Lời Phật dạy cho người nóng tính

Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, là “Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”. Vì vậy, là người đệ tử Phật đặc biệt là những người nóng tính, quý vị nên hiểu và thực hành những giáo lý của Đức Phật để chuyển hóa bản tính.

Người nóng tính, sân giận cũng như con rắn độc 

Đức Phật từng dạy đệ tử rằng có 4 loại rắn. Loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc; loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc; loại rắn có nọc độc và ác độc; loại rắn không có nọc độc cũng không có ác độc.

Ngài ví bốn loại rắn này với bốn hạng người trên thế gian.

Hạng người thứ nhất rất mau phẫn nộ nhưng cơn phẫn nộ không kéo dài, ví như loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc.

Hạng thứ hai không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài, giống như loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc.

Hạng người thứ ba rất mau phẫn nộ, đồng thời phẫn nộ tồn tại lâu dài, ví như loại rắn có nọc độc và ác độc.

Cuối cùng là hạng người không dễ phẫn nộ, đồng thời cơn giận cũng không tồn tại lâu dài. Như là loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.

Đức Phật dạy rằng tâm sân hận là một trong những nguyên nhân gây ra phiền não. Phật từng nói : “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”, nghĩa là chúng sinh từ bỏ nóng giận, vì đó là nguyên do tạo ra phiền não. 

Không nóng tính, giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Nóng tính, giận hờn là tính xấu tai hại chẳng khác ngọn lửa tàn bạo, đốt cháy cả người giận lẫn những người chung quanh, làm ảnh hưởng những mối quan hệ.

Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, là “Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”.

Chuyển hóa tính nóng giận theo những lời Phật dạy

Hiểu được những tác hại của người nóng tính, dễ tức giận...quý Phật tử phải quán chiếu từ tâm, thực tập chánh niệm để kiềm chế và chuyển hóa cơn giận.
 
Người nóng tính là người có bản tính dễ tức giận, khó có thể thay đổi cũng như không dễ kìm nén trong lòng. Thường thì chúng ta rất dễ tức giận trước những sai lầm của người khác nhưng lại khó thấy được những điểm yếu của bản thân mình. Để chuyển hóa được bản tính này, chúng ta cần quán chiếu sâu hơn về nhược điểm của bản thân, điều cần làm là hãy tự ôm những tức giận ấy vào lòng, xoa dịu chúng, thừa nhận sự hiện hữu của chúng và tìm cách đối diện với chính sai lầm của bản thân, để tức giận không có cơ hội bộc phát mạnh mẽ. Bạn hãy ôm lấy sự tức giận bằng một tình yêu thương như trân trọng chính bản thân mình, hít thở sâu, đều đặn, nghĩ đến những điều tích cực, để vui hơn, từ từ hóa giải, tiêu tan cơn giận. 

Đức Phật cũng dạy, chúng ta nên học cách yêu bản thân và yêu mọi người xung quanh, nghĩ đến ta trong vẻ mặt xấu xí, tâm hồn bị tha hóa những bước đầu tiên, nghĩ đến tâm trạng của những người xung quanh khi phải đón nhận sự tức giận không đáng có từ chúng ta, để tâm hồn chín chắn hơn, tỉnh táo hơn, đưa ra những hành động, cách giải quyết mang tính chừng mực, nhẹ nhàng hơn. 

Bạn hãy quán chiếu từ tâm những tác hại của tức giận, từ đó tìm lại trong tâm hồn sự bình lặng và thoải mái hơn, dễ dàng đưa ra những cách thức thoái lui tốt nhất trong vòng vây của tức giận. Chúng ta phải luôn thực tập chánh niệm cũng giúp chúng ta tu tập sự từ bi, nhẫn nhục, có một cái tâm hỷ xả, nhân ái, để luôn có một cái tâm an yên, nhẹ nhàng trước mọi sóng gió, biến cố trong cuộc đời vốn vô thường này.

Đời vốn vô thường và bản thân ta sinh ra không ai là tuyệt đối lương thiện. Ai cũng có những hạt giống tức giận ngự trị, chờ đợi cơ hội nảy sinh để phá hủy tâm hồn, đẩy ta đến gần hơn ranh giới của yêu ma, ác quỷ, làm tha hóa chính con người luôn hướng đến sự từ bi, nhân ái của ta. Nhưng, bản ngã là do ta làm chủ, ta hoàn toàn có thể biến chúng thành một thực thể có ý nghĩa trong cuộc đời, hoặc trở thành một đối tượng đáng bỏ đi trong xã hội. Chính bản thân ta sẽ quyết định cuộc đời yên bình, nhẹ nhàng hay đầy sóng gió, chất chứa những tức tối, ghen ghét, đố kị.

Minh Châu