Bạn là con thuyền nào trôi trên dòng sông đời?

Bốn loại thuyền ngược xuôi trong sông ái cũng chính là bốn hạng người sống trong đời. Chọn loại thuyền nào, lối sống nào tùy thuộc căn lành của mỗi người. Với người con Phật, nên tìm về an lạc, giải thoát làm lẽ sống, cũng như những con thuyền kia tìm về bến đỗ bình an...

Kinh điển chép lại rằng, một thời, Đức Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Vajji, tại làng Bhanda. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỳ kheo và dạy:

Có bốn hạng người hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Hạng người trôi xuôi dòng; Hạng người đi ngược dòng; Hạng người tự đứng lại và hạng người đã vượt qua đến bờ kia, đứng trên đất liền. Này các Tỳ kheo, thế nào là hạng người trôi xuôi dòng? Hạng người thọ hưởng các dục lạc và làm ác nghiệp gọi là đi xuôi dòng. Thế nào là hạng người đi ngược dòng? Này các Tỳ kheo, có hạng người không bám chấp dục lạc, không làm ác nghiệp, sống thanh tịnh gọi là đi ngược dòng.

Này các Tỳ kheo, thế nào là hạng người tự đứng lại? Hạng người diệt tận năm kiết sử (*), được hóa sanh, không còn trở lại thế gian này nữa, gọi là tự đứng lại.

Thế nào là hạng người đã vượt qua đến bờ bên kia, đứng trên đất liền? Này các Tỳ kheo, có hạng người do diệt trừ các nhiễm ô, chứng ngộ và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát gọi là đã vượt qua đến bờ bên kia, đứng trên đất liền. Này các Tỳ kheo, có bốn hạng người như vậy có mặt ở đời.

LỜI BÀN:

Đời người trôi như dòng sông với thuyền bè xuôi ngược. Lênh đênh trong dòng tử sinh có lắm thứ vui buồn, hạnh phúc thì ít mà khổ đau và hiểm nguy lại nhiều. Chỉ có ai bước lên bờ, đứng trên mặt đất tâm bằng phẳng ngắm nhìn dòng sông trần tục bon chen, hỗn độn mới cảm nhận sâu sắc nổi khổ trần gian và niềm hạnh phúc xuất thế. Trong dòng sông đời ấy, cứ trôi dạt theo dòng chảy nghiệp lực thì dễ dàng. Hưởng dục lạc không ngại làm ác chính là thuận dòng sinh tử. Thuyền đời thuận dòng đông đảo, chen chúc, xô bồ, giành giật và hưởng thụ, hả hê với những niềm vui tạm bợ chóng vánh mà chẳng ai biết rằng nó đang xuôi nhanh về ác đạo.

Rồi một vài con thuyền nhận ra đâu là bến đỗ nên mới quay đầu, đạp sóng, vượt gió trở về cội nguồn. Chấp nhận nghịch lưu, quay lưng với trần gian, bỏ lại sau lưng bọt bèo và rác rưởi, thuyền đời xuất gia lầm lũi tiến lên. Đi ngược dòng thế gian thì khó khăn bội phần nhưng thênh thang, trống trải.

Đi mãi rồi cũng về tới bến xưa, trước mặt là rừng xanh, dưới chân là cát mịn. Thuyền đời dừng lại, không cần thả neo, ngủ yên trong bến vắng vì năm ngọn sóng kiết sử không còn. Nơi đây thuyền đã hóa thân, không trở lại dòng sông sanh tử nữa (quả Bất lai).

Cũng nơi bến xưa ấy, có những con thuyền được kéo lên bờ bình yên, dòng sông ái ngày xưa chỉ còn là kỷ niệm. Từ đây, mặc cho dòng sông đời vẫn cứ trôi, sóng gió ái dục phiền não trên sông vẫn gào thét dập vùi nhưng thuyền từ Bát nhã vẫn an nhiên. Rồi lòng từ bi giục giã thuyền xuôi trở lại dòng sông để độ đời. Vì thế, dòng sông đời vẫn luôn rộn ràng ngược xuôi, xuôi ngược.

Bốn loại thuyền ngược xuôi trong sông ái cũng chính là bốn hạng người sống trong đời. Chọn loại thuyền nào, lối sống nào tùy thuộc căn lành của mỗi người. Với người con Phật, nên tìm về an lạc, giải thoát làm lẽ sống, cũng như những con thuyền kia tìm về bến đỗ bình an.

(*) 5 kiết sử căn bản là tham, sân, si, nghi, mạn.


(Quảng Tánh)