Con người đẩy nhanh cuộc đại tuyệt chủng thứ 6

Các hoạt động của con người khiến số lượng loài vật biến mất trong giai đoạn 2001-2014 nhiều gấp 25 lần bình thường. 
Báo Amur, sinh vật thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Ảnh: CNN.
Báo Amur, sinh vật thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Ảnh: CNN.
 

Con người đã xóa sổ hàng trăm loài vật và đẩy nhiều loài khác đến bờ vực tuyệt chủng do buôn bán động vật hoang dã, ô nhiễm, phá hủy môi trường tự nhiên và sử dụng những chất độc hại. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) hôm 1/6 cho thấy tốc độ các sinh vật tuyệt chủng những thập kỷ gần đây đang tăng lên. 

Khoảng 173 loài đã tuyệt chủng từ năm 2001 đến năm 2014, theo Gerardo Ceballos González, giáo sư sinh thái học tại Đại học Tự quản Quốc gia Mexico, thành viên nhóm nghiên cứu. "Con số này nhiều gấp 25 lần so với tốc độ tuyệt chủng bình thường", ông nói.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã bị xóa sổ. Trong khi theo quá trình tiến hóa tự nhiên, thời gian để nhiều loài như vậy biến mất lên đến 10.000 năm.

Trái Đất đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng, mỗi cuộc xóa sổ 70% - 95% các loài thực vật, động vật và vi sinh vật. Sự kiện đại tuyệt chủng gần đây nhất xảy ra 66 triệu năm trước, khi khủng long biến mất.

Những sự kiện trong quá khứ diễn ra do môi trường thay đổi lớn, ví dụ núi lửa phun trào mạnh hoặc tiểu hành tinh đâm xuống Trái Đất. Tuy nhiên, cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 đang diễn ra vì lý do khác. "Đó hoàn toàn là lỗi của chúng ta", Ceballos González nói.

Sinh vật trên Trái Đất phát triển trở lại sau mỗi cuộc tuyệt chủng. Tuy nhiên, phải mất hàng triệu năm để khôi phục số lượng loài. "Dù chỉ khoảng 2% trong số tất cả những loài từng sống trên Trái Đất còn tồn tại đến ngày nay, số lượng loài hiện nay vẫn là lớn nhất lịch sử. Con người đã tiến hóa trong thế giới đa dạng sinh học như vậy và cũng đang phá hủy nó", nhóm nghiên cứu viết. Khi một loài trong hệ sinh thái biến mất, toàn bộ hệ sinh thái sẽ ảnh hưởng và những loài khác bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng.

Covid-19 cũng là bài học về cách con người đối xử với thế giới tự nhiên. "Chúng tôi tin rằng Covid-19 liên quan đến việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Trung Quốc. Lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã do chính phủ Trung Quốc ban hành, nếu được áp dụng triệt để, có thể là biện pháp bảo tồn quan trọng đối với nhiều loài đang trên đà tuyệt chủng", nhóm nghiên cứu cho biết. Họ cũng nhận định, nghiên cứu mới giúp nhấn mạnh tính cấp thiết của các nỗ lực bảo vệ môi trường tự nhiên.

Thu Thảo (Theo CNN)