Những bức ảnh gây chấn động thế giới và khiến chúng ta ‘chết lặng’ vì xót thương !

Những gì các em đang phải hứng chịu thật khủng khiếp, nó tố cáo tội ác của chiến tranh, hủ tục và đói nghèo. Cùng lặng nhìn những bức ảnh dưới đây để thấy rằng trẻ em, đặc biệt là các bé gái cần nhiều hơn nữa tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của toàn nhân loại. Hơn thế nữa, hãy xem để thêm tri ân cuộc sống mình đang có.

Một trong những bức ảnh nổi tiếng và gây ám ảnh nhất lịch sử nhiếp ảnh thế giới là bức “Kền kền chờ đợi” - từng đoạt giải Pulitzer năm 1994. Bức ảnh chụp trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp diễn ra ở Sudan năm 1992,  ghi lại hình ảnh một bé gái đang đói lả nhưng vẫn cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên Hợp Quốc, cách đó khoảng 1m. Gần đó là con chim kền kền đang chờ đợi đứa trẻ chết để nó có thể ăn thịt. Cả thế giới bàng hoàng trước bức ảnh này. Không ai biết điều gì đã xảy ra với cô bé, kể cả nhiếp ảnh gia tự do người Nam Phi Kevin Carter, tác giả bức ảnh, người đã rời khỏi hiện trường sau khi chụp.

Sau khi bức ảnh được công bố rộng rãi, dư luận đã chỉ trích tác giả bức ảnh gay gắt về việc chỉ chụp ảnh mà không giúp bé gái. Mặc dù bức ảnh mang lại cho Carter giảit hưởng danh giá nhưng 4 tháng sau, ông tự tử ở tuổi 33, để lại di ngôn rằng: "Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sống động về chết chóc, những thi thể, sự giận dữ và nỗi đau của những đứa trẻ chết đói hoặc bị thương". Trước khi qua đời, ông để lại bức thư tuyệt mệnh bày tỏ niềm day dứt ăn năn hối lỗi về việc mình đã làm.

Hình ảnh cô bé Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi, trần truồng không mảnh vải che thân, chạy khỏi ngôi làng vừa bị quân Mỹ đánh bom napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh, ngày 6/8/1972 đã làm chấn động cả thế giới. Bức ảnh do phóng viên ảnh Nick Út của hãng tin AP thực hiện này đã trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo và tội ác tày đình của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi bức ảnh được đăng tải, rất nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra để đòi chấm dứt cuộc chiến, trả lại hòa bình cho Việt Nam tại các thành phố lớn như New York, London, Tokyo...
Đây là bức ảnh “em bé đầu hàng” Adi Hudea, 4 tuổi, người Syria. Bé giơ tay và mím chặt môi vì tưởng máy ảnh là súng của những kẻ khủng bố. Hình ảnh này được chụp tại trại tị nạn Atmen, nằm ở biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ.
Bé Maram, 8 tuổi, ngủ trên một chiếc giường tạm bợ ở Amman, Jordan. Em vừa tỉnh dậy sau 11 ngày hôn mê vì đầu của em bị một mảnh tên lửa găm vào trong một vụ không kích. Đáng thương hơn, cơn xuất huyết não đã khiến em không thể nói được nữa.
Một bé gái khóc thét, ánh mắt đầy hoảng sợ đang chạy trốn khỏi bom đạn ngay phía sau em.


Bức ảnh chụp thiếu nữ Afghanistan của Steve McCurry tại trại tị nạn ở Pakistan, xuất hiện trên trang bìa National Geographic tháng 6/1985, vẫn cháy bỏng trong ký ức của hàng triệu người. Một cô gái với mái tóc bù xù đội chiếc khăn đỏ, đôi mắt to, hút hồn của cô ẩn chứa một điều gì đó. McCurry trở về Pakistan 17 năm sau đó để tìm cô gái trong bức ảnh. SharbatGula hiện đã là một phụ nữ có cuộc sống khá nhọc nhằn. Cô chưa bao giờ nhìn thấy bức ảnh mang tính biểu tượng của mình nhưng đôi mắt của cô vẫn dễ nhận ra và luôn được nhớ tới là đôi mắt mở ra những trái tim cứng rắn.
Một em bé Afganistan đang xếp gạch tại ngoại ô Herat.

Một em gái đang tìm kiếm đồ ăn trong bãi rác ở Islamabad, Pakistan.
Cô bé Rajni, 5 tuổi bị đánh thức lúc 4 giờ sáng bởi người bác của mình để đi tới một hôn lễ bí mật dành cho bé. Vì tảo hôn là bất hợp pháp tại Ấn Độ nên những nghi lễ như thế này thường được tổ chức vào ban đêm và nó sẽ trở thành một bí mật được cả làng giữ kín. Cả Rajni và chị em của bé, Radha, 15 tuổi và Gora, 13 tuổi đều bị ép phải kết hôn sớm.
Tahani (cô gái mặc váy màu hồng) nhớ lại những ngày đầu tiên mới kết hôn khi cô mới lên 6 tuổi và người chồng Majed, 25 tuổi: “Khi cháu nhìn thấy ông ấy, cháu trốn đi. Cháu ghét phải nhìn thấy ông ấy”. “Người vợ trẻ” chụp bức ảnh này với một cô bạn cũ - cô bé Ghada, cũng là một “cô vợ trẻ” khác trên vùng núi Hajjah, Yemen.
Khi Nujood Ali 10 tuổi, cô bé đã chạy trốn khỏi người chồng bạo hành và già hơn cô bé hàng chục tuổi. Nujood đã bắt một chiếc taxi để tới tòa án ở Sanaa, Yemen và đòi ly hôn. Hành động dũng cảm của cô bé và cuộc chiến pháp lý diễn ra sau đó đã khiến Nujood trở thành một “nữ anh hùng” được cả thế giới biết đến vì đã dám đứng lên giành lại tự do cho cuộc đời mình. Giờ đây khi đã ly hôn, em quay về nhà sống với gia đình và lại được đến trường đi học.
 
MAI AN  (tổng hợp) 
Dân trí/VnExpress/Khám phá/Phụ nữ VN