Bạn đã hiểu đúng về 2 từ ‘Khẩu nghiệp’?

Gần đây, cụm từ ‘Khẩu nghiệp’ đang được dân cư mạng sử dụng rất nhiều. Nhiều người ‘đăng đàn’ bêu riếu, dùng những ngôn từ nặng nề, gây tổn thương cho người khác nhưng đồng thời vẫn ra rả hai tiếng ‘khẩu nghiệp’. Thậm chí có người vừa chỉ trích người khác “đừng nói bậy mà mang khẩu nghiệp”, và ngay đó lại chửi rủa họ không thương tiếc.
 
Từ ‘khẩu nghiệp’ đang bị nhiều người lạm dụng. Người ta nói mà không hề hiểu hết ý nghĩa của từ này theo lời Phật dạy.
 
Bởi vậy, để thực sự không tạo ‘khẩu nghiệp’, trước tiên chúng ta cần biết thế nào là ‘khẩu nghiệp’ và hậu quả của nó ra sao.
 
Nghiệp là gì?
 
Theo quan kiến Đạo Phật, nghiệp là sự tích lũy tất cả những hành động, lời nói và suy nghĩ mà chúng ta chủ ý thực hiện. Có thể nói nghiệp chi phối toàn bộ đời sống luân hồi. Chúng ta gieo nhân thì sẽ phải gặt quả, đó là điều chắc chắn. “Bạn sẽ nhận được những gì bạn cho đi”. Trở ngại lớn nhất của chúng ta trong việc hiểu hay tin vào nghiệp có lẽ là vấn đề thời gian. Các hành động làm trong đời này có thể tạo ra quả trong ngay đời này, nhưng cũng có thể trong đời sau. 
 
Nghiệp gồm có 3 loại, là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
 
Đức Phật dạy rằng ác nghiệp về khẩu là một trong những nghiệp nặng nhất.

Khẩu nghiệp bất thiện có 4 loại
 
Trong mười nghiệp bất thiện của con người thì khẩu nghiệp có bốn, tức là chiếm gần một nửa, đó là:
 
1/ Nói lời dối trá: chuyện không nói có, chuyện có nói không
2/ Nói lời hung ác: nói những lời độc địa, cay nghiệt, chửi rủa.
3/ Nói lưỡi đôi chiều: lời nói đâm thọc, gây chia rẽ
4/ Nói lời thêu dệt, phù phiếm: những lời nói vô bổ, thêu dệt, đơm đặt
 
1. Nói dối trá (vọng ngữ)
 
Nói dối tức là nói sai sự thật, bóp méo sự thật. Nghĩ một đằng nhưng nói một nẻo.
 
Chúng ta cũng không nên cho rằng nói dối đùa vui hoặc lừa phỉnh nhau thì vô hại. Dù thế nào thì nói dối đều có hại vì nó sẽ tạo thành quen khó sửa, và đến khi bạn nói thật thì nhiều người cũng sẽ không tin bạn nữa.

Có nhiều loại nói dối: Nói dối vì đùa cợt, nói dối để khoe khoang, nói dối vì sợ hãi khiếp nhược, nói dối để thu lợi bất chính, nói dối để hại người v.v… Tất cả những tội nói dối ấy tuỳ mức độ và động cơ sẽ đều phải chịu quả báo mà nhà Phật gọi là tội vọng ngữ, sẽ bị đọa vào ba đường ác. Vì vậy kinh sách Phật đều dạy ta không được nói dối.
 
Chân thành luôn là sự ‘khôn ngoan cao cấp’.
 
2. Ác khẩu (Nói lời thô ác)
 
Những lời nói cay nghiệt, kỳ thị, chửi rủa, thô ác thường bắt nguồn từ tâm sân giận. Nhưng nó cũng có thể xuất phát từ sự ngã mạn, tâm đố kỵ, không muốn ai hơn mình.
 
