Học cách được là chính mình

Chúng ta có xu hướng sao chép bắt chước người khác từ lời ăn tiếng nói đến cách tư duy suy nghĩ, tạo ra những “chuẩn mực” rồi bắt đầu những so sánh ta - người. Thỉnh thoảng, ta thấy hơn người khác nhưng cũng có lúc lại thấy mình kém họ.Những so sánh này ăn sâu vào tâm thức đến mc chúng tạo thành những thước đo tự nhiên. Trong xã hội hiện đại, chúng ta thường định nghĩa hạnh phúc thành công bằng thước đo đơn điệu của ham muốn, sự hưởng thụ, danh vọng, vẻ đẹp bên ngoài và những tiện nghi vật chất, Bạn mang theo nỗi ám ảnh của rất nhiều người “đẹp hơn”, ‘thành công hơn’ để giục giã bản thân. Tuy nhiên, những suy nghĩ thế này sẽ chỉ khiến bạn trải nghiệm thêm nhiều bế tắc và phiền não.

Nếu không sao chép nhau, chúng ta lại bắt đầu phán xét, đánh giá người này là tốt hay xấu, đúng hay sai. Tôi thường buồn khi phải nghe ai đó hăng hái nói xấu về người khác. Có thể người đó đã làm điều gì đó tồi tệ nhưng làm sao bạn có thể biết anh ấy thật sự là người xấu?

Việc bạn muốn ăn mặc đẹp và trông bảnh bao cũng tốt thôi, tuy nhiên bạn không nên so sánh hay cạnh tranh với ai. Hãy là chính mình. Cứ an vui, cho dù người ta cao hơn, đẹp hơn hay có tồi tệ hơn bạn đi chăng nữa. Hãy tự tin gặp gỡ mọi người, dù là hội họp hay tiệc tùng, và trở về với tâm vui vẻ, hoan hỷ vì giá trị cuộc sống ở bên trong tâm hồn bạn, nơi không có chỗ cho ganh ghét tỵ hiềm. Hãy chia sẻ với nhau những cảm xúc tích cực và chân thật. Xã hội ngày nay đang rất cần điều này.

Hãy ghi nhớ rằng trải nghiệm chỉ là trải nghiệm, chúng không phải là ta và không phản ánh con người thật của ta. Đừng mãi bứt rứt với những sai lầm hay chỉ trích. Bạn cần biết can đảm chấp nhận, rút ra các bài học và đứng dậy tiếp tục cuộc hành trình. Hãy thoải mái tận hưởng cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng hiểu nói thì rất dễ, nhưng làm mới khó. Nhưng bạn thử nghĩ xem, cuộc sống sẽ chất lượng, hiệu quả hơn biết bao nhiêu nếu bạn thực sự buông xả thư thái thay vì luôn giày vò giằng xé bởi những băn khoăn nghi ngại không lối ra.


(Trích 'Đối trị Căng thẳng và Trầm Cảm' - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa).