KẺ BẮT CÓC BÍ MẬT

‘Trong đêm mưa lạnh giá, hai bà cháu đang ngủ trong một ngôi nhà nhỏ ở một vùng quê hẻo lánh. Nghe thấy tiếng động, bé bất chợt tỉnh giấc, mở to mắt và thấy bà đang bị một gã đàn ông cầm dao kề cổ, cô bé chuẩn bị khóc thét lên, nhưng bàn tay ấm áp của bà khẽ chạm vào người khiến bé bình tâm lại. Nó hiểu rằng hai bà cháu bị kẻ xấu khống chế làm con tin…”



Trong cuộc sống, ít ai trong chúng ta phải trải qua những khoảnh khắc kịch tính đáng sợ như vậy. Nhưng suy ngẫm kỹ, bạn sẽ thấy, ở một mức độ nào đó, chúng ta đều là những ‘con tin’ bất đắc dĩ. Chỉ có điều kẻ thủ ác ở đây không phải ai khác mà chính là tâm mình. Vũ khí dùng chế ngự sai khiến chúng ta không phải dao kéo hay súng ống mà chính là những xúc tình phiền não mất kiểm soát. Chúng ta bị giam cầm trong thế giới quan nhỏ hẹp của chính mình.
Không cần bị ghì dao vào cổ hay trói vào góc bàn, chúng ta vẫn ‘tình nguyện’ trở thành ‘con tin’ không chỉ bởi nỗi sợ hãi mà còn bởi cả hận thù, đố kỵ, tham lam, hổ thẹn hay cảm giác tội lỗi... Những cảm xúc ấy nếu không được chuyển hóa đôi khi còn nguy hiểm hơn cả súng đạn, bởi nó có thể tấn công dồn dập nhưng cũng có thể rút tỉa năng lượng của bạn từng chút một và được che đậy tinh vi dưới vỏ bọc của bản ngã, khiến chúng ta không nhận ra mình đang bị thao túng.

Chúng ta trở thành ‘con tin’ tội nghiệp khi để những cảm xúc tiêu cực đeo bám dai dẳng, khiến ta bất an, dằn vặt, mất tự chủ.

Ở đây chúng ta chưa bàn đến những biến cố lớn, những ký ức đau buồn, hay những sang chấn tinh thần từ thuở ấu thơ hằn sâu trong tâm trí non nớt của những đứa trẻ, góp phần tạo nên cách nhìn cuộc sống sai lệch, không dễ thay đổi hoặc gỡ bỏ khi trưởng thành, giống như người từng suýt chết đuối thường hay sợ sông nước. Chúng ta dễ bị tổn thương bởi những điều bình thường, nhỏ nhặt nhất.

Những tháng cuối năm công việc quá bận rộn, thường xuyên đi làm về muộn nên tôi không có thời gian dành cho gia đình như thường lệ. Hẹn với vợ con cuối tuần sẽ đưa cả nhà đi chơi để bù đắp, nhưng cuối cùng tôi lại đành thất hứa vì phải đi công tác đột xuất. Vợ cằn nhằn, con quấy khóc. Cả chuyến đi, tôi cứ áy náy, thất vọng với bản thân và không tập trung được vào công việc.

Có lẽ bạn cũng đã từng trải qua cảm giác khó chịu trước một cử chỉ vô tình của người thân, một câu nói bâng quơ của đồng nghiệp, hay thậm chí một ánh nhìn ‘dè bỉu’ của một người lạ. Nó có thể thoảng qua nhưng cũng có thể thể khiến bạn nghĩ ngợi miên man, buồn bực cả ngày.

Những xúc tình phiền não ấy chủ yếu bắt nguồn từ sự thêu dệt, suy diễn của tâm vô minh. Chúng ta tiếp thêm sức mạnh cho chúng bằng cách tự đồng hóa mình với chúng. ‘Tính tôi hay cả nghĩ.’; ‘Tất cả mọi người đều đối xử tệ với mình.’, ‘Họ nói đúng, tôi chẳng tài cán gì.’… – Bản ngã thì thầm liên tục vào tai chúng ta.

Những suy nghĩ tiêu cực cứ luẩn quẩn chi phối khiến chúng ta liên tục ca thán, phàn nàn. Trở thành đầy tớ của cảm xúc tiêu cực, chúng ta đánh mất lý trí và không nhìn thấy những điều tốt đẹp, những cơ hội vốn sẵn đang hiện hữu.



Ngay cả những người tự xem mình mạnh mẽ, tự do, không bao giờ chấp nhận là nạn nhân của bất cứ ai, liệu họ có thực sự tự do như họ nghĩ? Chưa chắc. Họ có thể phải sống trong ngục tù của lòng thù hận hay đố kỵ. Có những người có ý chí rất mạnh, vượt qua được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống, nhưng lại không thể thắng nổi tâm kiêu ngạo, lòng tham được nuôi lớn từng ngày. Alexander Đại Đế đầy quyền uy, bất khả chiến bại, chinh phạt khắp thế giới nhưng rốt cuộc lại bị đánh gục bởi cái tôi quá lớn và tự hủy hoại chính mình.

Chúng ta bị xoay vần trong luân hồi ngay trong kiếp sống này và cuộc sống trở thành trò chơi của những chuỗi cảm xúc huyễn ảo không dứt, nắm quyền kiểm soát và sai sử chúng ta.

Đến đây, có lẽ bạn đang tò mò muốn biết kết cục câu chuyện hai bà cháu?

‘Bà lão bình tĩnh nó với gã: ‘Cậu đến đúng chỗ rồi đấy, đừng lo lắng, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ cậu. Người cậu ướt sũng rồi, chắc cậu đang đói và lạnh lắm. Ra nhóm lò đi, tôi sẽ nấu cho cậu một chút gì cho ấm bụng và cậu có thể ngủ bên cạnh lò sưởi.’ Nói xong bà bình tĩnh chờ đợi. Người đàn ông từ từ hạ dao xuống và đáp lại ‘Tôi sẽ không làm hại bà.’. Rồi bà lão xuống bếp nấu một bát súp nóng đồng thời sắp xếp chỗ ngủ cho kẻ lạ mặt …. Xong xuôi hai bà cháu tiếp tục đi ngủ. Sáng hôm sau khi hai bà cháu thức giấc thì người đàn ông đã biết mất.

Vài tiếng sau, công an có mặt tại hiện trường và vô cùng kinh ngạc trước những gì đã xảy ra bởi kẻ đột nhập là một tên tội phạm giết người cực kỳ nguy hiểm.’ (Trích tác phẩm ‘Magical Child’ của Joseph Pearce)

Bà lão đã dùng sức mạnh của tình yêu thương, sự thấu hiểu để cảm hóa tên tội phạm. Còn bạn, bạn sẽ làm gì nếu bạn rơi vào tình huống đó hoặc khi bị những cảm xúc tiêu cực uy hiếp?

Thay vì gào thét hoặc hoảng sợ như đứa trẻ hay cố gắng chống trả trong vô vọng như đa số, hãy học bình tĩnh làm bạn với cảm xúc, hãy tôn trọng và đừng cố gắng đè nén nó. Nó đến, rồi nó sẽ ra đi, và bạn sẽ được tự do.



Quang Minh