4 năng lực chi phối tái sinh của con người

Theo quan kiến Đạo Phật, cuộc sống là những vòng quay bất tận gọi là luân hồi. Chết chưa phải là hết, chừng nào chưa đạt được giác ngộ giải thoát thì chúng ta sẽ phải tiếp tục tái sinh trong 6 đạo luân hồi. Kiếp này ta được làm người nhưng chưa chắc còn được thân người trong kiếp sau mà có thể phải làm ngạ quỷ hay súc sinh…, tuỳ theo nghiệp nhân mình đã tạo trong quá khứ.

Tuỳ theo nghiệp thiện hay ác đã tích luỹ mà vào giây phút cận tử chúng ta có những trải nghiệm khổ đau hay tự tại, để rồi tái sinh về cảnh giới lành hay dữ.


Động lực nào thúc đẩy tiến trình tái sinh của con người vào một trong 6 cảnh giới luân hồi? Kinh điển dạy rằng Đó chính là nghiệp lực. Nghiệp là những hành động của thân, miệng và tâm mỗi người được dẫn dắt bởi một tác ý. Nghiệp lực chính là sức mạnh khủng khiếp của nghiệp chi phối đời sống của chúng ta và quyết định cảnh giới tái sinh của ta sau khi chết. Có 4 loại Nghiệp lực thúc đẩy chúng ta tái sinh vào lúc lâm chung:

1. Cực trọng nghiệp: là những nghiệp trọng yếu hay là những hành nghiệp nặng nhất nên gọi là cực trọng. Cực trọng nghiệp có năng lực chi phối mạnh nhất khi ta cận kề cái chết. Cực trọng nghiệp có cả thiện và ác. Ví dụ, ngũ nghịch trọng tội (giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, và phá hoại hoà hợp Tăng đoàn) thuộc về Cực trọng ác nghiệp, khi chết phải đoạ ngay vào địa ngục hay các cảnh giới thấp. Ngược lại, những người niệm Phật đến nhất tâm bất loạn sẽ sinh thẳng về cõi Tịnh độ, đó là do năng lực của cực trọng thiện nghiệp. 
 
2. Cận tử nghiệp: là nghiệp được tạo tác sau cùng trước khi một người chết hoàn toàn. Đa phần đó là ý nghiệp. Tâm niệm cuối cùng của con người vào thời khắc lâm chung đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định cảnh giới tái sinh kế tiếp. Nếu đó là niệm bất thiện như hận thù, tham lam, hoảng loạn sẽ khiến ta tái sinh vào một trong các cảnh khổ. Nếu tâm niệm sau cùng là thiện lành, tự tại buông bỏ mọi bám chấp sẽ giúp chúng ta có một tái sinh tốt lành, đây gọi là Cận tử nghiệp. Nhiều người trong đời sống hành thiện rất nhiều nhưng nếu không kiểm soát được tâm vào lúc lâm chung thì cũng vẫn có thể bị đoạ vào cảnh giới thấp.

Cận tử nghiệp hình thành như là kết quả cuối cùng của một loạt chặng tư tưởng trước khi chết gọi là lộ trình tâm cận tử. Lộ trình này lại có liên quan chặt chẽ đến hai loại nghiệp được tích lũy trong đời sống vừa qua là “tập quán nghiệp” và ”tích lũy nghiệp”.


3. Tập quán nghiệp: Còn gọi là Thường nghiệp. Đó là những việc làm, lời nói và suy nghĩ hàng ngày chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại trong đời sống. Nó trở thành những thói quen tập khí, tạo nên tính cách xấu tốt, thiện ác nơi mỗi người. Nó ăn sâu vào tiềm thức, ngay cả trong vô thức đôi khi nó vẫn hiện khởi. Ví dụ, những người trong đời sống hay sân giận, dễ nổi cáu thì lúc lâm chung rất dễ khởi tâm sân, là nguyên nhân bị đoạ lạc vào cảnh giới thấp.

4. Tích lũy nghiệp: Đời sống hiện tại của chúng ta chính là sự tích góp bởi vô số các nghiệp từ trong quá khứ đã tạo. Trong sự luân hồi bất tận, từ vô thuỷ đến nay con người ai cũng đã tích luỹ vô số tài sản nghiệp. Tích luỹ nghiệp là những nghiệp ta đã tích luỹ trong quá khứ, từ nhiều đời. Trong tất cả các nghiệp chúng ta đã tạo tác, nghiệp nào nặng nhất hoặc ấn tượng mạnh nhất trong dòng tâm thức của chúng ta, có thể là thiện hay bất thiện, có thể chúng ta chỉ làm một lần trong đời, và có thể không ai biết cả, nhưng chắc chắn nghiệp đó sẽ quay lại, hiện ra vào lúc chết và làm nhiệm vụ dẫn sinh.

Vào lúc lâm chung, nếu không có Cực trọng nghiệp hay Cận tử nghiệp rõ rệt nào làm động cơ thúc đẩy con người tái sinh thì Tập quán nghiệp hoặc Tích luỹ nghiệp sẽ đóng vai trò dẫn dắt con người tái sinh.

Vì vô minh và tham ái mà chúng sinh mãi trầm chìm trong lục đạo luân hồi.
(Pháp Nhiên tổng hợp)