Những hạng người không thể thành công

Có hai người bụng đói cồn cào được một cần câu cá và một giỏ cá, một người muốn giỏ cá, người còn lại muốn cái cần câu, sau đó họ chia tay nhau. Một người nhen lửa nấu cá, ăn ngấu ăn nghiến, nước kho cá cũng húp sạch, sau một thời gian, không còn gì ăn nữa, cuối cùng nằm chết đói bên chiếc giỏ trống không. Người còn lại chịu khó nhịn đói vác cần câu đi về phía biển, chưa đi đến biển, cuối cùng cũng hết khí lực đành bị chết đói.

Lại có hai người khác, cũng cùng được một cần câu và một giỏ cá. Họ không chia tay nhau đi mỗi người một ngã mà chia sẻ cùng nhau, cùng trải qua khó khăn nguy hiểm để đi đến bờ biển. Sau đó, họ đi đánh cá làm nghề sinh nhai và sống vui vẻ.
Người ta thường nói: “Một con tằm không kéo thành tơ, một cái cây không tạo nên rừng”, tầng tầng cây cối nương tựa, bao bọc nhau mới tạo nên rừng rậm. Trên đời, đằng sau sự thành công của bất cứ việc gì ắt phải là sự nương tựa và thành tựu của hàng hàng lớp lớp nhân duyên. Như sự khai phá của người xưa, sự xây dựng triều đại của đế vương, sự khai phá của các xí nghiệp, việc xây dựng gia đình, cho đến cả bữa ăn hàng ngày, tất cả đều là thành quả của nhiều người, nhiều đoàn thể cùng hợp tác, cùng lao động.

Con người ở đời không ai là không mong muốn lập nên công lao sự nghiệp; không hẳn là công tích trùm đời, nhưng ít nhất cũng để lại “ba điều bất hủ” là lập công, lập đức, lập ngôn. Con người đều muốn có công lao đối với quê hương đất nước, nhưng đáng tiếc cũng có nhiều người muốn thu công hám lợi, nên thường thường bị kết quả ngược lại, sắp thành công thì bị thất bại. Thế thì hạng người nào không thể thành công?

Thứ nhất là người không bỏ công mà muốn hưởng lợi.

Không làm mà muốn hưởng lợi cũng giống như người muốn bắt cá mà trèo lên cây vậy, không gieo nhân làm sao gặt được quả? Chúng ta nhìn thấy sự thành công của người khác thì cũng nên biết rằng họ phải trải qua nhiều gian nan vất vả mới công thành danh toại. Con người ở đời chỉ cần lập nên công tích, có thực tài thực lực thì tự nhiên danh tiếng sẽ tìm đến, mọi người sẽ không phụ lòng bạn, lịch sử và quần chúng sẽ không quay lưng với bạn; trái lại, kẻ ngồi không hưởng lợi, bọn bám vào quan hệ hôn nhân gia đình, cho dù được thụ phong chức tước, nhưng mọi người đều không vâng phục, họ hạng người không thể thành công.

Thứ hai là người ham cái lợi trước mắt.

Lập nên công lao sự nghiệp là việc của cả đời người, chứ không phải việc nhất thời. những người không lòng nhẫn nại, chỉ muốn may mắn nhất thời, nên chỉ muốn cái lợi trước mắt. Thực ra, cây cối lớn lên nhanh chóng thì giá trị của hoa trái rất hữu hạn.
Thứ ba là người ỷ có công đâm ra ngạo mạn.

Có những người từng có công tích, được mọi người kính trọng, nhưng người ấy ỷ có công rồi đâm ra tự cao tự đại, thì lại hóa ra vì công mà đắc tội. Ví như Ngao Bái, vì ỷ có công trạng rồi tự cao ngạo mạn khiến vua Khang Hy không chịu nổi, cuối cùng bị trừ khử. Người ỷ có công tự cao ngạo mạn nên lấy đó làm gương.

Thứ tư là người tham công gây sự.

Có những người vì ham công danh mà đặt điều thị phi, khiêu khích gây sự khiến người khác đấu đá nhau, còn mình ngồi yên hưởng lợi. Loại người này thể do may mắn mà được lợi, nhưng về lâu về dài người ta sẽ nhận ra kế hiểm của họ, khiến hai bên qua lại dè dặt, thận trọng, cho thành công nhất thời, nhưng chỉ một mình đơn độc, không bạn bè, cuộc đời còn là vui thú?

Thứ năm là người tranh công đòi thưởng.

Những anh hùng xưa nay sau khi tạo nên công tích đều mong được khen thưởng. Hàn Tín yêu cầu Hán Cao Tổ phong làm Tề Vương giả định, ban đầu Hán Cao Tổ tức giận không chấp thuận, nhưng sau qua ám hiệu của Trương Lương, nhanh trí hiểu ý, bèn đổi giọng, nói: Đã phong là phong chính thức luôn, cần gì phải phong giả định!” Do đó, phong ông làm Tề Vương, nhưng Hàn Tín vì thế mà bị họa sát thân.

Thứ sáu là người vứt bỏ công lao trước đây.

Có những người lập nên nhiều công tích, nhưng không bảo vệ thành quả của mình, có thể do nhân duyên ngoại tại không đủ, khiến cho công lao trước đây trôi theo dòng nước chảy, thật là đáng tiếc. Nên có điều gọi là “Bắn được chim cung tốt cất, bắt được thỏ chó săn thịt”, cho nên bảo vệ cẩn thận được thành tích cũng là một công quả quan trọng của đời người vậy.

(Đại Sư Tinh Vân)