Thiện lương và yếu lòng

Giữ gìn sự lương thiện song song với việc bảo vệ bản thân, đừng nhân danh lương thiện mà yêu sách người khác đủ điều, cũng đừng để lương thiện trở thành vũ khí tấn công lại chính mình.

Lương thiện là một loại mỹ đức, nhưng rất cần có những nguyên tắc riêng. Nếu không, sẽ có người lợi dụng sự lương thiện của bạn để ức hiếp và không ngừng yêu sách. Những điều bạn làm, người ta sẽ phớt lờ; sự nhượng bộ của bạn, họ sẽ xem là lẽ hiển nhiên. Bởi trên đời, người thật sự biết ơn không nhiều, mà những kẻ được đà lấn lướt lại không ít.

Nếu bạn dễ sai bảo, người khác sẽ không ngại lợi dụng; Biết bạn luôn tha thứ, họ sẽ ỷ lại rồi làm càn; Khi bạn cho đi không cân nhắc, nhiều kẻ sẽ viện cớ để tới lui kiếm chác... Lương thiện là một phẩm chất quý giá, nhưng nhất định phải đi kèm với trí tuệ. Làm việc gì cũng cần minh bạch, có chính kiến và lập trường rõ ràng, người khác mới không thể lôi kéo, đặt điều hay sai khiến.

Dù lương thiện, nhưng phải biết khước từ khi cần. Nếu không, bạn có thể trở thành con rối bị kẻ khác dật dây, xoay vòng không hết việc, cả ngày ngược xuôi mà vẫn bị oán trách khi chưa kịp thỏa mãn yêu cầu cho ai đó.

Cuộc sống này, vốn chỉ nên giúp ngặt mà không thể giúp nghèo’. Chúng ta chỉ nên hỗ trợ phương tiện chứ không thể làm thay cho mọi thứ. Nếu lòng tốt đặt không đúng chỗ, sự giúp đỡ trao không đúng người, hiệu quả công việc sẽ thấp, lại tạo cho người khác thêm tính ỷ lại. Vậy nên đừng nhầm lẫn giữa lương thiện và yếu đuối. Yếu lòng có thể một lúc, lương thiện thì cần cả đời. Yếu lòng là phản ứng có điều kiện, còn lương thiện là sự cho đi không cần bất kỳ hồi đáp nào.

Giữ gìn sự lương thiện song song với việc bảo vệ tốt bản thân, đừng nhân danh lương thiện mà yêu sách người khác đủ điều, cũng đừng để lương thiện trở thành vũ khí tấn công lại chính mình.

(Sư cô Suối Thông lược dịch)