Hạ mình để lắng nghe

Người biết hạ thấp mình để lắng nghe những lời phê bình là người có trí. Dĩ nhiên, không phải lời phê bình nào cũng đúng, nhưng chính thái độ biết lắng nghe phê bình làm cho bạn trưởng thành hơn.

Hầu hết con người sống trong thế gian đều sống với một loại tâm đó là tâm vọng tưởng, chấp trước, mà hễ còn sống với tâm này thì không ai hoàn hảo cả, ai cũng có những vụng về và sai lầm vì sự hiểu biết của ta còn nhiều hạn hẹp.

Khi thấu hiểu điều này, chúng ta sẽ có thái độ sống khiêm cung và biết lắng nghe người khác, chấp nhận cả những lời phê bình, chỉ trích…

Một người quá tự hào về sở học, về trí thông minh và tài năng của mình thì họ chỉ muốn nói cho người khác nghe chứ không hề muốn nghe người khác nói, huống nữa là có khả năng lắng nghe người khác phê bình mình .

“Anh có biết tôi là ai không? Anh là ai mà dám phê bình tôi?'', họ thường tâm niệm như thế.
Biết hạ thấp mình để lắng nghe những lời phê bình là người có trí.
Biết hạ thấp mình để lắng nghe những lời phê bình là người có trí.

Trong truyền thống Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Kim Cương thừa, có pháp thực hành lễ lạy. Lễ Phật không chỉ để tỏ lòng kính ngưỡng tri ân tới một bậc toàn giác đã thị hiện cõi nhân gian để làm vơi đi khổ đau của muôn loài, mà đó cũng chính là cách chúng ta trưởng dưỡng hạnh khiêm nhường. Khi biết hạ mình cúi đầu, chúng ta có thể học hỏi và trưởng thành.

Người tự mãn không muốn lắng nghe những lời phê bình dù đúng ai sai. Cái tôi của họ quá lớn, đó chính là nguyên nhân khiến họ trở nên cô độc và bất hạnh trong cuộc sống, cho dù có thành công về tiền bạc.

Cổ nhân có câu ''Nước thì chảy xuống mà dập tắt được lửa dù lửa bốc lên cao''.

Biết hạ thấp mình để lắng nghe những lời phê bình ấy là người có trí. Dĩ nhiên, không phải lời phê bình nào cũng đúng, nhưng chính thái độ biết lắng nghe phê bình làm cho bạn trưởng thành hơn.

Bỏ xuống tự ái để nghe người khác phê bình không phải là chuyện dễ dàng nhưng đối với một người thật tâm cầu tiến, họ chẳng thà chấp nhận vị đắng của viên thuốc hơn là những lời ngọt mật khéo bày trên lưỡi dao.
 
Này em sống Hiểu và Thương
Vì Tâm, cảnh ấy vô thường cả hai
Nhân gian tô vẽ hình hài
Em về soi lại một đài gương tâm.


(Tiếng Lòng)