Nhiều người rất dễ nổi sân và sẵn sàng buông ra những lời khó nghe, hoặc đay nghiến, hoặc thô lỗ. Lại có người cậy quyền, ỷ thế mà hà hiếp, miệt thị người khác.
 
Có những người không nói cộc cằn, thô tục, nhưng lại dùng sắc thái giọng nói để mỉa mai, dè bỉu, xỉa xói kẻ khác.
 
Nếu như một lời nói an ủi sẻ chia đúng lúc có thể cứu một con người thì những lời cay nghiệt cũng có thể huỷ hoại một cuộc đời, phá nát một gia đình. Có những lời nói đau hơn cả gươm dao, bởi nó để lại những tổn thương tâm lý ghê gớm kéo dài, đặc biệt đối với những người nội tâm còn yếu đuối, như trẻ em chẳng hạn. 

Lại có những lời nói độc ác bởi sự vô minh, thiếu hiểu biết của mình. Đôi khi một đám đông cuồng nộ lao vào ‘ném đá’, phỉ báng một người mà họ không hề quen biết. Dù chỉ mới nghe qua vài thông tin, bình luận, hay hình ảnh ‘gây bất bình’ của ai đó trên mạng, là người ta có thể lập tức lăng nhục, xỉ vả ngay, không có 1 chút đắn đo rằng liệu mình đã nhìn thấy toàn bộ sự thật chưa, liệu những con người bị ‘đánh hội đồng’ kia có đáng bị ‘trả thù’ nhẫn tâm như thế không? Nếu họ tình cờ là bạn, là người thân quen của mình thì bạn có hành xử như vậy hay không?
 
Nhiều người dường như có ‘thú vui’ chửi rủa người khác, họ kết hội với nhau. Sau khi vùi dập những người mà họ tự cho là ‘đáng đời’ như thế, họ cảm thấy rất sung sướng hả hê. Rồi họ tự xem mình đang đứng về phe chính nghĩa. Nhân danh cái thiện, họ làm những điều độc ác, có khi còn ác hơn cả cái ác mà họ nghĩ là mình đang lên án.
 
Và trong số đó có rất nhiều người vẫn tự nhận mình là Phật tử. Có thể bạn không trực tiếp ‘ném đá’ mà chỉ đứng xem và thấy khoái chí thì bạn cũng đang tiếp tay cho cái ác và gián tiếp tạo ác nghiệp rồi.
 
 
Những lời thô ác bạn nói ra có thể gây thương tích cho đối phương và khiến bạn cảm thấy hả hê trong phút chốc. Nhưng hãy nhớ rằng chính bạn sẽ là người phải gánh quả báo nặng nề hơn cho những lời độc địa bạn nhắm vào người khác, tất cả chỉ là vấn đề thời gian.
 
Mahatma Ghandi từng nói “Tôi không thể hiểu nổi tại sao người ta có thể cảm thấy vinh dự khi làm nhục đồng loại của mình”.
 
Vậy nên trí nhân dạy rằng nếu không dành được cho nhau những lời tử tế thì tốt nhất là hãy im lặng. Nếu không thể mở lòng yêu thương người khác, ít nhất hãy tôn trọng như 1 con người với đầy đủ những cảm xúc vui buồn như chúng ta vậy.
 
3. Nói lưỡi hai chiều (lưỡng thiệt)

Đây là thói dèm pha, khích bác người này trước mặt người khác hoặc ngược lại, làm cho hai bên hiểu lầm nhau. Việc đưa chuyện khiến hai bên gây chia rẽ, hiềm khích, mâu thuẫn lẫn nhau là một trong những ác nghiệp của khẩu chúng ta cần tránh.
 
Người nói lưỡi hai chiều là người có tà tâm, hay gây cho hai bên thù oán nhau.

Họ lanh lợi và mưu mô, nhưng lại đặt sự thông minh của mình không đúng chỗ.
 
Phật dạy những người hay nói 2 lưỡi sẽ phải chịu quả báo là sống cô đơn trong một môi trường hiểm trở, khắc nghiệt, khó đi lại, không có bạn hữu, khó xây dựng các mối quan hệ tốt.
 
