3 bài tập cho người mới thực hành thiền định
Có lẽ tất cả chúng ta đều biết lợi ích của việc thực hành thiền định đối với sức khỏe tâm sinh lý con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thực hành đúng cách và phải bắt đầu như thế nào. Sống Hạnh Phúc xin hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc một vài lời khuyên cho người mới học thiền từ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ 12’
Trong thực hành thiền định, có nhiều cấp độ khác nhau, vì còn tùy đặc điểm, tính cách của từng người, tùy vào sự thực hành theo các truyền thống, Kinh điển, chân ngôn và nghi quỹ khác nhau. Sau đây là 3 bài thực hành căn bản nhưng đơn giản mà bạn có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày.
Bài thứ nhất, chúng ta tập trung bằng mắt
Tôi nghĩ điều này là rất cần thiết. Có nhiều bậc Thượng sư và một số giáo lý thiền định khuyên các hành giả nên nhắm mắt thiền định. Song ở đây, bạn sẽ thấy chúng ta không nên nhắm mắt, nên để mắt vẫn mở đủ nhìn, song ánh nhìn cần rất tập trung. Tất nhiên điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh. Giờ chúng ta sẽ thử tập thiền mở mắt. Có thể giải thích rằng, chúng ta nhìn được nhờ có mắt. Như vậy khi dùng mắt, điều này có nghĩa là bạn sẽ dùng mắt để định tâm. Thông thường, đôi mắt kiểm soát hầu hết mọi ý thức hay chính là kiểm soát tâm. Bạn sẽ tập trung nhìn để đạt đến trạng thái tâm định. Chúng ta hãy bắt đầu như vậy.
Tôn tượng Đức Phật Di Lặc tại tự viện Thiksey, Ladakh
Bạn nên nhìn vào một vật cụ thể như một giọt nước hay bất cứ vật gì được chọn làm đề mục tập trung. Bạn có thể dùng hoa, có thể nhìn vào một cái bàn hoặc bất cứ thứ gì có thể khiến bạn tập trung tư tưởng. Hãy cố gắng để tâm vào vật đó, thử tập trung càng lâu càng tốt. Tất nhiên bạn sẽ không thể ép mình tập trung quá lâu. Hoặc dù có thể gò ép chính mình, bạn cũng không nên làm như vậy. Điều đó không lợi ích. Chúng ta hãy cùng nhau thực hành một lần. Bạn hãy nhìn vào bất kỳ vật nào ở trước mặt. Cứ để vật đó như vậy. Tôi khuyên bạn nên nhìn vào vật nào đó thấp hơn tầm mắt của mình. Nếu không làm được như vậy, bạn vẫn có thể nhìn vào vật nào bạn muốn. Bạn hãy tập trung ánh mắt vào vật đó, tịnh khẩu và không suy xét, phân tích hay tạo tác bất cứ điều gì. Khi bạn nhìn vào một vật và khởi phát sự suy xét vật đó xấu hay đẹp, hình dáng ra sao, màu sắc như thế nào, đó là tạo tác. Đối với những người mới thực hành, chúng ta không nên phát khởi những tạo tác, phán xét như vậy.
Bạn chỉ cần giữ cho mắt mình nhìn tập trung vào đề mục thiền quán trong khoảng năm phút. Tôi nghĩ năm phút hay ba phút cũng là dài so với những người mới bắt đầu thực hành. Bạn có thể giữ tập trung trong một đến hai phút là ổn. Có thể ai đó nói với bạn rằng họ có thể tập trung thiền quán trong nhiều giờ, thì đó chỉ là để khoe khoang. Họ phải cảm thấy tự xấu hổ khi tự đắc khoe mẽ như vậy. Điều này rất khó đối với hành giả mới thực hành. Khi đã quen hơn với việc tập trung, bạn có thể kéo dài thời gian thêm 1 hoặc 2 phút. Có thể bạn sẽ đạt được sự tập trung liên tục đến mười phút mà không cần nghỉ ngơi hay cảm thấy mông lung, mờ mịt.
