Ta đang sống vì người hay vì mình?

Có một thiếu phụ nọ đến tìm tôi để tham khảo một quyết định. Con chó của bà đã già yếu, không còn ăn uống được nữa và nằm bất động một chỗ. Bác sĩ thú ý đã khuyên bà đừng để nó tiếp tục sống trong tình trạng như thế nữa, phải tiêm cho nó một mũi thuốc để kết thúc. Bà ấy biết điều bác sĩ khuyên là cần thiết, nhưng bà không làm được. Vì bà cảm thấy tội nghiệp cho con chó, nó đã sống trung thành và thân thiết như một người bạn suốt mười lăm năm qua - kể từ khi bà ly dị chồng và sống thui thủi một mình.

Tôi đã hỏi bà: “Nếu bà đã biết con chó đang trong cơn đau đớn như thế mà bà vẫn muốn níu kéo thì thật sự là bà đang thương nó hay thương chính bà?”. Bà ấy lặng im rất lâu mà không trả lời được. Tôi nói thêm: “Nếu bà lấy cảm xúc cô đơn của mình ra để đặt mình vào nỗi khổ sở của con chó thì bà sẽ hiểu nó muốn gì trong lúc này. Bà thật sự thương nó thì hãy làm theo ý của nó đi. Bà phải can đảm chấp nhận sự mất mát này để đối tượng thương yêu được mãn nguyện và hạnh phúc”. Nghe tới đây bà mới thấm thía và an lòng chấp nhận.

Khi hay tin người thân yêu đang trong cơ hấp hối, ta thường hốt hoảng than khóc và dốc lòng cầu nguyện cho người ấy đừng chết. Câu hỏi đặt ra là ta thật sự muốn người ấy được sống vì biết họ đang cần được sống, hay vì ta đang thương cho cái cảm xúc cô đơn hụt hẫng của mình? Hai thái độ hoàn toàn khác nhau - một cái vì người, một cái vì mình. Cũng có khi ta rơi vào tình trạng vừa vì người mà cũng vừa vì mình. Nhưng ta thường không thấy được sự thật ấy nên lúc nào cũng tưởng là mình đã hết lòng vì người kia, vì vậy mà sự cầu nguyện cũng khó thành công. Bởi một trong những điều kiện để sự cầu nguyện thành công là ta phải dồn hết 100% tâm ý để hướng đến đối tượng. Tâm chưa thật trong sạch thì không thể vay nợ vũ trụ. Cũng như khi quyết định không tha thứ hay trừng phạt người kia thì ta hay cho rằng mình phải làm như thế mới giúp họ tỉnh ngộ. Nhưng sự thật là do ta bị cảm xúc tổn thương khống chế và muốn phóng thích nó bằng hành động trả đũa. Bởi nếu hoàn toàn vì họ thì ta sẽ có vô số cách hữu hiệu hơn so với những hành động nặng nề kia, mà cách tốt nhất là dùng tình thương chân thành để cảm hóa.

Trong bài hát Để gió cuốn đi, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã tinh tế khi viết: “Hãy nghiêng đời xuống, nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn không nói năng. Để buốt trái tim, để buốt trái tim”. Khi thật lòng muốn giúp đỡ người nào, ta phải có khả năng thoát khỏi vai của mình để sẵn sàng bước vào vai của người kia thì ta mới có thể gần gũi và thấu hiểu họ được. Ta phải “nghiêng xuống” bên họ vì ta đang trong tình trạng lành lặn, năng lượng dồi dào, và trong vị trí người hiến tặng. Nhưng phải thêm hai điều kiện nữa: đó là khả năng im lặng quan sát mà không lên tiếng trách móc hay buộc tội, và phải chuẩn bị tinh thần đón nhận những năng lượng tiêu cực trong tâm người kia tràn ra bất cứ lúc nào - vì có thể sẽ làm “buốt trái tim” ta. Biết sẽ chịu nhiều mất mát, thiệt thòi trong khi cứu giúp mà ta vẫn toàn tâm chấp nhận là vì ta có một tấm lòng lớn, một tình thương chân thật. Tình thương chân thật là tình thương không có điều kiện hay rất ít điều kiện. Nó rất nhẹ. Nhẹ đến nỗi gió có thể cuốn đi khắp ngàn phương - “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.


Tình thương đúng là món quà cao quý nhất mà ai cũng cần. Dù ta hiến tặng bất cứ món quà nào đi chăng nữa thì tấm lòng chân thật mới thật sự quyết định nên giá trị đích thực của sự hiến tặng.

Tất cả cũng tàn phai
Chỉ tình thương ở lại
Những gì trao hôm nay
Sẽ theo nhau mãi mãi.
​​​​​​​

(Minh Niệm)