8 thói quen khiến giới trẻ căng thẳng, lo âu và làm việc kém hiệu quả

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa kỳ (APA), giới trẻ ngày nay dễ bị căng thẳng (stress) và thiếu kỹ năng kiểm soát căng thẳng so với những thế hệ trước. Hơn một nửa số người được khảo sát thừa nhận bị mất ngủ gần đây do stress.
Riêng tại Mỹ, báo cáo của APA cho thấy khoảng 12% giới trẻ (sinh sau năm 1980) được chẩn đoán bị rối loạn âu lo – gần gấp đôi so với thế hệ những người sinh vào thập niên 40 hay 50. Một bản báo cáo khác của tổ chức BDA Morneau Shepell cho thấy 30% số người trẻ đang đi làm thường xuyên bị lo âu, trong khi đó tỷ lệ này đối với sinh viên đại học là 61%, theo đánh giá năm 2014 của Hiệp hội Sức khỏe Đại học Mỹ (ACHA).
Căng thẳng, âu lo không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm năng suất lao động của chúng ta. Báo cáo của ACHA cho thấy chính căng thẳng và lo âu là nguyên nhân khiến sinh viên học hành sa sút. Hai phần ba số người được BDA phỏng vấn cũng cho rằng lo âu là lý do chất lượng công việc của họ giảm sút. Các nguyên nhân dẫn đến lo lắng, căng thẳng của cuộc sống hiện đại có thể bao gồm thị trường việc làm ngày một cạnh tranh, gánh nặng về chi phí học tập và nhiều nguyên nhân tâm lý khác như quá tham vọng và cầu toàn, khủng hoảng sự nghiệp, hay đôi khi có quá nhiều lựa chọn cũng có thể làm giới trẻ căng thẳng. Mặt khác, những thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân gây ra lo lắng.
Tám thói quen xấu dưới đây được xem là ‘thủ phạm’ gây căng thẳng và kìm hãm tiềm năng phát triển của giới trẻ:
 
1. Thiếu ngủ
Giấc ngủ kém chất lượng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tâm trạng âu lo mệt mỏi. Nghiên cứu của trường Đại Học California tại Berkeley cho thấy thiếu ngủ “có thể đóng vai trò then chốt trong việc kích thích những vùng não liên quan đến gia tăng lo lắng”. Những nguyên nhân thông thường của việc thiếu ngủ bao gồm việc đi ngủ không điều độ, không coi trọng giấc ngủ và sử dụng điện thoại hay máy tính xách tay ngay trước khi đi ngủ.
Giải pháp:
Calm Clinic, một tạp chí trực tuyến chuyên đề kiểm soát lo âu, đề xuất việc hình thành một thói quen không sử dụng công nghệ trước lúc đi ngủ, ghi chép lại những suy nghĩ làm bạn mất ngủ và thường xuyên tập thể dục ban ngày, để cơ thể tự khắc cần nghỉ ngơi vào ban đêm và giấc ngủ sẽ đến một cách tự nhiên.
2. Bỏ bữa
Ăn uống điều độ không chỉ điều hòa trao đổi chất, cân bằng lượng insulin trong cơ thể mà còn giúp chúng ta ổn định tinh thần.
Theo tạp chí Cơ thể và Sức khỏe (Body and Health), “Nhịn đói quá lâu hoặc bỏ bữa sáng có thể làm rối loạn lượng đường trong máu, từ đó gây cảm giác bồn chồn, run chân tay, chóng mặt, đầu óc thiếu tỉnh táo và khó khăn trong diễn đạt”. Để cơ thể mất nước cũng dẫn đến hậu quả tương tự. Bởi thực phẩm và nước là nhu cầu sinh học tự nhiên, lo lắng tất nhiên sẽ xuất hiện khi cơ thể bị đói và khát.
Giải pháp:
Ăn uống điều độ. Mang theo người hoặc để ở văn phòng một vài thanh ngũ cốc hoặc các loại hạt khô dự phòng. Mang bình nước tới chỗ làm và uống đều đặn cả ngày. Hãy uống một cốc nước đầy trước khi đi ngủ và lúc vừa ngủ dậy.

3. Uống cà phê
Cà phê giúp chúng ta tỉnh táo hơn, và trong nhiều trường hợp, làm việc tốt hơn trong ngắn hạn. Nhưng cà phê cũng có thể gây cảm giác bồn chồn, lo lắng và khó chịu, đặc biệt đối với những người hay nghĩ ngợi, âu lo. Những người bị chứng rối loạn hoảng sợ (panic disorder) và ám ảnh sợ xã hội (social phobia) thường nhạy cảm hơn với cafein và cafein có thể gây nên những cơn hoảng loạn trong một số trường hợp. Cafein còn là chất lợi tiểu, khiến cơ thể dễ mất nước, một tác nhân gây lo sợ như đã đề cập ở phần trên.
Giải pháp:
Cố gắng ‘cai’ cà phê bằng cách giảm xuống còn một ly một ngày, sử dụng loại café đã tách bớt cafein hoặc uống trà đen. Nếu bạn cảm thấy bình tĩnh và tự chủ hơn sau vài tuần không dùng cà phê thì hãy quyết tâm bỏ hẳn.

