Não bộ đánh cắp hạnh phúc của chúng ta ra sao và làm thế nào để ngăn chặn?


 
Nói về hạnh phúc, chúng ta thường là kẻ thù của chính mình. Bạn thấm thía điều này hơn ai hết, nếu từng khổ sở với cái bụng óc ách bởi ăn quá nhiều đồ khó tiêu, hoặc trằn trọc cả đêm vì thấy mình thua kém sau khi chứng kiến cuộc sống dường như hoàn hảo mà ai đó phô bày trên mạng xã hội.
Ngay cả trong những việc làm mà chúng ta cho là đúng đắn nhất, chúng ta vẫn có thể đang bị bộ não đánh lừa. Đã từ lâu, trong các ngành tâm lý và kinh tế học, người ta đã nghiên cứu về những định kiến hay nhận thức sai lầm của ý thức trong quá trình phân tích thông tin và ra quyết định. Đa số những nhận thức sai lệch này khiến chúng ta có những lựa chọn không tối ưu, sa vào những cảm xúc tiêu cực, và hạn chế chúng ta phát huy tối đa năng lực của mình. Một số nhận thức sai lệch này bắt nguồn từ tập quán suy nghĩ có thể thích hợp với thời kỳ đầu của lịch sử tiến hóa, nhưng lại phản tác dụng trong thời hiện đại.
Hầu hết nhận thức sai lầm này đều diễn ra một cách vô thức, vì vậy, để khắc phục, chúng ta cần hiểu rõ cơ chế vận hành của chúng. Cho dù não bộ có rất nhiều cách gây trở ngại cho chúng ta, song nhìn chung có 3 loại nhận thức sai lầm nghiêm trọng nhất cản trở chúng ta trên con đường tìm cầu hạnh phúc.
 
1.Định kiến chủ quan
Trước tiên, đây là sai lầm bắt nguồn từ bản tính cố chấp, ngoan cố của não bộ.
Định kiến sai lầm là khuynh hướng diễn giải thông tin theo lối suy nghĩ quen thuộc của mình và phớt lờ luận điểm phản bác của người khác. Có thể ví như lúc chúng ta bị kẹt xe trên đường cao tốc, cho dù hệ thống định vị chỉ ra một con đường khác có thể nhanh hơn 15 phút, song người lái xe vẫn ngoan cố cho rằng, “Không, chúng ta đang đi đường này và sẽ đi đến cùng.” Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cứ bám riết lấy những niềm tin thiếu cơ sở.
Và nếu niềm tin ấy chẳng mang lại một chút lợi ích nào, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong một thế giới ngụy tạo, tồi tệ hơn rất nhiều so với thực tế cuộc sống.
Chẳng hạn, ngày đầu tiên khi bạn bắt đầu một công việc mới, bạn cảm thấy không tự tin, bạn có thể nghĩ rằng những đồng nghiệp mới sẽ không thân thiện. Khi bạn được giới thiệu với mọi người, bạn thoáng thấy một vài người nhìn mình rồi thì thầm gì đó với nhau. Do đã mặc định trong đầu rằng đồng nghiệp mới sẽ không thích mình, nên bạn (ngay lập tức!) nghĩ ngay rằng họ đang nói xấu bạn. Trên thực tế, bạn không thể khẳng định bất cứ điều gì trong một tình huống như vậy, cũng có thể họ đang trao đổi về một dự án, hoặc một chủ đề đang thảo luận trước đó. Rồi khi một vài đồng nghiệp khác tới rủ bạn đi ăn trưa, bạn cũng chẳng vui vẻ gì, bởi vẫn còn mải nghĩ ngợi về thái độ của mấy người hồi sáng.
Dần dần, bạn tự dựng lên một định kiến cứng nhắc, cho dù hoàn toàn thiếu cơ sở thực tế, đơn giản bởi tâm trí bạn sẽ tìm mọi lý do để biện hộ cho quan điểm ấy.

Giải pháp:
Hãy học tư duy phản biện. Nếu cảm thấy cuộc sống của mình có điều gì bất ổn, hãy nhìn lại mình để nhận ra những quan niệm cố chấp gây chướng ngại cho bản thân. Hãy ‘vạch mặt chỉ tên’ những điều cố chấp ấy và tự đặt câu hỏi cho chính mình như một người luật sư đang phản biện với bạn vậy.
 
