Tình yêu đích thực không phải là giành lấy, mà là dám từ bỏ

Tình yêu chân chính không nhất định là phải có được người mình yêu, đôi khi lựa chọn buông tay để cho người mình yêu được sống hạnh phúc chính là biểu hiện của tình cảm chân thành, cao cả.

Thời xưa, có một vụ án nổi tiếng tạm gọi là “tình yêu của sự buông tay”. Câu chuyện kể về hai người phụ nữ cùng tranh giành một đứa bé 2 tuổi, cả hai đều khăng khăng nói rằng đứa bé là do mình sinh ra, vậy nên không ai chịu nhường ai. Cuối cùng ầm ĩ đến nơi công đường, vị quan gia bởi vậy cũng phải hao tâm tổn trí, ông đã lệnh cho hai người phụ nữ hãy dùng hết sức mà giành lấy đứa trẻ, ai thắng thì đứa trẻ sẽ thuộc về người đó.

Hai người phụ nữ quả nhiên đã dùng hết sức để giành giật đứa bé, người nào người nấy đều muốn lôi đứa bé về phía mình. Nhưng đứa trẻ bé nhỏ không chịu nổi sức kéo, đã khóc òa lên nức nở. Lúc này, một người trong đó nghe thấy tiếng khóc đau như xé lòng, liền đột nhiên buông tay, mặc cho người phụ nữ kia đắc ý kéo đứa trẻ về mình.

Lúc này, vị quan xử án đập mạnh thanh kinh đường mộc, ông nói, chỉ có người mẹ yêu thương con mới không nỡ lòng nhìn thấy con mình chịu khổ, thậm chí vì vậy mà nguyện ý hy sinh tình yêu của mình. Bởi vậy ông đã đem đứa trẻ trao cho người phụ nữ này và trừng phạt nghiêm khắc người phụ nữ còn lại.

Câu chuyện trên, đến ngày hôm nay đọc lại vẫn khiến người ta thổn thức. Quả thật, tình yêu đích thực không phải là “giành lấy”, mà là từ bỏ và buông tay…
Con người sống trong tình yêu, cũng cần phải có dũng khí và tấm lòng rộng lượng gánh chịu hoàn cảnh của mình, có thể theo đuổi hạnh phúc nhưng đừng nên theo đuổi sự hoàn mỹ. (Ảnh: Pinterest)

Trong lịch sử Phật giáo cũng có câu chuyện xúc động lòng người như thế này:

Câu chuyện kể về hai vị “Hòa Hợp nhị tiên” tên là Hàn Sơn và Thập Đắc. Tương truyền họ chính là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Trước khi xuất gia, họ từng là đôi bạn thân tình như thủ túc, nhưng trái ngang thay cả hai lại yêu cùng một cô gái. Cô gái vốn có tình cảm với Thập Đắc, đã trao gửi tâm hồn thiếu nữ cho chàng, nhưng tiếc thay người nhà lại hứa gả cô cho Hàn Sơn.

Một lần, Hàn Sơn vô tình biết được ý trung nhân trong lòng cô gái là người bạn thân thiết nhất của mình. Anh rất đau khổ và khó xử, bởi anh cũng yêu cô gái ấy bằng cả trái tim mình. Nhưng mỗi khi nhìn thấy người mình yêu thương rạng ngời hạnh phúc ở bên cạnh Thập Đắc, anh lại thêm quyết tâm xuất gia để tác thành cho hai người.

Thập Đắc hay tin, trong lòng chàng cảm động sâu sắc bởi tấm chân tình sâu nặng của Hàn Sơn, thế là chàng không quản ngại đi khắp trăm sông nghìn núi để tìm Hàn Sơn trở về. Cuối cùng, khi đến ngôi chùa bên cạnh cầu Phong ở Tô Châu, Thập Đắc đã gặp được Hàn Sơn. Nhưng ý nguyện xuất gia của Hàn Sơn rất kiên định, Thập Đắc khuyên nhủ thế nào cũng không lay chuyển được.

Sau cùng, Thập Đắc quyết đoạn dứt tình duyên, chấm dứt muôn vàn phiền não để bước vào cửa Phật, từ đây hai người quý mến giúp đỡ lẫn nhau, tình cảm đã thân thiết lại càng thêm thân thiết. Đoạn giai thoại này cũng lưu truyền rộng rãi ở nhân gian, được người đời sau gọi là “Hòa Hợp nhị tiên”, chứng kiến cho sự tương thân tương ái, tình sâu nghĩa nặng, cũng là tượng trưng cho sự tường hòa, viên mãn của hai người.

Câu chuyện trên đã nói rõ một đạo lý: Yêu thương không phải là chiếm hữu, buông tay không phải là buông bỏ, bởi tình yêu chân chính là để giúp người mình yêu có được hạnh phúc.

Nhưng trong xã hội thời nay, rất nhiều người cho rằng tình yêu là ích kỷ, là chiếm hữu. Trên báo đài cũng từng đưa tin về những trường hợp tự vẫn, quyên sinh, hoặc những vụ án mạng xuất phát từ tình – đó là hậu quả đau lòng khi người ta coi nhẹ mạng sống và hận thù vì tình yêu.

Rất nhiều câu chuyện tương tự cũng là kết cục đáng buồn khi con người tôn thờ thứ tình yêu vị kỷ, thứ tình yêu chiếm hữu. Thiết nghĩ, đời người dài ngắn cũng chỉ có 100 năm, đến lúc nhắm mắt xuôi tay mới hiểu rằng sinh mệnh là quý báu vô ngần. Vậy mà, chỉ vì một phút nông nổi hồ đồ, hoặc chỉ vì một chút tình cỏn con không thể thoả mãn, mà người ta đã quên mất ý nghĩa đích thực của cuộc sống này. Vì tình yêu mà phủ nhận hoặc hy sinh niềm vui sống, thậm chí từ bỏ cả sinh mệnh, đây chẳng phải là sai lầm lớn nhất trong đời người hay sao?

Vậy nên, con người sống trong tình yêu, cũng cần phải có dũng khí và tấm lòng rộng lượng gánh chịu hoàn cảnh của mình, có thể theo đuổi hạnh phúc nhưng đừng nên theo đuổi sự hoàn mỹ. Phật gia cho rằng một người tâm thái vững vàng, luôn có tấm lòng thành, sẽ có thể tiếp nhận mọi sự việc phát sinh trong cuộc sống. Chính bởi vì tiếp nhận, mới có thể nhìn rõ bản chất của sự vật, từ đó gắng sức tránh khỏi những đau khổ do con người tạo nên.

Tình yêu chính là từ bi bình đẳng, cũng là phó xuất và hiến dâng. Một người có thể “yêu mà không cầu”, thì cảnh giới của anh ta sẽ có được sự thăng hoa, tâm linh cũng đã đạt đến trạng thái thiền ngộ, tất nhiên cũng có thể tìm được con đường hạnh phúc viên mãn của mình.

(Theo songdep.tv)