Môn đồ bị cô gái trẻ đẹp đeo bám, Đức Phật bảo cô gái làm 1 việc khiến cô gái từ bỏ ý định

Môn đồ bị cô gái trẻ đẹp đeo bám, Đức Phật bảo cô gái làm 1 việc khiến cô gái từ bỏ ý định
(Ảnh minh họa: Internet)
 

Câu chuyện về việc giải quyết một vấn đề tế nhị này cho thấy Đức Phật quả thật là bậc thầy trong việc đối nhân xử thế, gợi mở cho chúng ta thêm một cách ứng xử trong cuộc sống.

Từ lần xin nước ở chiếc giếng bên đường…


Ananda là em họ, cũng là một trong những môn đồ gần gũi nhất với Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm. Theo các ghi chép để lại cho hậu thế, khi đi theo Đức Phật, Ananda vẫn là một thanh niên rất trẻ và đẹp trai, và điều đó vô hình trung gây ra không ít rắc rối cho ông.

Một ngày kia, khi đang đi khất thực ở Sravasti, trên đường trở về, Ananda nhìn thấy một cái giếng. Một cô gái nông dân tên là Matanga đang múc nước từ giếng lên. Vì khát nước nên Ananda đã đi đến chỗ cô gái để xin chút nước.
Môn đồ bị cô gái trẻ đẹp đeo bám, Đức Phật bảo cô gái làm 1 việc khiến cô gái từ bỏ ý định - Ảnh 1.

Ananda đi xin nước thì gặp Matanga và cô gái đã nhanh chóng dành tình cảm cho nhà sư trẻ. (Ảnh minh họa: Internet)
 

Cô gái nhận ra nhà sư trẻ đang đứng trước mặt mình là Ananda, một trong những môn đồ nổi tiếng của Đức Phật. Cô tỏ ra xấu hổ và đáp lời: "Thưa ngài, tôi chỉ là một nông dân hèn kém, không xứng để cho ngài thứ gì".

Khi nghe câu trả lời từ cô gái, Ananda đã trấn an rằng: "Cô gái trẻ. Tôi là một người tu hành, tôi ngang bằng với cả người giàu lẫn người nghèo".

Ấn tượng trước lời nói tử tế cũng như vẻ đẹp xuất sắc của Ananda, cô gái đã đem lòng yêu mến nhà sư trẻ. Hôm sau, khi Ananda đi qua nhà Matanga, cô gái đã mỉm cười và chào lại, khiến Ananda bắt đầu cảm nhận được tình cảm hơn mức bình thường của đối phương dành cho mình.

Tới tình huống nhạy cảm nhà sư trẻ phải đối mặt

Vào ngày thứ 2, Ananda lại đi khất thực trên thành phố. Matanga mặc một chiếc váy mới và để kiểu tóc mới. Cô gái đứng trên đường, đợi Ananda. Khi nhìn thấy Ananda từ xa bước tới, Matanga liền đi theo, nói thế nào cũng không chịu từ bỏ.

Là một nhà sư trẻ, chưa gặp tình huống này bao giờ nên Ananda cảm thấy rất căng thẳng, không biết làm thế nào, đành quay về tịnh xá gặp Đức Phật, kể lại hết mọi chuyện. Đức Phật nghe xong liền bảo Ananda đưa cô gái đến gặp Ngài.

Môn đồ bị cô gái trẻ đẹp đeo bám, Đức Phật bảo cô gái làm 1 việc khiến cô gái từ bỏ ý định - Ảnh 2.
Matanga luôn đi theo Ananda, nói thế nào cũng không chịu từ bỏ. (Ảnh minh họa: Internet)
 

Khi biết tin Đức Phật muốn gặp mình, Matanga đã hơi bất ngờ. Nhưng vì muốn có được Ananda, cô đã lấy hết can đảm tới gặp Ngài. Khi vừa nhìn thấy cô xuất hiện, Đức Phật đã cất lời: "Ananda đang là một nhà sư đi theo con đường Phật pháp. Nếu muốn làm vợ cậu ta, cô phải rời khỏi nhà và làm một bhikkhuni (tức là một nữ giới xuất gia) trong một năm. Cô có sẵn lòng làm điều đó không?"

