Kiếm khách lừng danh
Xưa, có một chàng trai, con của một kiếm sư lừng danh. Dưới sự đào tạo của người cha, vô số kiếm khách đại tài xuất hiện. Nhưng điều lạ lùng là kiếm sư từ chối không truyền nghề cho con. Ðiều này khiến chàng trai rất buồn và cảm thấy lòng tự ái bị tổn thương.
Một hôm chàng bỏ nhà ra đi, tìm một kiếm sư lừng danh khác xin thọ giáo. Kiếm sư này lại từ chối y hệt như ông thân sinh của chàng:
- Chú không đủ tiêu chuẩn để học môn nghệ thuật này đâu!
Chàng trai đau khổ khẩn khoản:
- Kính bạch tôn sư... nhưng nếu con cố gắng chuyên cần nhất mực, thì sẽ mất bao nhiêu lâu mới đủ tiêu chuẩn để thành một kiếm khách?
- Cả cuộc đời còn lại của chú.
- Nhưng bạch tôn sư... con không thể chờ đợi lâu như vậy... con còn cho mẹ già phải phụng dưỡng. Con sẽ hiến thân làm một người giúp việc cho tôn sư và con không từ nan bất cứ một việc khó khăn nào... thì con phải mất bao lâu mới thành tài?
- Có lẽ khoảng 10 năm...
- Bạch tôn sư... thời gian ấy vẫn quá dài đối với con... Nếu chuyên cần hơn nữa, thì phải mất bao nhiêu lâu?
- Có lẽ... 30 năm.
- Bạch tôn sư! Người muốn đùa con chăng? Sao trước Ngài bảo con 10 năm, bây giờ lại tăng lên 30 năm? Con tha thiết học và sẽ không từ nan bất cứ trở ngại nào... Con xin tôn sư chiếu cố đến tấm chân tình của con, thâu bớt thời gian lại.
- Thôi được! Chú nóng nảy, bộp chộp quá. Ta giảm xuống 3 năm. Chú phải ở đây tối thiểu là 3 năm.
Chàng trai chợt hiểu ra khuyết điểm của mình là thiếu kiên nhẫn. Chàng vội vã kêu lên:
- Con đội ơn tôn sư vô cùng...
Từ đó chàng trai ở lại bên thầy, tận tụy lo cơm nước, rửa chén, quét nhà, làm vườn, đi chợ v.v...Ba năm cực khổ trôi qua, kiếm sư vẫn chưa truyền cho chàng một bí quyết nào và chàng cũng không được sờ đến thanh kiếm. Một hôm, đang nấu cơm, thình lình chàng bị vị kiếm sư rón rén đến sau lưng và tặng cho một nhát kiếm gỗ vào mạng sườn đau điếng. Và từ đó lúc nào chàng cũng lưu ý đề phòng những cú đánh lén của thầy, dù là đang gánh nước, bửa củi, cuốc đất hay ngủ nghỉ. Chẳng bao lâu chàng trai trở thành một tay kiếm lừng danh, tên chàng là Matajuro.
Bài học đạo lý
Nghệ thuật học thiền cũng học y như vậy đó. Người thiền sinh cũng phải làm những chuyện xem ra chẳng dính dáng gì đến thiền hết như nấu cơm, cuốc ruộng, trồng rau, tỉa lúa chẳng hạn...
Và cuộc đời là một ông thầy vô cùng tận tâm lúc nào cũng sẵn sàng đâm lén chúng ta bằng những thanh kiếm bát phong chí mạng. Hỡi ơi! Kiếm gỗ còn có thể đón được chứ bát phong thì dễ có mấy ai?
(Nguồn: “Hư hư lục”
Tác giả: Thích Nữ Như Thủy)
- 230 lượt