Bình an sống

Thái độ sống bình tĩnh có thể giúp mỗi người tự do tự tại trong thế giới của chân lý, cho dù phải đương đầu với sóng gió cuộc đời, chúng ta cũng vẫn có thể kiến tạo một nhịp sống bình an.

Quán chiếu nội tâm là cách để ta tiếp xúc được với cõi bình yên trong lòng mình

Trong kinh Phật dạy, được sinh làm người, có đầy đủ 6 căn mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, sáu giác quan chủ lực, là điều vô cùng may mắn hy hữu, đây cũng chính là gia tài vô giá của con người nếu chúng ta biết sử dụng hợp lý thì đem lại an vui, hạnh phúc cho mình và người.

Khi quan tâm đến mọi chi tiết của đời sống, bạn có thể nhận ra tia nắng lúc bình minh và cảm nhận vị ngon của ngụm trà đầu tiên vào buổi sáng.

Mỗi sớm mai, hãy dành vài phút để nhớ về những người thân yêu, nhớ rằng mình đang có một mái nhà che mưa nắng, thưởng thức chén trà khi thức giấc, có bữa sáng ngon lành đang chờ sẵn. Rồi chúng ta thấy mình thật may mắn khi không bị ốm bệnh, mù lòa hay lang thang cơ nhỡ.

Lòng biết ơn soi sáng hạnh phúc trong ta, giúp bề mặt loạn động của tâm lắng dịu và khuyến khích chúng ta nhìn lại những  gì mình đang có vốn sẵn đủ để sống một cuộc đời bình an, hạnh phúc.

Câu chuyện “Viên ngọc trong chéo áo”: Viên ngọc quý ấy chính là nguồn Tâm vô nhiễm, thuần khiết, là cõi bình yên sâu thẳm nhiệm màu trong mỗi người.

Kinh Phật kể lại câu chuyện một người đến thăm người bạn thân giàu có lâu ngày không gặp, sau khi vui vẻ ăn uống no say người này lăn ra ngủ. Người bạn chủ nhà vì có việc quan khẩn nên đi gấp, ông bèn tặng người bạn một viên ngọc quý giấu trong chéo áo (góc dưới của vạt áo rộng hình tam giác) của người bạn, rồi ra đi.

Người này tỉnh dậy không thấy bạn mình đâu nên ra về. Ông qua xứ khác làm ăn nhưng thất bại, cực khổ nghèo khó, phải làm thuê, xin ăn qua ngày. Sau này hai người gặp lại, ông mới biết mình có một viên ngọc vô cùng quý giá mà không hề hay biết, không hề sử dụng đến. Câu chuyện ngắn nhưng được xem là giá trị cốt lõi của một bộ kinh lớn của đạo Phật.

Câu chuyện ngụ ý trong mỗi chúng ta có một viên ngọc TÂM vô cùng quý giá mà không hề hay biết, không hề dùng đến. Đức Phật ra đời mục đích là chỉ cho ta thấy viên ngọc đó nơi tâm của mình. Viên ngọc ấy chính là nguồn tâm vô nhiễm, thuần khiết, thanh tịnh, tĩnh lặng; là cõi bình yên sâu thẳm nhiệm mầu; là sự an nhiên thanh thản diệu kỳ tận đáy lòng. Viên ngọc đó là gia tài vô giá của chúng ta.

Dù ta là ai trên cuộc đời này đều sở hữu gia tài vốn có ấy của riêng mình. Không ai bắt bạn nghèo thì cõi lòng không được bình yên, không ai bắt bạn nghèo thì tâm hồn không được thanh thản. Lòng bình yên, thanh thản là tài sản vô giá của mọi người.

Cho nên khi chúng ta khai mở được nguồn gia tài đó, chạm được vào cõi bình yên sâu thẳm đó thì dù ta là gì đi nữa ta cũng được hạnh phúc, bình yên bất kể bên ngoài kia sóng dữ.

Nạn nhân sóng thần Nhật Bản “bình tĩnh sống” tiếp sau thảm họa

Tại đất nước Nhật Bản, trận động đất - sóng thần năm 2011 đã lấy đi sinh mạng người chồng của bà Michiyo Oshima, 74 tuổi. Năm đầu tiên sau tai nạn, sự đau khổ luôn giày vò tâm trí góa phụ. Bà không ngừng nghĩ tới người chồng quá cố. Tuy nhiên bà Oshima dần gạt những ý nghĩ ấy sang một bên và chú tâm vào nhiệm vụ trưởng khu nhà tạm tại quận Minamizakai. 

Bà xử lý mọi việc, từ đón tiếp tình nguyện viên tới kiểm tra đời sống tinh thần của những người cùng cảnh ngộ.

Công việc mới đã đem lại cho bà Oshima cơ hội kết bạn và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Nếu nói rằng, tôi không còn nghĩ về người chồng quá cố, đó là lời nói dối. Nhưng tôi vui vì đã có thêm nhiều bạn. Là người sống sót sau thảm họa, chúng tôi cần tiếp tục sống”. 

Ông Masuada cũng là một nạn nhân của thảm họa chia sẻ: “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành lãnh đạo. Nhưng khi sống sót sau thảm họa kép, tôi cảm thấy cần hành động vì lợi ích của xã hội”…

Trong mỗi người tồn tại một vũ trụ bí ẩn. Đôi khi, con người cảm thấy hoang mang sợ hãi trước những biến động lớn lao của hoàn cảnh sống như nghèo đói, dịch bệnh, thiên tai; hoặc không biết phải làm gì với cuộc đời mình, đó là khi kết nối với thế giới bên trong bị gián đoạn.

Bản chất cuộc sống là vô thường (sự biến dịch đổi thay, sinh diệt). Chúng ta không thể lường trước điều gì sẽ xảy ra và sự mơ hồ đó gieo vào tâm ta hạt giống sợ hãi. Thực ra, cuộc sống về bản chất vẫn luôn là một ẩn số vĩ đại.

Khi bắt đầu lựa chọn lấy hạnh phúc, giải phóng tâm để được hạnh phúc, thay đổi thái độ để biết tri ân cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn nỗi sợ hãi và bất trắc từ một góc độ khác. Chúng ta nhận ra sợ hãi là một phần của cuộc sống và trong sự vô thường biến dịch ẩn chứa cả những điều ngạc nhiên thú vị. Đằng sau nỗi sợ hãi luôn ẩn giấu tiềm năng to lớn giúp chúng ta trưởng thành.

(Mai An tổng hợp)
 

“Tôi vẫn luôn luôn tin rằng khi con người bắt đầu cuộc sống bên trong nghiêm túc hơn thì người đó bắt đầu cuộc sống bên ngoài giản dị hơn. Trong thế kỷ cuồng nộ và thừa thãi tôi chỉ muốn cả thế giới biết rằng những nhu cầu chân thực của chúng ta thật là ít ỏi.” - trích từ tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của nhà văn Ernest Hemingway