"Con sẵn lòng, thưa Đức Phật", Matanga ngạc nhiên khi Đức Phật lại dễ dàng chấp nhận mong muốn của cô nên đã nhanh chóng đồng ý.

"Theo quy định ở tịnh xá của ta, muốn rời khỏi nhà cha mẹ đến đây thì phải được cha mẹ đồng ý, cô có thể về nhà xin phép cha mẹ chứ?", Đức Phật đưa ra yêu cầu với cô gái.

Matanga trở về nhà xin phép cha mẹ. Mẹ cô rất vui mừng khi con gái mình được trở thành một bhikkhuni trước khi kết hôn với Ananda.

Và quyết định bất ngờ của cô gái

Để được làm vợ của Ananda, cô gái đã vui vẻ cạo trọc đầu và trở thành một bhikkuni. Cô cũng chăm chỉ lắng nghe và làm theo những lời răn dạy của Đức Phật. 

Cứ như vậy, qua mỗi ngày, những tình cảm lãng mạn của cô gái cũng dần lắng xuống. Chỉ trong chưa đầy nửa năm, cô đã nhận ra sự đeo đuổi từ một phía của mình là vô ích, thậm chí còn làm phiền đến cuộc sống của người khác.
Môn đồ bị cô gái trẻ đẹp đeo bám, Đức Phật bảo cô gái làm 1 việc khiến cô gái từ bỏ ý định - Ảnh 3.

Để được ở bên Ananda, cô gái đã đồng ý tới gặp Đức Phật và trở thành một bhikkuni. (Ảnh minh họa: Internet)
 

Đức Phật nói có 5 kiểu lòng tham sẽ chỉ gây ra khổ đau cho con người là tham tài (tài sản), tham sắc (sắc đẹp, hình thức bên ngoài), tham danh (danh thơm, tiếng tốt), tham thực (ăn uống), tham thùy (ngủ nghỉ), trong đó, cô gái đã phạm vào cái tham thứ 2. Chỉ khi không còn 5 cái tham này thì cuộc sống mới có được sự bình an, tự tại.

Giờ đây, Matanga rất hối hận vì đã có tình cảm đơn phương với Ananda. Chính vì thế, một hôm, cô đã tới quỳ gối trước Đức Phật, mắt rưng rưng lệ và nói: "Thưa Đức Phật, giờ con đã tỉnh ngộ rồi. Con sẽ không chấp nhất nữa. Con rất biết ơn Ngài. Từ giờ trở đi, con sẽ trở thành một bhikkuni, nguyện mãi mãi đi theo Ngài, trở thành một sứ giả trung thành của Ngài".

Về sau, Matanga đã trở thành một trong những nữ môn đồ vĩ đại của Đức Phật. Về phía Đức Phật, việc chấp nhận một cô gái nông dân nghèo khổ trở thành bhikkhuni khiến Ngài phải chịu không ít lời chỉ trích. Tuy nhiên, Đức Phật luôn ủng hộ sự bình đẳng giai cấp và không quan tâm tới những lời gièm pha này.
Môn đồ bị cô gái trẻ đẹp đeo bám, Đức Phật bảo cô gái làm 1 việc khiến cô gái từ bỏ ý định - Ảnh 4.
 

Lời bàn: Câu chuyện về nàng Matanga và tình cảm lãng mạn với Ananda cũng như việc biến một bất hạnh của bản thân thành sự may mắn đã trở thành câu chuyện Phật giáo nổi tiếng và được truyền lại nhiều thế hệ.

Mặt khác, câu chuyện này cũng cho thấy cách giải quyết vấn đề tuyệt vời của Đức Phật, đáng để chúng ta học hỏi. Trong mọi tình huống có mâu thuẫn, sự bình tĩnh và kiên trì, giúp đối phương từ từ hiểu ra vấn đề là những điều hết sức quan trọng.

Nếu có thể làm được như vậy, vấn đề vừa có thể được giải quyết tận gốc lại không khiến lòng người oán hận hay gây ra bi kịch nào. Nếu có thể làm được điều đó là bạn đã hoàn toàn làm chủ được cuộc đời mình và không khó khăn nào có thể làm khó bạn.

Theo Buddhanet
(https://soha.vn)