5 DẤU HIỆU BẤT ỔN TÂM LÝ

Mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời đều thay đổi chúng ta. Chính những bài học trong đời giúp ta mạnh mẽ hơn, dễ thích nghi hơn. Song trên thực tế, có rất nhiều người đang bị chứng rối loạn tâm lý hoặc gặp phải những vấn đề về tâm thần. Họ thường bị bỏ rơi. Lại có những người đang trải qua những tổn thương tâm lý nghiêm trọng nhưng lại cố không biểu lộ ra bên ngoài. Theo điều tra của Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ, cứ năm người thì lại có khoảng một người (tương đương với 42,5 triệu người Mỹ trưởng thành) đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần với những triệu chứng có thể chẩn đoán. Bạn bè và gia đình thường không nhận thấy những thay đổi trong hành vi của họ cho đến khi quá muộn.
Hãy để ý tới 5 biểu hiện sau để kịp thời giúp đỡ những người xung quanh mình.


 

1. ĐỘT NGỘT THAY ĐỔI TÍNH NẾT.
Điều này có thể xảy đến dần dần, nhưng chỉ đến khi sự thay đổi đã trở nên nghiêm trọng thì bạn mới bắt đầu nhận thấy. Một người vốn lúc nào cũng quảng giao vui tươi nay bỗng trở nên ít nói ở chỗ đông người. Họ không còn thích ra ngoài gặp gỡ người khác nữa, hoặc ít giao tiếp hơn với những người họ vẫn thường qua lại. Một cú sốc tình cảm có thể là lý do dẫn tới sự thay đổi đột ngột đó. Họ không cố tình thay đổi như vậy.  Đó chỉ là cách họ chọn để tránh xa người khác. Cảm giác lo sợ ảnh hưởng đến cách nhìn của họ và chỉ đơn giản là họ không thể kết nối với mọi người mà thôi.

2. TỎ RA CÁU BẲN, DỄ KÍCH ĐỘNG VÀ BỐC ĐỒNG.
Điều này xảy ra khi một người có thể đã bị ám ảnh bởi vấn đề nào đó và phản ứng thái quá. Họ sẽ luôn lo lắng về người khác, thường thay đổi tâm trạng một cách quá khích. Họ thường nổi đóa một cách vô lý. Bất cứ điều gì cũng có thể làm họ tổn thương, và sự giận dữ chỉ là nhiên liệu làm bùng lên cảm xúc đó. Giấc ngủ của họ cũng bị xáo trộn, lúc thì ngủ vùi, lúc lại mất ngủ. Khi không giải tỏa được nỗi đau trong tâm hồn, họ sẽ tìm đến rượu, ma túy, thức ăn, tình dục hoặc có những hành vi tự hủy hoại bản thân. Phải để mắt tới những hành vi kiểu này bởi nó có thể được giấu kín trong một thời gian dài. Những trạng thái cảm xúc này, chẳng hạn như một cơn thịnh nộ, chính là biểu hiện của tiếng kêu cứu. Bên cạnh đó, phải để ý tới cả những thay đổi về thể chất: họ có tự làm tổn thương bản thân không, và sức khỏe của họ có xấu đi không?

3. TỰ CÔ LẬP.
Một người vốn thường thích gặp gỡ giao lưu nay lại tự nhốt mình trong nhà. Họ không đến thăm ai, không ra ngoài tụ tập. Họ thậm chí còn trốn học hoặc bỏ làm. Sự suy sụp làm cho họ kiệt sức và ngay cả nói chuyện cũng là quá nhiều đối với họ. Hãy để ý nếu họ bắt đầu bị ám ảnh về sự việc nào đó. Họ có tự dằn vặt bản thân và nhắc đi nhắc lại chuyện quá khứ không? Tâm trí lúc đó là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của chính họ. Họ dần dần mất kiểm soát. Điều quan trọng bây giờ là phải lái họ chú ý tới một số hoạt động giúp họ thư giãn.


4. ÍT CHĂM SÓC BẢN THÂN.
Họ không còn quan tâm tới bản thân nữa.
 Họ có thể có những hành động bất thường. Sự thay đổi tâm lý thái quá có thể dẫn tới nhiều cấp độ thờ ơ với bản thân khác nhau. Họ có thể ít tắm giặt hơn hoặc bị ảm ánh bởi sự sạch sẽ. Một người trước đây thích tập tành bỗng nhiên dừng tập hoặc coi nhẹ chuyện tập tành, cũng là một biểu hiện của sự ít chăm sóc bản thân. Họ không buồn tắm rửa hay dọn dẹp nhà cửa. Họ để thức ăn vương vãi khắp mọi mơi. Họ sẽ ăn quá  nhiều hoặc chẳng ăn gì.
 

5. CHOÁNG NGỢP BỞI HOÀN CẢNH.
Người có vấn đề về tâm lý thường cảm thấy bất lực và buồn bã trước hoàn cảnh. Có thể họ đang trải qua một nỗi đau quá lớn hoặc bị dày vò bởi một vết thương lòng trong quá khứ. Họ có thể thấy mặc cảm, tủi hổ và tội lỗi. Thậm chí họ có thể đề cập tới chuyện tự tử và cho rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu không có họ. Đừng xem nhẹ những biểu hiện này! Họ đang cần được giúp đỡ.
Những dấu hiệu trên đây không dễ nhận biết nếu chúng ta vô tâm. Trầm cảm, buồn chán, đau khổ, mất mát và tất cả các trạng thái bất ổn tâm lý cần được nhìn nhận nghiêm túc. Việc của chúng ta không phải là giải quyết được vấn đề cho người bệnh hay cố gắng giúp họ nhận ra vấn đề, mà là tìm sự trợ giúp thích hợp cho họ. Sự tư vấn và trợ giúp của chuyên gia tâm lý hoặc bác sỹ y khoa là rất quan trọng. Mặt khác, để giúp người bệnh hiệu quả, chúng ta cần giữ thái độ sau:

  • Luôn sẵn sàng ở bên người bệnh, cho dù chỉ là ngồi bên họ trong tĩnh lặng.

  • Động viên họ bằng những việc làm đơn giản như: nấu ăn cho họ, gửi những thông điệp yêu thương.

  • Đừng phán xét hay chỉ trích

  • Đừng coi nhẹ hoặc phủ nhận nỗi đau của họ

  • Đừng cố gắng giải quyết vấn đề hay so sánh vấn đề của họ với kinh nghiệm bản thân.

  • Hãy kiên nhẫn với họ. Đây là điều đặc biệt quan trọng. Hãy cho họ không gian và thời gian để nỗi đau nguôi ngoai.

Chấn thương tâm lý có thể tác động đến mỗi người theo những cách và mức độ khác nhau. Hãy là nguồn cảm hứng cho người bệnh. Dành cho họ thời gian và tình yêu thương. Hãy kết nối, giang rộng vòng tay và để họ cho phép chúng ta trợ giúp, bởi vì món quà quý giá nhất đối với bất cứ ai là biết rằng mình không đơn độc trong những thời khắc tuyệt vọng.

(Theo https://www.powerofpositivity.com)