Nếu biết trước ngày mai phải chết, chúng ta sẽ làm gì?

Nếu là một người sống vị tha thì người đó sẽ dành trọn thời gian ngày cuối cùng đó để làm nhiều điều công đức với tâm niệm đem lại hạnh phúc cho mọi người mà không chút tính toan.

Cứ mỗi buổi sáng thức dậy chúng ta đều khởi lên câu nói: “Nếu ngày mai tôi chết” và hành động như trên thì chắc chắn một điều rằng phước lành mà chúng ta tạo được vô cùng to lớn.

Nếu biết trước ngày mai chúng ta chết tâm trạng chúng ta như thế nào?
 
Có lẽ chúng ta sẽ rất hoảng hốt và lo sợ phải không? Đó là tâm lí chung của những người chưa hiểu đạo. Đức Phật dạy: “Cuộc đời này là vô thường, có sinh phải có tử. Mỗi phút giây trôi qua là chúng ta lại tiến gần hơn đến cái chết, thế nhưng có mấy ai trong chúng ta ý thức được điều đó:

“Không mời tự đến, không đuổi tự đi
Đến như thế nào, đi như thế đó
Đến như gió, hợp tan như mây
Gió mây vô thường, vấn vương chi khổ”.

Thật thế, chúng ta sinh ra trên đời này không ai mời mà tự đến, cũng không ai đuổi mà tự đi, đến như thế nào đi như thế đó. Sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này như gió thoảng mây bay, vốn vô thường, giả tạm. Biết như vậy thì sự đến và đi không có gì phải bận tâm, phải đau khổ. Chính vì không nhận rõ về chân tướng hiện thực của cuộc đời nên con người thường lo sợ cái chết và tìm cách chạy trốn thần chết.

Nếu nhận ra điều đó thì chúng ta có thể thản nhiên đón nhận cái chết. Nếu muốn có cái chết thanh thản thì suốt cả cuộc đời này phải làm nhiều điều phước thiện và tránh các việc ác. Xa hơn nữa là tu tập chuyển hóa tâm thức để cái chết chính là cơ hội để thăng hoa.

Nếu biết trước ngày mai chúng ta chết chúng ta sẽ nghĩ đến điều gì?
 
Có lẽ chúng ta sẽ nghĩ đến chuyện buồn phải không vì cuộc đời này buồn nhiều hơn vui mà! Chúng ta cho rằng đời mình sao mà khổ, sao mà bất công quá! Để rổi từ đó chán ghét cuộc đời này. Chúng ta cần nhận thức rõ về bản chất khổ đau của cuộc đời và con đường diệt khổ để thay đổi thái độ sống.
Trước hết là phải “biết khổ” – tức là biết thế gian vốn là khổ, là vô thường. 

Thứ đến là biết ''nguyên nhân làm cho ta khổ''- Tức biết sự vô minh, sự tham luyến bám chấp trong thẳm sâu tâm hồn.

Thứ đến nữa là biết “giải trừ khổ” – tức là biết sử dụng những phương pháp đúng đắn để thoát khổ.

Cuối cùng là “lìa khổ” – chỉ cần dứt các nguyên nhận gây khổ thì Hạnh phúc xuất hiện ngay đó, rất thực tiễn. Hạnh Phúc chân thật không phải là loại hạnh phúc phía trước để rượt đuổi tìm kiếm, mà vốn luôn hiện hữu.

Nếu như Đạo Phật nói đến khổ, chính là để chúng ta hiểu biết vì đâu mà ta khổ, để rồi giải thoát những ràng buộc phi lý, chứ không phải khiến các chúng ta trở nên tiêu cực, rồi nhìn đời xám ngắt một màu...

Vì vậy hãy vui vẻ lạc quan mà sống, dù mai rời quán trọ trần gian!

- ''Giả dụ ngày mai.. tôi bỏ tôi
Dù bao mộng ước vẫn đầy vơi.
Tôi sẽ đi trong niềm thanh thản
Hay ngoảnh nhìn sau.. lệ tiếc đời?..''

Thích Tánh Tuệ
(Theo Phatgiao.org)