Đối trị tâm nghi hoặc

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà rất nhiều giá trị sống đang bị đảo lộn. Quá nhiều thứ giả tạo, lừa dối hoành hành nên con người sống đầy hoài nghi, khép chặt lòng mình.

Điều đáng buồn là tâm hoài nghi chính là một trong năm chướng ngại - năm thứ phiền não của tâm, bên cạnh tham, sân, si, kiêu mạn, khiến cuộc sống của chúng ta trở nên bế tắc, tẻ nhạt và đau khổ.
 
Đức Phật ví tâm nghi hoặc giống như mặt hồ phủ đầy bèo. Làm sao ta có thể nhìn thấy đáy nước. Cuộc sống đầy nghi hoặc giống một cuộc hành trình đến sa mạc mà không mang theo vật dụng, không có bản đồ, do đó ta cứ đi luẩn quẩn để rồi bị cướp, bị đói khát.
 
Tâm nghi ngờ dưới góc nhìn Phật giáo có 3 khía cạnh: nghi mình, nghi người và nghi về những chân lý của cuộc sống.
 
Chúng ta nghi ngờ lòng từ bi của người khác, chúng ta nghi ngờ về sự giác ngộ của Đức Phật, nghi ngờ Phật pháp. Tất nhiên, chúng ta được quyền hoài nghi, nhưng đó là sự nghi ngờ với tâm cởi mở, sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ, mình chưa hiểu, chưa biết, chứ không phải sự bảo thủ, bài bác dựa trên hiểu biết hạn hẹp của mình.

Và chướng ngại lớn hơn cả cho sự tiến bộ của bản thân là nghi ngờ về chính khả năng của mình, về trực giác tâm linh của mình.
 
Từ sự nghi ngờ dẫn đến do dự, phân vân, làm cho mình lúng túng, giống như người đứng ở ngã tư đường không biết chọn đường nào vì ta cứ phân vân, do dự mãi. Những người có tánh đa nghi như thế, đối với gia đình, người thân họ chẳng tin tưởng một người nào hết, đối với bạn bè, họ không thấy ai là người đáng tin cậy. Đối với Phật pháp họ cho rằng không có lợi ích thật sự, nên họ đánh mất niềm tin mà bỏ qua cơ hội tốt học đạo làm người
 
Sự tự tin sẽ phát sinh khi ta có thể làm được những điều mà ta đã vạch định. Trong thiền, điều đó có nghĩa là ta có thể ngồi cho đến khi tâm ta an định trong tĩnh lặng. Như thế ta sẽ có thêm lòng tự tin trong lần tọa thiền sau, vì ta biết là ta có thể làm được điều ta muốn làm với tâm. Ta biết là phần nào ta đã làm chủ được tâm.
 
Lòng tự tin có nhiều khía cạnh. Đó là không phải là sự ngang bướng, mà là một cảm giác tin tưởng rằng mình có thể hoàn toàn dựa vào chính mình. Sự nương tựa đó chỉ có thể xảy ra khi ta có thể làm chủ được tình cảm mình. Không thể có lòng tự tin, khi ta còn lệ thuộc vào cảm xúc của mình. Khi ta còn bực tức, giận dữ, lo âu, sợ sệt, thèm muốn, ghen ghét, tham lam, khi tất cả những thứ tình cảm này còn làm chủ ta, thì khó thể tìm được sự an bình. Và khi không an bình, ta đâm ra thiếu tự tin. Chỉ khi nào mọi thứ tình cảm sân si trong ta đã được điều phục, ta mới có được nội tâm vững chãi, mới chắc rằng dù bất cứ chuyện gì xảy ra ta sẽ phản ứng nhẹ nhàng, tự chủ, lúc đó ta mới thực sự có lòng tự tin. 

Đó là một khía cạnh quan trọng của lòng nghi hoặc. Vì chỉ khi ta có lòng tự tin về chính bản thân, lúc đó ta mới có đủ lòng tự tin để đi theo con đường tâm linh cho đến tận cùng. Tóm lại nhờ vào lòng tự tin, ta mới có thể nói: “Tôi có thể làm được. Tôi sẽ theo đuổi việc đó tới cùng”.
 
Mặt khác, tâm nghi hoặc thường dấy khởi trong những người thiếu lòng từ. Nếu không có từ tâm, ta không thể phụng sự một lý tưởng nào, dốc lòng tin theo một con đường tâm linh nào. Không có từ tâm, ta khó thể dâng hiến cả đời mình cho một lý tưởng nào đó. Nếu ta không thể dâng hiến đời mình cho con đường ta đã chọn thì cũng giống như ta đã thành hôn, nhưng vẫn nghĩ mình sẽ gặp được một người tốt hơn người bạn đời của mình. Không thể có một hôn nhân tốt đẹp được khi ta có những ý nghĩ như thế.
 
Con đường tâm linh còn đòi hỏi một sự dốc tâm hơn thế. Vì chỉ có ta, không có người thứ hai nào bên cạnh góp sức vào để vun bồi cho sự hòa hợp này. Ta phải hiểu con đường từ trong trái tim mình. Như thế sẽ không có nỗi nghi hoặc nào có thể xen vào. Ta sẽ không cần tự hỏi: “Không biết Đức Phật có Giác Ngộ không?”. Đó là một câu hỏi thừa. Khi chúng ta đi theo con đường của Ngài, thì tự ta sẽ khám phá ra thôi.
 
Muốn trọn vẹn đi theo con đường của Đức Phật là một việc làm trọn cả cuộc đời. Điều đó không có nghĩa là ta không thể có cuộc sống riêng, hay làm những chuyện khác, nhưng nó có nghĩa là chúng ta phải có tín tâm. Lúc đó bất cứ ta làm gì cũng là cơ hội để ta học hỏi thêm.
 
Đức Phật chỉ cách đối trị cho lòng nghi hoặc cũng giống như tâm vọng động, lo lắng; đó là học hỏi từ các bậc thầy, bậc thiện tri thức với tâm trí rộng mở, và quan trọng là đưa Pháp vào cuộc sống và tự mình trải nghiệm sự thật.
 
Đức Phật nói người đã bỏ hết được năm điều chướng ngại kể trên là người đã hoàn tất cuộc đời mình, không còn gì để làm, bởi năm chướng ngại này, trong đó có nghi hoặc là gốc rễ khiến chúng ta trôi lăn trong luân hồi.


(M. Ly tổng hợp)