Biến hạnh phúc thành hành động

Sứ mệnh của tôi trong cuộc đời này là khích lệ mọi người nuôi dưỡng và khởi tạo hạnh phúc bằng việc thực sự ý thức về cách chúng ta lan tỏa hạnh phúc trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, trong công việc và trong cộng đồng. Mọi người thường nói rằng khi tâm bình an thì ta sẽ có một cuộc đời hạnh phúc. Tuy nhiên, ngoài việc rèn luyện tâm mình – yếu tố cốt lõi để tạo nên một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta cũng cần phải thúc đẩy, lan tỏa nghệ thuật sống hạnh phúc. Tôi rất may mắn khi có thể giúp mọi người thực hành những điều có thể giúp chúng ta phát triển bản thân, gắn kết và tương tác với thế giới nhiều hơn. Xét cho cùng, những tư tưởng đúng đắn và tri thức có thể giúp chúng ta tiến xa – nhưng chính sự trải nghiệm và hành động mới là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc. 

Điều đáng mừng là ngày nay mọi người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc rèn luyện tâm trong cuộc sống. Các phương pháp thiền định và chánh niệm ngày càng trở nên phổ biến. Là người hành thiền nhiều năm, tôi cảm thấy rất may mắn khi đã trải nghiệm được sự an lạc và định tĩnh mà thiền mang lại. Điều tôi mong muốn bây giờ là mọi người sẽ tiến thêm một bước nữa và biến hạnh phúc thành hành động trong cuộc sống thường ngày; để nghệ thuật sống hạnh phúc không chỉ thể hiện trong tư tưởng mà cả trong hành động. 

Tinh thần và cơ thể con người có mối liên hệ cộng hưởng tuyệt vời. Chúng ta có thể dùng chánh niệm để chú tâm vào phút giây hiện tại, để cảm nhận được những điều cơ thể đang muốn nói với chúng ta; đồng thời bằng hành động chúng ta có thể gạt bỏ những vọng niệm lăng xăng trong tâm. Ví dụ, tập thể dục là một liều thuốc hạnh phúc tuyệt vời cho tâm trí. Suy nghĩ cần đi đôi với hành động: chúng ta cần thực sống nhiều hơn thay vì tư duy quá nhiều. Nếu quá quan trọng hóa vấn đề và cân nhắc quá mức, chúng ta sẽ chẳng dám hành động hay theo đuổi bất cứ điều gì trong cuộc sống. Không chừng, chúng ta có thể bị mắc kẹt trong mớ câu hỏi nên làm gì, làm như thế nào, để rồi rốt cuộc chẳng làm gì cả. Tính toán và tranh luận quá nhiều khiến ta bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn và bế tắc; phí hoài thời gian và công sức. 

Không ai có thể biết chính xác kết quả của hành động của mình hay cách tốt nhất để làm một việc gì đó. Do đó, mặc dù suy ngẫm và thảo luận là điều cần thiết trước khi làm việc, nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải tự nhắc mình hành động, và tiến về phía trước, cho dù đó là công việc cá nhân hay hoạt động thiện nguyện. Nếu có thể cân bằng giữa việc rèn luyên tâm trí và với thúc đẩy bản thân hành động, chúng ta sẽ sống tốt và không bị tâm kiêu mạn chi phối.

Trải nghiệm là cách rèn luyện tốt nhất, là người thầy tuyệt vời nhất. Làm sao chúng ta có thể học hỏi nếu không có kinh nghiệm thực tế? Đó là lí do mà tôi không ngừng khuyến khích mọi người hãy mạnh dạn thử sức, bởi khi cố gắng hết mình, chắc chắn chúng ta sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời. Nhiều người có động cơ đúng đắn, điều này rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ có thiện ý và trái tim nhân hậu, nhưng lại e ngại và không dám dấn thân hành động thì chưa đủ. Hãy nhớ rằng, hạnh phúc là kết quả của những hành động tích cực cụ thể, chứ không phải của một suy nghĩ vĩ đại nào cả.

Nói thì rất dễ. Bởi vậy chúng ta không nên nói quá nhiều, thay vào đó, hãy hành động. Bạn có thể dành cả đời tích lũy tri thức, nhưng chỉ có kinh nghiệm và hành động mới mang đến trí tuệ thực sự: kết nối với cuộc sống và giúp những ý tưởng tuyệt vời của bạn đơm hoa kết trái. Bước đi đầu tiên, dù nhỏ bé, để hiện thực hóa ý tưởng của bạn vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn.

Cách đơn giản nhất để biến hạnh phúc thành hành động là hãy chia sẻ sự tử tế và tình yêu thương đến với mọi người; hãy ban tặng hạnh phúc và bạn sẽ nhận thấy mình mỉm cười trong hạnh phúc. Có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình muốn cho đi điều gì hôm nay? Mình có thể làm gì để góp phần giúp thế giới tốt đẹp hơn? Đừng quá bận tâm, một hành động dù lớn, dù nhỏ cũng đều đáng quý, cũng như vô số những giọt nước hạnh phúc của mỗi cá nhân có thể sẽ gom đầy một đại dương hạnh phúc.
 
Đức Pháp Vương Gyawang Drukpa, lãnh đạo tâm linh Truyền thừa hơn 1000 năm tuổi Drukpa
(Theo www.newindianexpress.com)