Bởi vậy hãy dùng lời nói của mình để giúp mọi người xích lại gần nhau, đoàn kết và yêu thương nhau, thay vì xa cách nhau hơn.
 
Người thông mình là người động viên thay vì chỉ trích, hàn gắn thay vì phá huỷ.

4. Nói lời thêu dệt (Ỷ ngữ)
 
Mỗi ngày chúng ta đang bị bủa vây bởi vô số tin đồn thất thiệt, thật giả lẫn lộn. Mạng xã hội đầy rẫy những thị phi cũng vì thói xấu thích ‘hóng hớt’, nhiều chuyện của con người.
 
Chúng ta soi mói người khác, thích bình phẩm, hạ bệ người khác để có cảm giác mình được nâng lên 1 chút. Vì thiếu tự tin nên nhiều người xem việc bới móc những khiếm khuyết của người khác là liều thuốc giúp bản thân cảm thấy tự tin hơn. Đó quả là điều đáng buồn.
 
Nói những lời vô nghĩa, thêu dệt, lan truyền những thông tin giật gân vô bổ, không đem lại bất cứ lợi ích nào cho mình và mọi người, ngoài việc ‘câu like’ hay thoả mãn sự tò mò của người nghe hay thu lợi bất chính từ việc chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng, thói tọc mạch, đào xới đời tư người khác là những ác nghiệp thuộc loại này.
 
Đôi khi chúng ta thêm thắt, đơm đặt để nói cho sướng cái miệng, mua vui cho thiên hạ mà không hề nghĩ đến hậu quả mà các nạn nhân của thị phi phải gánh chịu.
 
Vì vậy, muốn ngừng tạo ‘khẩu nghiệp’, hãy tránh xa thị phi, đừng quan tâm đến chuyện thị phi của người khác, bởi một khi đã thích nghe chuyện thị phi thì chúng ta sẽ nói chuyện thị phi, không chỉ lãng phí thời gian vô ích, che mờ trí tuệ mà còn tạo nghiệp bất thiện nặng nề.
 
Nếu bạn hay bị cuốn hút bởi những tin giật gân, những lời đồn thổi gây sốc, bạn cần xem lại cách mình thu nạp thông tin. Hãy thận trọng với những thứ tin tức bạn nạp vào đầu mình mỗi ngày, hãy lọc bớt những thứ ‘rác rưởi’ chỉ khiến tâm bạn thêm rối ren và kích động những cảm xúc phiền não – tham sân si hoành hành trong tâm bạn không ngừng nghỉ.

‘Ỷ ngữ’ còn là những lời đường mật ngọt nhạt hòng làm lung lạc lòng người, quyến rũ người khác để làm những điều sai trái. Những kẻ nói lời thêu dệt thường có tâm bất chính. Họ thường lợi dụng lòng tin của người để lừa gạt, trục lợi. Những người này thường xuất phát từ lòng tham và ý nghĩ đen tối mà nói ra những lời đẹp đẽ, êm tai, ngọt ngào để dễ chinh phục người nghe vì lợi ích của mình.
 
Trong 4 loại khẩu nghiệp nói trên, Phật dạy rằng, khẩu nghiệp thứ 4 này – nói lời thêu dệt - thị phi là nghiệp nặng nhất.
 
Hiểu về khẩu nghiệp, chúng ta hãy soi lại xem mình hay mắc phải loại ‘khẩu nghiệp’ nào nhiều nhất để tự điều chỉnh lại bản thân.
 
Lời nói có thể là diệu dược với năng lực chữa lành nhưng cũng có thể là vũ khí sát thương nguy hiểm nhất. Phúc hay hoạ đều từ cái miệng mà ra. Hãy thận trọng trong lời nói của bạn bởi nhân quả không bao giờ mất đi. Khi đủ duyên nhân chắc chắn sẽ trổ thành quả, và quả thì luôn lớn hơn nhân.
 
(Pháp Nhiên tổng hợp)