Hạnh phúc khổ đau không do vận mạng

Thông thường, các bạn khi thấy một người nào đó thành công, thì đi nghiên cứu xem họ làm thế nào mà được thành công? Cố gắng mà học tập với họ, học được một vài phần rồi cũng không kiếm được ra tiền.
Mọi sự trên đời đều không nằm ngoài luật nhân quả

Do nguyên nhân gì vậy? Trong mạng không có thì làm gì có thể học ra được? Cho nên bạn mong muốn phát tài, Phật dạy chúng ta phải tu bố thí tiền tài vật chất; bạn hy vọng được thông minh trí tuệ thì bạn phải tu bố thí pháp, bố thí kiến thức, bố thí sự hiểu biết của mình không che dấu.

Mong muốn khỏe mạnh sống lâu thì bạn phải tu bố thí sự không sợ hãi không lo lắng cho người. tạo sự an tâm, sự bình yên cho người. Nếu bạn không chịu tu nhân thì làm gì có được quả báo? Lời Phật dạy rõ ràng như thế.

Không thể nói chúng ta cầu Phật thì Phật có thể bảo hộ chúng ta thăng quan phát tài, không hề có đạo lý này. Nếu như cầu Phật, Phật liền bảo hộ bạn, thì chẳng phải là đã đem định luật nhân quả đánh đổ mất rồi sao. Phật cũng không có năng lực đánh đổ được định luật nhân quả. Năng lực của Phật là dạy chúng ta tu nhân chứng quả, đó gọi là “trồng nhân thiện, được quả thiện”.

Nếu như người đã được thiện quả, thông đạt đạo lý này, lại chịu tu bố thí, vậy phước báo của họ sẽ rất lớn, càng ngày càng thù thắng, không chỉ phước báo một đời này họ hưởng không hết, mà phước báo đời đời kiếp kiếp cũng hưởng không hết.

Luật nhân quả không chỉ áp dụng cho riêng một ai, cho riêng một sắc dân nào, cho riêng tín đồ của một tôn giáo nào cả.

Luật nhân quả là một lẽ thực, là chân lý, không lệ thuộc thời gian hay không gian, luôn luôn áp dụng, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào.

Sách vở có nói về luật nhân quả như các câu sau: cây nào sinh quả nấy, có lửa mới có khói, gieo gió thì gặt bão, sinh sự thì sự sinh.

Về phương diện tâm linh, về phương diện tinh thần, những việc con người tạo tác, những việc con người nói ra, những việc con người suy nghĩ, từ thân khẩu ý, chính là những nguyên nhân, gây ra những kết quả hay hậu quả, mà con người sẽ thừa hưởng, sẽ nhận lấy, hay sẽ gánh chịu.

(Pháp sư Tịnh Không)