Sự hợp nhất của thức và khí tại luân xa - Thức dẫn khí, khí chở tâm

Khi chúng ta nói về việc đưa tâm thức đến một luân xa, chẳng hạn luân xa tim, chúng ta muốn nói điều gì? Khi chúng ta “đặt” tâm thức ở đâu đó, chúng ta đang đặt sự chú ý của chúng ta đến một đối tượng cảm giác hay chính là tạo ra những hình ảnh trong tâm thức. Khi chúng ta đặt tâm thức vào một đối tượng thì sẽ có những sự thay đổi tương ứng trong thân thể.

Mọi giấc mộng đều liên hệ với một hay vài cõi trong sáu cõi luân hồi. Sự nối kết về năng lực giữa tâm thức và các cõi được tạo thành qua những nơi chốn đặc biệt trong thân. Chúng ta thường nói rằng tâm thức siêu vượt hình dạng, màu sắc, thời gian, xúc chạm, thế thì làm sao nó có thể nối kết với nơi chốn cụ thể?


Chúng ta có thể tự mình nhìn vào câu trả lời này. Khi đi đến một nơi yên bình, một ngôi chùa đẹp đẽ, một hang động xanh tươi, một con suối nhỏ, tâm chúng ta cảm thấy an lành. Ngược lại, khi thăm viếng một nơi chốn đã có những cuộc thảm sát, chúng ta cảm thấy “không thoải mái”; chúng ta nói chỗ ấy có “năng lực xấu”.

Sự hợp nhất của thức và khí tại luân xa

Thuật ngữ “luân xa”trong tiếng Phạn gọi là “chakra” dùng để chỉ trung tâm năng lượng bên trong cơ thể con người. Trong thực hành giấc mộng, chúng ta hướng sự chú ý của chúng ta vào những vùng khác nhau trong thân: luân xa đỉnh đầu, luân xa cổ họng, luân xa tim, luân xa rốn và luân xa bí mật. Luân xa là một bánh xe năng lực, đóng vai trò là máy bơm hoặc van điều tiết dòng chảy năng lượng trong khắp cơ thể.

Những luân xa không thực sự giống những hình vẽ về chúng, những hoa sen mở và đóng, có một số cánh nhất định và một màu sắc nhất định. Những hình ảnh như vậy chỉ mang tính chất nâng đỡ tượng trưng dành cho tâm thức – như những bản đồ giúp hành giả tập trung vào những khuôn mẫu của năng lực hiện hữu tại các luân xa. Những luân xa vốn được khám phá qua thực hành, qua sự chứng nghiệm của các hành giả khác nhau. Khi một hành giả sơ cơ quán tưởng đúng số cánh hoa ở đúng một vị trí trong cơ thể, với màu sắc đúng, bấy giờ sức mạnh của tâm thức tác dụng lên điểm năng lực đặc biệt ấy và bị ảnh hưởng bởi điều ấy. Khi điều này xảy ra, chúng ta nói rằng tâm thức và khí được hợp nhất trong luân xa.

Con ngựa mù, người cưỡi què

Ban đêm khi ngủ, thường thường chúng ta có rất ít cảm thức về những gì đang xảy ra. Chúng ta chỉ cảm thấy mệt mỏi, nhắm mắt và trôi dạt đâu mất.  Chúng ta có thể có một chút ít ý niệm về giấc ngủ như lượng máu trong não, kích thích tố… nhưng tiến trình thực sự của việc rơi vào giấc ngủ vẫn còn là điều bí mật và chưa được khám phá.

Truyền thống Phật giáo vùng Himalaya giải thích tiến trình rơi vào giấc ngủ khi dùng một ẩn dụ cho tâm thức và khí. Ở đây, khí được so sánh với một con ngựa mù và tâm thức với một người không thể đi. Nếu riêng rẽ, chúng chẳng làm được gì cả, nhưng hợp với nhau chúng tạo thành một tổ hợp có công dụng. Khi con ngựa và người cưỡi hợp chung với nhau, chúng bắt đầu chạy, nhưng thường chỉ với một chút ít kiểm soát về chỗ chúng sẽ đi đến. Đối với người bình thường, con ngựa và người cưỡi chạy một cách vô phương hướng qua một trong sáu chiều kích của thức, một trong sáu trạng thái phiền não.

Chúng ta biết điều này từ chính kinh nghiệm của mình: chúng ta có thể “đặt” tâm thức vào một luân xa bằng cách đem chú ý vào chỗ ấy, nhưng không dễ dàng giữ tâm thức tại một chỗ nào. Tâm thức luôn luôn động. Chẳng hạn, khi rơi vào giấc ngủ, chúng ta mất đi sự tỉnh giác về thế giới giác quan. Tâm thức bị đem đi đây đó trên con ngựa mù của khí nghiệp cho đến khi nó tập chú được vào một luân xa đặc biệt nơi đó nó bị ảnh hưởng bởi một chiều kích đặc biệt của thức. Có thể bạn có một tranh cãi với người bạn đời và tình huống đó (điều kiện phụ) làm kích hoạt một dấu vết nghiệp phối hợp với luân xa tim, điều này đẩy tâm thức bạn đi đến chỗ ấy trong thân thể. Hoạt động của tâm thức và khí biểu lộ trong những hình ảnh và câu chuyện đặc biệt của giấc mộng.

Chúng ta có thể nghĩ đến một máy điện toán như một so sánh. Những luân xa thì giống như những hộp lưu trữ khác nhau. Hãy bật lệnh “Khí và tâm thức”, và rồi mở hộp lưu trữ luân xa tim. Thông tin trong hộp lưu trữ – những dấu vết nghiệp phối hợp với luân xa tim – được trình chiếu trên màn hình của giấc mộng.

Nếu muốn ổn định tâm thức và khí, chúng ta cần đem tâm thức và khí đi vào kinh mạch trung ương thay vì cho phép tâm thức bị kéo đến một luân xa riêng biệt. Khi điều này xảy ra, chúng ta đạt đến trạng thái tỉnh giác trong sáng vô niệm, hoàn toàn thoát khỏi những ảnh hưởng mạnh mẽ của xúc tình tiêu cực.

(Còn tiếp)

(Lược trích từ nguyên tác: “The Tibetan Yogas of Dream and Sleep”

Việt dịch: Đương Đạo

NXB Thiện tri thức, 2000)