Chạy đi Patti, chạy đi Chạy đi Patti, chạy đi

Ngay từ nhỏ, Patti Wilson đã được bác sĩ bảo rằng cô bị bệnh động kinh (epileptic). Cha của cô, Jim Wilson, là người thường xuyên tập luyện chạy bộ vào buổi sáng. Một ngày kia cô nói với cha cô "Cha ơi, con rất muốn chạy với cha hàng ngày, nhưng con sợ con sẽ bị lên cơn." Cha cô nói với cô "Nếu con bị thì cha đã biết cần phải làm gì rồi nên đừng sợ, chúng ta cùng bắt đầu chạy." 

Rồi họ chạy mỗi ngày. Thật là điều kỳ diệu đối với họ làø cô bé đã không bị lên cơn lần nào. Sau vài tuần, cô nói với cha "Cha ơi, con thật sự muốn phá kỷ lục thế giới quãng đường chạy dài nhất của nữ." Cha cô tìm trong cuốn sách các kỷ lục thế giới Guiness và thấy rằng khoảng cách lớn nhất mà có người phụ nữ đã từng chạy là 80 dặm. Lúc đó Patti mới vào năm đầu tiên ở trung học, cô tuyên bố "Con sẽ chạy từ quận Cam (Orange County) tới San Francisco." (Khoảng cách 400 dặm.) "Ðến năm thứ hai, con sẽ chạy tới Portland, Oregon." (Khoảng hơn 1500 dặm.) "Tới năm thứ 3, con sẽ chạy tới St. Louis." (Khoảng 2000 dặm.) "Tới năm cuối, con sẽ chạy tới Nhà Trắng." (Khoảng hơn 3000 dặm đường.) 

Patti đầy nghị lực cũng như say mê hăng hái, cô chỉ coi bệnh của mình như là một điều "bất tiện". Cô không tập trung vào cái cô mất đi mà tập trung vào điều mà cô đang còn có. 

Vào năm đó cô hoàn thành cuộc chạy đến San Francisco với chiếc áo thun ghi dòng chữ "I Love Epileptics." Cha của cô chạy bên cạnh cô trên suốt quãng đường, và mẹ cô, một nữ y tá, thì lái xe theo để đề phòng mọi trường hợp có thể xảy ra. 

Vào năm thứ hai, các bạn học của Patti đã ủng hộ cô. Họ dựng lên một áp phích quảng cáo khổng lồ ghi "Chạy đi, Patti, chạy đi!" (Run, Patti, Run! - và sau đó đã trở thành khẩu hiệu của cô cũng như tựa đề cuốn sách sau này cô viết.) Trên đường thực hiện cuộc chạy đường dài mà đích đến là Portland, cô đã bị nứt gãy xương ở chân. Bác sĩ nói với cô rằng cô phải dừng không thể được chạy nữa. Ông nói "Tôi phải cố định khớp mắt cá của cháu để cháu không bị tật vĩnh viễn." "Bác sĩ, bác không hiểu rồi," cô nói "đây không phải là ý nghĩ bất chợt của cháu, nó thật sự là tấm lòng của cháu! Cháu không làm điều này vì bản thân cháu, cháu làm vậy để phá bung những xiềng xích trong suy nghĩ của nhiều người khác. Có cách nào để cháu vẫn có thể chạy tiếp được không hả bác?" Bác sĩ cho cô một lựa chọn. Ông chỉ băng bó lại thay vì bó bột cố định nó. Ông cảnh cáo cô rằng nó sẽ rất đau, sẽ bị sưng tấy lên. Cô nói với bác sĩ hãy băng chặt lại cho cô. 

Cô hoàn thành cuộc chạy đến Portland với Thống đốc bang cùng chạy chung trên dặm đường cuối cùng. Bạn cũng có thể đã thấy những tờ báo với tiêu đề "Người Vận Ðộng Viên Chạy Siêu Ðẳng, Patti Wilson, Ðã Hoàn Thành Cuộc Marathon Cho Người Bị Bệnh Ðộng Kinh Vào Sinh Nhật Thứ 17 Của Cô." 

Sau bốn tháng chạy gần liên tục từ bờ Tây sang bờ Ðông, Patti đã tới Washington và bắt tay Tổng thống Hoa Kỳ. Cô nói với ông "Cháu muốn mọi người biết rằng người bị động kinh chỉ là những con người bình thường với cuộc sống bình thường." 

Tôi kể về câu chuyện này một lần trong một buổi hội thảo của tôi cách đây không lâu, và sau đó một người đàn ông cao lớn đến gặp tôi. Ông đưa bàn tay khổng lồ cho tôi bắt và nói "Mark, tôi tên là Jim Wilson. Anh vừa kể về con gái tôi, Patti." Ông kể rằng nhờ vào sự cố gắng không ngừng của cô bé, kết quả là đã kêu gọi đóng góp để mở được 19 trung tâm chữa bệnh động kinh trị giá nhiều triệu đô la.  

Patti Wilson cần thật ít để có thể làm được được thật nhiều như vậy. Còn bạn thì sao? Bạn có thể làm gì để vượt lên chính bản thân mình trong khi có đầy đủ sức khỏe? 

 
Mark Victor Hansen