Tên trộm và vầng trăng


Có một tên trộm muốn lẻn vào một nhà giàu để trộm đồ đạc, anh ta đem theo đứa con nhỏ để dạy cậu bé thực tập. Hắn nói với cậu con trai: “Con đứng ngoài cổng canh chừng giúp cha, thấy có người xuất hiện thì thông báo cho cha.”

Trong khi tên trộm chuẩn bị ra tay thì bỗng nhiên đứa con ngoài cổng la lớn: “Cha ơi! Có người đã thấy chúng ta rồi!” Tên trộm nghe thế, vội kéo theo đứa trẻ chạy trốn. Chạy được một đoạn khá xa, tên trộm mới đứng lại hỏi cậu bé: “Hồi nãy ai đã thấy chúng ta?” Đứa con trả lời: “Là ánh trăng đang thấy chúng ta cha ạ!”…

Trong cuộc đời này, đôi khi không ai biết chúng ta đang làm việc xấu, nhưng lẽ nào trời không biết, đất không biết sao? Lẽ nào nhân quả hay chư Phật, Bồ Tát cũng không biết sao? Giả sử c cho không ai biết đi, ít nhất chính mình cũng cần phải hiểu rõ. Một bậc chính nhân quân tử, dù ở một mình trong phòng riêng, làm bất cứ việc gì cũng như có mười con mắt đang nhìn mình, mười bàn tay đang chỉ bày mình nên thận trọng đề phòng. Bởi vậy người xưa gọi người quân tử là “mười con mắt đang nhìn, mười ngón tay đang chỉ”, quả là đáng tin vậy!

Phật dạy rằng: “Giữ giới pháp như ngọn đèn sáng, có thể chiếu rọi chốn u mê, giữ giới pháp như trăng soi, có thể ở ngay trong tâm của mình.” Ánh trăng tượng trưng cho tự tính của chúng ta, trong tự tính của mỗi cá nhân đều có một kho tài sản quý vô tận, nếu biết được trong nhà mình có kho của quý thì cần gì phải đi ăn trộm của quý của người khác?

Ánh trăng, từ xưa đến nay là thứ mà người thiện, người tốt, người tình, người thơ đều yêu thích. Một vầng trăng sáng treo lơ lửng trên bầu trời đã khiến biết bao văn nhân thi sĩ ca ngợi ngâm vịnh, cho nên có câu rằng trăng sáng sao thưa, đời người bao nỗi, trong lời cảm thán của cuộc đời khổ tạm hầu như ẩn chứa bao nhiêu là buồn khổ sầu bi chưa nói hết! Cũng như xưa nay biết bao nhiêu chúng sinh thường bị oan khuất mà không nơi tỏ lộ, bị khổ lụy mà không nơi giãi bày, chỉ có ngẩng đầu nhìn trăng sáng mà tâm thần ủ ê thương cảm!

Thực ra, ánh trăng tượng trưng cho sự vẻ vang, tròn đầy. Một số đôi tình nhân yêu nhau say đắm, thường chỉ trăng thề nguyền, mong ông nguyệt chứng kiến cho tình cảm đôi lứa của họ. Tuy nhiên, sự đời vô thường, ông tơ bà nguyệt làm sao có thể là người chủ hôn được? Thơ rằng; “Trăng sáng cong cong chiếu chín châu, bao nhà vui sướng bao nhà rầu?” Trăng có lúc sáng tối đầy vơi, người có khi vui buồn ly hợp; trăng tròn rồi trăng lại khuyết, nói cạn lẽ sự đời dâu bể, đa đoan!

Ánh trăng soi sáng người xưa và nay ánh trăng ấy vẫn soi sáng chúng ta, trăng xưa vẫn còn, người xưa đã khuất! Ánh trăng hôm nay chúng ta đang thấy, tương lai vẫn tiếp tục chiếu sáng cho người đời sau, nhưng ánh trăng sau này làm sao có thể chiếu sáng cho chúng ta hôm nay? Thời gian tuần tự luân phiên, việc đời lắm nỗi vô thường, chả trách nhà thơ nhìn trăng mà hoài cảm!

Hoặc nói: “Trăng đến trung thu trăng sáng rõ, đời người mấy độ đón trung thu?” Trăng khuyết lại có lúc trăng tròn; trăng mờ lại có lúc trăng sáng. Nhưng cuộc đời chúng ta đã đi rồi, biết bao giờ mới trở lại?

Người xưa nói: “Trăng tròn trăng khuyết vẫn là trăng, xưa nay không có tối sao lại có sáng?” Mặt trăng do chúng ta nhìn mà thấy trăng tròn trăng khuyết, trăng sáng trăng tối, thực ra, bản thân mặt trăng hoàn toàn không có hiện tượng tròn khuyết sáng tối, tự thân nó trước sau vẫn là mặt trăng như thế mà thôi.

Do đó, con người chúng ta nếu tâm như mặt trời mặt trăng, thì bất kể trăng tròn trăng khuyết, trăng sáng trăng mờ, ánh trăng vẫn thường tồn, nên gọi là “Mặt trời lơ lửng giữa không trung, mặt trăng chiếu rọi vào tâm hồn, như vậy, tâm ta có mặt trời mặt trăng, còn sợ gì không có ánh sáng”.


(Trích từ sách “Thái căn đàm”)