2. Viễn tưởng sai lầm
Trong một nghiên cứu nổi tiếng về các yếu tố ảnh hưởng tới hạnh phúc, những người vừa trúng xổ số được so sánh với những người vừa bị liệt do tai nạn. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, khi gặp những biến cố lớn trong cuộc sống, dù tích cực hay tiêu cực, chúng ta có xu hướng thay đổi quan niệm về hạnh phúc. Điều đó có nghĩa là, mặc dù những biến cố lớn thực sự có ảnh hưởng tới hạnh phúc của chúng ta, song chúng không quá quan trọng và hiệu ứng để lại thường không lâu dài như chúng ta tưởng.
Đọc đến đây, bạn có thể sẽ nghĩ, “Nói thế, nếu trúng số 100 tỷ, cuộc sống của tôi chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn!”. Mặc dù bạn có thể đúng, ở chỗ bạn có thể hạnh phúc hơn theo một phương diện nào đó, song cũng có thể bạn đang chịu tác động của viễn tưởng sai lầm. Đó là khi chúng ta phóng đại tầm ảnh hưởng của viễn cảnh tương lai đối với cảm xúc của mình. Chúng ta nghĩ rằng, một mối quan hệ tan vỡ sẽ khiến chúng ta gục ngã. Chúng ta kỳ vọng rằng mua một ngôi nhà mới sẽ mang lại niềm sung sướng kéo dài hàng chục năm. Trên thực tế, những thay đổi này chẳng hề ảnh hưởng tới chúng ta nhiều như tưởng. Vậy là, khi chuẩn bị cho tương lai, chúng ta thường đầu tư quá nhiều vào những sự kiện và tài sản mà chúng ta cho rằng sẽ tạo ra hạnh phúc dài lâu. Ngược lại, chúng ta sợ thay đổi ngay cả những khía cạnh yếu kém trong cuộc sống của mình, bởi vì chúng ta coi thường sức chịu đựng dẻo dai mà mình vốn sẵn có.
Giải pháp: 
Hãy mở rộng tầm nhìn của bạn. Khi tưởng tượng về một việc có thể tác động tới hạnh phúc của bạn trong tương lai, hãy nhớ lại cả những khía cạnh khác trong cuộc sống cũng song hành với niềm vui và thử thách. Gia đình. Sự nghiệp. Bạn bè. Sức khỏe. Khi nhận ra vị trí của những sự kiện trong tương lai, tương quan với toàn bộ cuộc sống, chúng ta sẽ đánh giá được chính xác hơn cảm xúc của mình đối với những sự kiện đó.
 
3. Bẫy ‘chi phí chìm’
Cuối cùng, vì đã kiên nhẫn dành thời gian đọc tới dòng này, bạn nên tìm hiểu tiếp về loại sai lầm thứ ba. Nếu đọc đến đây, bạn thấy bài viết này chẳng có gì thú vị, và tự nhủ ‘biết thế đi làm việc khác từ nãy giờ’, nhưng bạn vẫn cố đọc nốt xem sao, thì bạn thân mến, bạn đã bị mắc bẫy ‘chi phí chìm’, nói cách khác, bạn đang là ‘nạn nhân’ của hay tư tưởng ‘cố đấm ăn xôi’ do ‘tiếc của’.
Trong kinh tế học, khái niệm ‘chi phí chìm’ để chỉ những khoản tiền vốn (hoặc thời gian, công sức) đã đổ vào đầu tư mà không thể thu hồi. Khi nhận ra điều này, bạn có quyền lựa chọn tiếp tục đầu tư vào đó, hoặc chuyển sang hướng khác. Song vì tiếc khoản đầu tư và công sức đã trót bỏ ra, nhiều khả năng bạn sẽ muốn tiếp tục, cho dù quyết định đó không hiệu quả.
Cái bẫy này có thể ảnh hưởng tới chúng ta theo nhiều cách, thoạt nhìn có vẻ vô hại. Bạn đã bao giờ cố xem nốt một bộ phim truyền hình không hay, chỉ vì bạn đã xem được hơn nửa? Hoặc bạn trót mua một cái áo, sau đó mới thấy nó thật xấu hoặc mình không thích, song vì không thể trả lại nên bạn vẫn cố mặc. Thói quen này có thể gây nhiều tác hại lớn hơn. Có thể bạn cố yên vị tại một chỗ làm suốt nhiều năm, cho dù không thích công việc này, song bạn chẳng muốn thay đổi bởi đã mất quá nhiều thời gian đầu tư vào đó.
Lối tư duy này là nguồn gốc của rất nhiều bất mãn trong cuộc sống. Nó khiến chúng ta không dám đối diện sự thật, chấp nhận sửa sai mà cứ chạy theo những điều mình không mong muốn chỉ vì tiếc những gì đã bỏ ra.
Giải pháp:
Cần biết khi nào nên dừng lại. Nếu bạn đang băn khoăn về mục đích mình theo đuổi, con đường mình đang đi, hãy tự hỏi bản thân: “Nếu bây giờ được làm lại từ đầu, liệu mình có chọn điều này không?”. Nếu câu trả lời là không, hãy cân nhắc xem thực tế bạn có những lựa chọn nào tốt hơn, và nếu trong số đó có một lựa chọn sáng lạng, đầy cảm hứng, thì hãy cân nhắc việc từ bỏ con đường bạn đang đi và chuyển sang một hướng mới giúp bạn hạnh phúc hơn.

(Theo https://www.verywell.com)