Tiết kiệm không phải để cho mình

Khi chưa gặp khó khăn, tôi luôn bỏ ngoài tai lời khuyên của người khác vì nghĩ là mình đã biết nhiều lắm. Những đồng tiền mà mình tự làm ra tôi xài rất “sang”, tuy không phải xa hoa nhưng tôi cũng muốn được sống bằng bạn bằng bè.

Vì vậy mà cú sốc thất nghiệp đã khiến cho tôi choáng váng vì sự thiếu hụt và mất tự tin với cuộc đời. Điều này làm cho tôi phải mất một khoảng thời gian khá lâu mới cân bằng lại được cảm xúc của chính mình.

Lúc này tôi mới chiêm nghiệm về tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm như thế nào mới đúng và hợp lý? Câu hỏi ấy khiến cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Và tôi đã tìm được giải đáp bằng chính những hành động của người xung quanh, khi tôi có duyên lành tiếp xúc với họ.

Đó là kỷ niệm về một chuyến đi chơi đến nhà một người quen ở cao nguyên. Trên chuyến xe cùng với cô chủ nhà, tôi được tiếp đãi bằng chai sữa bắp đậu nành, một thức uống rất thơm ngon do cô tự tay nấu. Buổi trưa khi xe dừng trạm cho khách dùng cơm, tôi thấy cô loay hoay kéo từ trong ba-lô ra đồ ăn đã làm sẵn từ buổi sáng sớm để đãi tôi và mấy người bạn cùng đi. Cô dặn là phải ăn cho hết, đừng để thức ăn còn dư lại, thấy vậy ai cũng ráng ăn cho bằng sạch phần của mình. Tầm xế trưa thì xe tới nơi vì đi từ lúc rất sớm. Phát hiện thêm hành lý của cô còn rất nhiều thứ, nào là xà-bông gội đầu, bánh kẹo, quần áo và nhiều thứ khác nữa. Hỏi ra thì được biết là những món quà ấy do cô để dành cho những người trong căn nhà tình thương này dùng.

Quan sát việc cô làm, nghe cô kể chuyện, tôi phát hiện ra cô luôn tiết kiệm: Từ nước rửa rau củ, nước vo gạo để dành tưới cây; những gì không ăn được nữa thì dùng làm phân bón, hiếm khi nào để lại đồ ăn trong bữa cơm của mình… Quần áo thì cô chọn loại thường, có khi tự may lấy cho mình và người nhà. Việc gì có thể làm được, cô đều tự làm, không nhờ vả đến ai cả. Tôi thắc mắc vì sao cô có điều kiện kinh tế mà không làm đẹp, cô nói nếu mình chăm chút quá với những món đồ trang sức không cần thiết sẽ dẫn tới lãng phí, đồng nghĩa với việc tự bào mòn phước của mình. Trong khi đó, nếu cần kiệm lại một chút thì sẽ có thể giúp cho rất nhiều người còn thiếu thốn ở chung quanh. Câu nói ấy rất ấn tượng với tôi vì đạo lý nhân quả của nó.

Thật sự phước báo của mỗi người không giống nhau từ miếng ăn cho đến nơi ở, có lẽ cũng bắt nguồn từ quá trình tu phước của họ. Nếu biết sử dụng tiền bạc, vật chất, sức khỏe, tình thương của mình đúng chỗ thì phước sẽ ngày một thêm lớn và ngược lại sẽ làm cạn dần phước của mình.

Tôi cũng tự nhận thấy mình là người “có phước mà không biết cách hưởng thụ”. Tôi chỉ biết xài những gì mình có mà không tìm cách gieo trồng thêm để dành cho tương lai. Đến khi khó khăn mới hiểu rằng mình đã chi tiêu quá nhiều vào những thứ vô ích, nếu cần kiệm thì giờ đây mình hẳn khá hơn xưa.


Tôi từng mệt mỏi vì suy nghĩ phải làm cách nào mới được như trước, có tiền và công việc ổn định, mọi người không còn chê mình nữa. Chính giai đoạn nhiều suy tư này cùng với sự gặp gỡ người cô biết tích phước kia đã giúp tôi thức tỉnh rằng phải cố gắng làm phước, dù cho đó là điều nhỏ nhặt.

Từ đó, tôi ráng để dành từng chút, làm việc có lợi cho mình và cho người, niềm vui đó còn nhiều hơn là việc mua sắm những thứ mình thích hay ăn ngon, mặc đẹp. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao cô chủ ngôi nhà tình thương kia lại không làm nhiều cho mình mà để dành cho người khác.

Một việc tốt nữa của cô mà tôi chứng kiến đó là phóng sanh, một cảm giác thật xúc động khó tả khi nhìn thấy những con vật được tự do. Ngay khoảnh khắc ấy tôi đã biết mục đích của việc tiết kiệm là gì. Tiết kiệm không phải để dành cho riêng mình, mà chính là góp phần đem lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, mọi loài.

 

Duyên Ngộ