Đừng né tránh khổ đau

Ta có thể vượt qua khổ đau nếu biết chăm sóc tâm mình. Ta cần rèn luyện tâm để những cú sốc tinh thần không làm ta suy sụp.
 
Cuộc sống hiện đại chi phối lý tưởng và cách sống của con người nhiều đến mức chúng ta bị làm cho tin rằng ta chỉ có thể hài lòng, hạnh phúc và thành công theo những tiêu chuẩn định sẵn. Khi không đạt được những tiêu chuẩn này, đâu đó chúng ta sẽ bị coi là có vấn đề.

Trên thực tế, chúng ta được dạy nhiều điều sai lầm. Cuộc sống không bao giờ là một đường thẳng. Khổ đau và phiền não luôn hiện diện trong đó. Thậm chí, những khổ đau ấy còn là một phần thiết yếu để chúng ta có được hạnh phúc. Ta có thể tìm thấy bài học cuộc sống trong những thử thách mà mình phải đối mặt để rồi tự nhận ra những khả năng và thế mạnh tiềm ẩn của bản thân hoặc quyết tâm cải thiện chính mình. Những chuyện bất như ý nhắc nhở ta rằng cuộc sống này vô cùng quan trọng và ta không nên lãng phí một phút giây nào. Đó cũng là cơ hội để ta trưởng dưỡng tâm trân trọng tri ân. Đừng né tránh khổ đau mà hãy dũng cảm đối diện và trải nghiệm nó.

Bạn cũng đừng để mình đắm chìm trong khổ đau mà hãy tỉnh giác vượt qua những nỗi đau này. Bạn hoàn toàn có thể làm điều đó nếu biết rèn luyện tâm để những cú sốc tinh thần không thể khiến mình suy sụp, thay vào đó, bạn có thể đối mặt và soi chiếu những cảm xúc này theo cách sâu sắc và trọn vẹn. Chúng ta cần coi trọng thực hành thiền bởi đây là phương pháp giúp ta làm quen, sống hòa hợp với chính những cảm xúc ấy. Thiền định cũng có nghĩa là để tâm tự nhiên với các cảm xúc, mặc cho chúng tự đến rồi đi, không sợ hãi khi gặp phải khổ đau.

Khi tâm không vững vàng và thiếu sự tỉnh thức, ta có thể vấp ngã đau đớn trên đường đời. Ta có thể coi nỗi đau này là hồi chuông cảnh tỉnh hoặc chấp nhận cảm xúc với hy vọng cơn đau sẽ qua đi. Nếu chúng ta can đảm đối diện với những cảm xúc mà không trốn chạy thì đây chính là cơ hội thực sự thức tỉnh trong cuộc sống.

Đừng bao giờ e ngại phải nhờ người khác hỗ trợ khi cần, cũng giống khi muốn được người mà ta yêu quý nhờ cậy mình giúp đỡ. Đừng sợ mình không thể chống đỡ nổi khi bị vấp ngã. Bạn chỉ cần tự tin, biết yêu thương và từ bi với bản thân giống như cách bạn yêu thương và từ bi với mọi người.

Cảm xúc của chúng ta là sự phản chiếu cách sống của thế giới hiện đại. Áp lực thành công đặt nặng trên vai khiến ta thấy mình không những không hạnh phúc mà còn chịu tác động của đủ thứ tiêu cực như trầm cảm, lo âu, đố kỵ, sân giận. Điều đó cho thấy chúng ta chưa hiểu rõ bản chất thay đổi, biến dịch của cuộc sống. Chúng ta mong muốn mọi thứ lúc nào cũng tốt đẹp nhưng lại thiếu công cụ để ứng phó với những hoàn cảnh bất như ý. Tương tự như vậy, nếu có thể chuẩn bị để sẵn sàng đối mặt với cái chết, điều tất yếu sẽ xảy ra trong đời, ta sẽ tận dụng được tối đa cuộc sống này và tìm thấy cơ hội tốt nhất để khám phá hạnh phúc nơi tự thân.

Đạo Phật dạy về luân hồi (đồng nghĩa với khổ đau) và Niết bàn (đồng nghĩa với hỷ lạc). Đây là hai mặt của cuộc sống, cùng đồng thời tồn tại. Theo cách nhìn như vậy, nơi nào có bóng tối, nơi đó chắc chắn có ánh sáng. Bởi vậy, khi tôi nói rằng bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất thì đó không phải là thái độ tiêu cực. Chỉ đơn giản là bạn cần thoát khỏi những kỳ vọng, sống linh hoạt và cởi mở với những gì cuộc sống đem lại. Tâm tự do không trói buộc luôn sẵn sàng đón nhận mọi chuyện, và có thể đem tới cho bạn hạnh phúc, sự tự tin cùng những trải nghiệm vô cùng tốt đẹp.

Hạnh phúc luôn đồng hành với tất cả những cảm xúc mà chúng ta nếm trải. Nếu quan tâm sâu sắc hơn đến từng cung bậc cảm xúc, bạn sẽ hiểu hơn về bản thân và sống thật với chính mình. Khi biết đứng dậy từ buồn đau và tan vỡ, ta sẽ tiến bộ và trở thành một người mạnh mẽ, tốt đẹp hơn. Bạn đừng bao giờ né tránh khổ đau, cũng không cần đeo bám khổ đau như một gánh nặng. Bởi lẽ, lớp vỏ bọc khổ đau này sẽ ngăn không cho hạnh phúc chạm đến trái tim của bạn. Bạn cần nhận diện tất cả cảm xúc của mình để sau đó có thể dễ dàng buông xả chúng.

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)