4. Ngồi nhiều
Lối sống thiếu vận động luôn song hành với tình trạng âu lo căng thẳng ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại. Trước đây, thực sự có hay không mối liên hệ này còn là vấn đề này gây tranh cãi. Nhưng những phân tích chuyên sâu của các nhà khoa học gần đây đã khẳng định điều này. Cụ thể, những người thường xuyên ngồi quá lâu có nguy cơ cao mắc chứng lo âu.
Giải pháp:
Nếu công việc đòi hỏi bạn ngồi làm việc suốt ngày, không sao cả, cứ khoảng 90 phút, hãy đứng lên và đi lại một chút. Bù lại thời gian ngồi nhiều bằng việc tập thể dục thường xuyên. Luyện tập thể thao giúp giảm phân nửa nguy cơ lo âu và trầm cảm.

5. Sử dụng điện thoại
Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Baylor chỉ ra rằng sinh viên Mỹ trung bình dành khoảng 9 tiếng một ngày cho việc sử dụng điện thoại. Tất nhiên công nghệ giúp chúng ta cải thiện cuộc sống của rất nhiều. Nhưng quá nhiều sẽ khiến chúng ta bất an. Các hình thức giải trí trên màn hình kích thích hệ thần kinh trung ương, mặt khác điều này có thể làm khuyếch đại lo âu phiền não.  Tương tự, mạng xã hội cũng là một trong những tác nhân gây buồn chán, thậm chí trầm cảm nếu không biết kiểm soát.
Giải pháp:
Lần tới trong lúc chờ đợi hoặc không có việc gì làm, hãy cất điện thoại vào túi. Từ bỏ thói quen liên tục ‘mân mê’ điện thoại như là một phương tiện mua vui, lấp những ‘khoảng trống nhàm chán’. Thay vào đó, hãy sử dụng các chức năng hữu ích của nó một cách có ý thức.

6. Mang việc về nhà
Theo những dữ liệu phân tích từ Dự án ‘Tư duy công việc’ của tạp chí Forbes, giới trẻ dễ bị lo lắng và cáu bẳn khi để công việc len lỏi vào cuộc sống cá nhân. Trên thực tế, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng là sự lựa chọn của chúng ta. Giới trẻ ngày nay không tin rằng năng suất làm việc nên được đo lường trên số giờ làm việc tại công sở chứ không đơn thuần bởi kết quả công việc đã thực hiện. Vì vậy, họ vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi đã rời công sở.
Giải pháp:
Chúng ta vẫn có thể có hoài bão, làm việc chăm chỉ và gây ấn tượng với sếp mà không cần phải hy sinh sức khỏe tâm lý và cuộc sống cá nhân. Vì vậy, hãy quan sát cách sử dụng thời gian của bản thân và xác định rõ một khoảng thời gian nhất định nếu phải làm việc thêm vào buổi tối. Khi đã hết giờ, hãy đánh dấu công việc đã hoàn thành và dành thời gian cho bản thân.

7. Xem truyền hình và giải trí
Có thể bạn cho rằng nằm dài trên ghế và xem TV sẽ giúp bạn thư giãn nhưng nghiên cứu chứng minh suy nghĩ này không đúng.
Trong một nghiên cứu, những người xem TV liên tục 2 tiếng đồng hồ cảm thấy còn buồn chán và bất an hơn những người không xem TV trước đó. Một nghiên cứu khác cho thấy những người hay lo âu và chán nản có xu hướng dành quá nhiều thời gian sử dụng máy tính và xem TV. Trong khi nghỉ ngơi, giải trí có thể tạm thời làm giảm bớt lo âu, nhưng hiệu quả của nó không lâu dài, thua xa so với việc tập thể dục.
Giải pháp:
Hãy bỏ thói quen xem TV sau khi hoàn thành công việc. Thay vào đó, hãy đi dạo, gặp gỡ bạn bè, làm những công việc bạn yêu thích như vẽ, viết lách, may vá, thiền định, nấu nướng, gọi điện cho người thân, hay chơi thể thao...

8. Giao du với những người hay lo nghĩ
Bạn có thể cảm thấy như tìm được một người hiểu mình mà bạn có thể trút bầu tâm sự, nhưng các nghiên cứu cho thấy việc suy nghĩ, phân tích quá nhiều về các mối lo của mình thường làm sự việc thêm tồi tệ. Hơn nữa, tham gia vào “hội những người hay lo” cũng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Giải pháp:
Kết bạn với những người lạc quan yêu đời. Sau khi đi chơi hay trò chuyện với ai đó, hãy tự hỏi xem mình có cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ hơn hay chỉ thêm bức xúc? Một khi đã xác định rằng một số người ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mình, đừng dành nhiều thời gian bên họ.
Nếu tất cả những ảnh hưởng của chứng lo âu đối với cuộc sống của bạn chưa đủ lớn để trở thành động lực mạnh mẽ buộc bạn từ bỏ những thói quen xấu nêu trên, hãy nhớ rằng: Theo Trường Y khoa Harvard, căng thẳng lo âu có liên quan trực tiếp đến các chứng bệnh tim mạch, đau nửa đầu, rối loạn hô hấp và tiêu hóa kinh niên.
Mặc dù còn trẻ, chúng ta đừng nên coi thường chứng lo âu căng thẳng. Bằng cách thay đổi những thói quen hàng ngày, chúng ta có thể từng bước cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống của mình.
 
(Nguồn: www.huffingtonpost.com)