Tại sao tâm trí chúng ta rối ren?

Bạn cần rèn luyện khả năng phân biệt giữa thực tế với vọng tưởng, giữa thực tại và hư vọng. Và hãy sống đúng thực tế, đừng thêm bớt gia vị.
 
Thế giới ngày nay trở nên khá náo loạn, phóng túng. Hàng ngày, dù không muốn ta cũng phải nghe đủ thứ tin xấu, tin buồn, những thông tin bạo lực xảy ra khắp đó đây trên thế giới. Trừ khi tâm đủ vững vàng, còn nếu không ta sẽ bị nhồi vào đầu đủ mọi thông tin tiêu cực đã bị truyền thông và những bàn tán phù phiếm cường điệu lên.

Chúng ta không chỉ nêm thêm ớt cay vào đồ ăn mà còn thêm thắt rất nhiều “gia vị” vào suy nghĩ, cảm xúc của mình. Điều đó khiến ta không còn khả năng minh định đúng sai nữa. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta dần tin vào phần xấu của con người và điều đó càng làm gia tăng trầm trọng thêm sự bất tín, bất kính, thiếu niềm tin nơi thế giới loài người và cả thế giới tâm linh. Sự thờ ơ, lạnh lùng, thiếu quan tâm mà ta cảm nhận đang gia tăng trong toàn xã hội chính là kết quả của thái độ tiêu cực này.

Sự thờ ơ, lãnh đạm là một lộ trình hai chiều. Ta cảm thấy thiếu kết nối mặc dù luôn cố gắng để kết nối đến mức tuyệt vọng. Để bù đắp, ta lại để tâm mình tự huyễn hoặc, phóng chiếu. Bản thân chúng ta trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Chúng ta khao khát được chú ý, được yêu thương, được thành công, được biện hộ để luôn luôn đúng, và ngoài ra, ta còn hình thành tư tưởng sở hữu đối với toàn bộ thế giới quanh mình. Sự mất cân bằng này khiến chúng ta hành động theo cách cực đoan, gắng sức bằng mọi cách để khiến đời sống của mình có ý nghĩa. 

Tại sao chúng ta lại cảm thấy cô đơn và ít được quan tâm trong một thế giới có tới bảy tỷ người? Chúng ta đang làm gì với chính mình? Tại sao ta cố làm mọi thứ để khiến mình được hạnh phúc, nhưng rốt cuộc chỉ đem tới cho bản thân toàn khổ đau, phiền toái?

Tất cả các bậc thánh nhân trong lịch sử văn minh nhân loại đều từng nhắn nhủ, theo cách công khai rõ ràng hoặc ngụ ý sâu xa, rằng hạnh phúc của mỗi cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào hạnh phúc của người khác. Nhưng hầu hết chúng ta đều ngộ nhận điều đó và hiểu theo cách ngược lại, rằng người khác có nghĩa vụ phải làm cho chúng ta hạnh phúc, phải nghe theo mọi ý nguyện của ta. Đây chính là căn nguyên của mọi sai lầm và khổ đau.

Chỉ khi ta biết đem hạnh phúc đến với mọi người, khi làm cho người khác hạnh phúc thì ta mới có thể hạnh phúc. Điều này giống như câu thần chú mà chúng ta cần khắc cốt ghi tâm và thực hành hàng ngày để biến thành tôn chỉ sống. Nếu tuân theo nguyên tắc vàng này, mọi ngộ nhận nghi ngờ trong bạn sẽ tan biến. Thế giới sẽ không còn có thể ảnh hưởng chi phối, dẫn dắt bạn vào những lầm tưởng về hạnh phúc. Thần chú chân ngôn này vận hành theo quy luật hưởng ứng, tương đồng. Nó giúp bạn chủ động kiểm soát nghiệp của bản thân. Nó đặt cho bạn câu hỏi tại sao bạn thụ động ngồi chờ và đòi hỏi người khác yêu thương mình? Tại sao bạn không ban trải tình yêu đến với mọi người trước? Và đây là lời gợi ý dành cho bạn: Đừng yêu thương có điều kiện bởi tình yêu thương có điều kiện sẽ được đáp trả với những điều kiện và kỳ vọng. Hãy là một nhà đầu tư thông minh, đầu tư cho hạnh phúc của mình theo cách thông minh. Khi bạn yêu thương vô điều kiện, thậm chí cả vũ trụ sẽ yêu thương bạn vô điều kiện. Chẳng phải đó là một cuộc sống tuyệt vời mà bạn luôn kiếm tìm?

Thực hành tâm linh cũng giản dị như vậy. Chúng ta cầu nguyện và trì tụng để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh. Những âm hưởng rung động thông qua lời nguyện cầu từ đáy lòng sẽ khiến tất cả chúng sinh, kể cả những ai muốn đoạt mạng sống của ta, muốn ta phải trả nợ mạng, cũng phải lắng tâm lại. Đó chính là sức mạnh của tình yêu thương vô điều kiện. Cho đến giờ, hầu hết chúng ta không hiểu điều này, vì vậy chúng ta tự thấy khổ đau và đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác đã khiến mình đau khổ. Chúng ta không nhận ra mình làm người khác khổ đau vì đã tạo ra mọi căng thẳng, tự phóng chiếu và cuốn mình vào trong vai diễn của thước phim đầy ảo tưởng của cuộc đời. Chúng ta tự tạo dựng cho mình một thế giới ngập tràn những “gia vị” thêm thắt và kết quả cộng nghiệp chính là sự tồn tại của cõi luân hồi này.

Luân hồi đã đầy rắc rối khổ đau, vậy tại sao ta phải nêm thêm gia vị chua chát hay ảo tưởng ngọt ngào cho nó. Hãy sống đơn giản: hạnh phúc, thong dong tự tại, như thể bạn chỉ có một cuộc đời và phải sống cho đẹp nhất, bằng cách đối xử tử tế, trưởng dưỡng tình yêu thương, sự cảm thông bình đẳng vô điều kiện tới mọi hữu tình.

Bởi chúng ta luôn thêm thắt gia vị vào cuộc sống, nên ta chỉ nhìn mọi thứ theo cách của riêng mình. Khi mọi thứ không xảy ra như ý muốn, ta lại rắc thêm gia vị cho đến khi mắt ta phải ứa lệ cay xè. Sử dụng gia vị quá liều lượng khiến chúng ta phát điên lên vì nóng nảy bực bội.

Mỗi khi nhìn thấy những người đổ thêm gia vị vào đời sống trong một thế giới vốn đã đầy gia vị, tôi chỉ biết lắc đầu không hiểu nổi. Nếu muốn hạnh phúc, tại sao bạn lại tự thiêu đốt bản thân trong thế giới ảo tưởng được thêm nếm đủ mọi loại gia vị như vậy? Đừng si mê ảo tưởng như vậy nữa!

(Trích ấn phẩm ‘Sống trí tuệ’ – Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)