làm việc hiệu quả, cuộc sống hạnh phúc và thú vị hơn.
(Theo:www.inc.com)