Bước thực hành tiếp theo là quán niệm hơi thở
Ở đây chúng ta không cố gắng kiểm soát hơi thở. Bạn không cần kiểm soát gì cả, chỉ đơn thuần quán sát và đếm hơi thở của mình mà không cần sự trợ giúp của máy bấm hay tràng hạt. Bạn tự đếm nhẩm trong tâm. Bạn cần đếm một mạch ít nhất đến một trăm. Một cặp hơi thở ra và hít vào, bạn đếm một, hai, ba, bốn, năm, sáu liên tục không gián đoạn. Nếu dừng giữa chừng, hoặc nếu không thể đếm liên tục và bị lẫn lộn, bạn nên đếm lại từ đầu. Ví dụ, khi đếm đến khoảng 80, bỗng một ý nghĩ nào đó khởi lên khiến bạn bị vấp, không biết mình đã đếm đến tám mươi hay tám mươi mốt. Thế là bạn tự nhủ, cứ coi như mình đã đếm đến tám mươi, rồi bạn tiếp tục đếm từ tám mươi mốt. Bạn không thể giả định như vậy. Bạn phải đếm lại từ một. Đây là phần thực hành rất quan trọng trong thiền định, đặc biệt là thiền chính niệm.
Bài thực hành quán niệm về âm thanh
Theo kinh nghiệm của tôi, hai bài thực hành trên rất lợi ích và chính xác, có thể giúp bạn trưởng dưỡng năng lực thâm sâu của thiền định. Một bài luyện tập nhỏ nhưng rất hữu ích là thực hành quán niệm về âm thanh. Có thể thời nay, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, bạn có thể mở đĩa CD và nghe âm thanh phát ra từ đĩa. Đó cũng có thể là âm thanh của chân ngôn, tantra hay những âm thanh linh thiêng trân quý khác. Đa số chúng ta đều thích nghe các bài hát hoặc bản nhạc Thánh ca. Điều này có lẽ là do văn hóa hay truyền thống. Không nhất thiết phải như vậy. Chúng ta có thể tập trung lắng nghe bất cứ âm thanh gì. Ví dụ chúng tôi thường trì tụng câu chân ngôn OM AH HUNG. Đôi khi, có người chỉ trì tụng một chữ chủng tử OM liên tục. Với tôi, tôi thường hay trì tụng câu chân ngôn OM MANI PADME HUNG. Khi đó, bạn hãy tập trung vào giọng nói của chính mình, hay âm thanh do chính mình tạo ra. Các bậc thầy cũng khuyên chúng ta nên thực hành như vậy. Bạn có thể tự mình trì tụng chân ngôn hoặc bật đĩa lên để nghe âm thanh phát ra từ đĩa. Một lần nữa, bạn luôn lưu ý không để tâm mình trôi dạt theo bất kỳ suy nghĩ lang thang, vọng động nào. Chỉ cần tập trung vào âm thanh là đủ.
Bên cạnh việc trì tụng các câu chân ngôn, bạn cũng có thể lắng nghe những bản nhạc phổ biến bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức, hoặc những bản nhạc jazz, pop, nhạc cổ điển hay bất kỳ loại nhạc nào mà bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cảm giác dễ chịu và tâm chấp thủ hoàn toàn khác biệt. Khi bạn cảm thấy dễ chịu không có nghĩa là bạn đang bám chấp. Có nhiều người để tâm mình phiêu du, lơ đãng khi nghe nhạc. Khi thực hành thiền định, bạn không nên để tâm mình cuốn theo âm nhạc. Bạn cần tập trung vào âm thanh càng lâu càng tốt.
Bạn cần rèn luyện thường xuyên để có thể dần kéo dài thời gian tập trung vào âm thanh càng lâu càng tốt. Như tôi đã nói ở trên, bạn có thể tập trung vào âm thanh chân ngôn, một bài hát, một bản nhạc, tiếng thác nước chảy hay bất cứ âm thanh nào của thiên nhiên. Bất kể âm thanh nào bạn cũng có thể lắng đọng tâm mình để tập trung vào đó. Phần thực hành này giúp bạn cảm nhận được sự kiểm soát khẩu nghiệp, kiểm soát được luồng khí vi tế chảy trong hệ thống kinh mạch cũng như đường đi của hơi thở.
Đây cũng chính là bài thực hành thiền chính niệm.
(Trích khai thị "Nghệ thuật thiền định" của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII
Nguồn: www.drukpavietnam.org)
- 1637 lượt