Vì sao có những đứa trẻ không biết ơn?

Sự hy sinh vô điều kiện và nhu nhược của một số phụ huynh khiến những đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ "đáp ứng con cái là nghĩa vụ của cha mẹ".

Ngày 12/10, tại ga tàu điện ngầm Kim Ngân Đàm, TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, một phụ nữ trung tuổi hai tay xách hai chiếc túi nặng bị một cô bé tầm 14 tuổi đi sau, tay đút túi quần, đá lia lịa vào người. Cô bé này luôn miệng nói: "Đồ ăn hại" khiến nhiều người kinh ngạc. Cảnh tượng giống như một cô chủ con nhà giàu kiêu ngạo và người hầu. Nhưng thực tế họ là hai mẹ con.

Người mẹ lần đầu đến thành phố nên lên nhầm ga tàu điện ngầm, cô con gái tức giận và đánh mẹ. Thấy cảnh đó, nhiều người nói với cô bé nếu tiếp tục, họ sẽ báo cảnh sát. Người mẹ nghe thấy vậy, vội vàng bênh vực: "Không sao đâu, cháu nó hơi bướng bỉnh chút, không vấn đề gì".
Hình ảnh cô bé 12 tuổi đạp mẹ do bà lên nhầm tàu điện ngầm từng gây bức xúc tại Trung Quốc. Ảnh: sina.

Có quá nhiều bậc cha mẹ như vậy ở xung quanh chúng ta. Con đi học về được cha mẹ xách cặp hộ. Không cần làm việc nhà, chỉ cần học nhiều và điểm cao là được. Tiện nghi vật chất được đáp ứng quá mức, ngay cả học sinh tiểu học cũng được sắm cho điện thoại di động. Và đặc biệt nếu trẻ có gây sự bên ngoài, dù chúng có lỗi trước nhưng cũng phải bảo vệ tới cùng. Những bố mẹ này làm tất cả mọi việc vì con, cho dù bị yêu cầu một việc quá sức, họ cũng chẳng do dự.

Những đứa trẻ có bố mẹ như vậy thường quên mất rằng, thay vì biết công ơn dưỡng dục, chúng sẽ coi sự hy sinh đó là hiển nhiên.

Có một chương trình truyền hình nói về mối quan hệ giữa thành công cá nhân và gia đình. Người được phỏng vấn là một thanh niên trẻ xuất thân từ nông thôn. Anh này sau khi tốt nghiệp đã ở lại làm việc tại Thâm Quyến, với thu nhập hàng tháng khoảng 10.000 tệ (36 triệu đồng). Cuộc trò chuyện của thanh niên này với người dẫn chương trình như sau:

- Bạn nghĩ những gì đạt được ngày hôm nay, bao gồm cả việc học đại học và có được thu nhập cao liên quan tới bố mẹ như thế nào?

- Đó chủ yếu là nỗ lực cá nhân. Bố mẹ tôi chỉ làm những gì người làm cha làm mẹ nên làm, chẳng hạn như nuôi dạy và hỗ trợ học tập. Tất cả phụ huynh đều làm như vậy.

- Chắc bạn vẫn cần bố mẹ tham gia vào tương lai của mình? Chẳng hạn như kết hôn và mua nhà.

- Điều đó chắc chắn cần phải có. Với giá nhà đất cao ngất ngưởng ở các thành phố lớn, ít ai không nhờ tới sự giúp đỡ của bố mẹ.

- Bạn có nghĩ điều này là phù hợp?

- Mọi người đều như vậy, nên chẳng có gì là không phù hợp cả. Cả xã hội này ai chẳng thế.

Trong mắt của những đứa con như chàng thanh niên trên, tồn tại một quan điểm gọi là "nguyên quyền", nghĩa là con cái sinh ra có quyền đòi hỏi cha mẹ. Cha mẹ sinh ra con có nghĩa là mang nợ với con, họ phải có trách nhiệm với nhu cầu đi học, đi làm, mua nhà, lập gia đình của con.

Gần đây, khi nhận được câu hỏi: "Nếu bố mẹ không thể giúp bạn trong sự nghiệp, bạn vẫn biết ơn chứ?", nhà văn nổi tiếng thế hệ 8X Trương Giai Vệ nói rằng: " Bố mẹ đã không để tôi bị bệnh mà không chữa. Đã không ném tôi ra khỏi nhà mà cho tôi một chiếc giường ấm và những bữa ăn no. Họ không để tôi chết ngạt trong xe ô tô và luôn hy sinh mọi thứ trong cuộc sống vì tôi. Những điều đó quá đủ để biết ơn họ".

Nhà văn này nói thêm: "Trong cuộc đời này, con người ta chỉ nợ cha mẹ. Nỗi bất hạnh lớn nhất của người làm cha mẹ chính là nuôi dạy một đứa trẻ không biết ơn".

Hãy cùng nhìn lại những gì đã xảy ra với những đứa trẻ không hiểu lòng biết ơn từ khi còn nhỏ.

Năm ngoái, bố con ông Vương có một vụ đánh nhau gây náo động tại thành phố Nam Kinh. Người đàn ông này bỏ hàng triệu tệ cho con trai đi du học nhưng về nước, người con không chịu đi làm, chỉ ở nhà ăn bám. Ông Vương trong lúc tức giận đã bán chiếc xe ô tô mới mua cho con và cậu cũng trả thù bằng cách đập phá chiếc xe của bố. Hậu quả hai cha con xông vào đánh nhau, con trai còn dọa sẽ giết bố.

Sau đó không lâu, một thiếu niên 12 tuổi ở Hồ Nam đã lấy trộm tiền của mẹ mua thuốc lá. Khi hai mẹ con xảy ra cự cãi, trong cơn thịnh nộ, cậu bé này đã cầm dao đâm mẹ. Điều rùng rợn hơn là sau khi bị bắt cậu bé này nói: "Người tôi đâm không ai khác chính là mẹ tôi". Sau khi được cấp cứu kịp thời và bình phục, người mẹ không trách cứ con trai mà cầu cứu khắp nơi. Bà vay nặng lãi lấy tiền thuê luật sư bào chữa cho con trai nhằm giảm nhẹ tội.
Bố mẹ là người rất vất vả để hỗ trợ con cái đứng cao hơn và có cơ hội nhìn ra thế giới rộng lớn. Ảnh:sina.

Trong cuốn sách "Tình yêu nghiệt ngã" của tác giả Sara nói về giáo dục con cái có một câu: "Sự bao bọc nhiều cha mẹ dành cho con cái quá dư thừa. Không muốn để bọn trẻ trải qua cuộc sống gian khổ từ nhỏ, cũng không biết cách đáp ứng nhu cầu của chúng đúng lúc, rốt cuộc khiến bố mẹ cả đời gian nan nhưng trẻ vẫn kêu oan".

Tôi mới nhận được cuộc gọi của người chú ruột nhờ mua chiếc điện thoại đời mới nhất cho cậu con trai mới học lớp 10. Tôi đã sốc bởi gia đình chú rất nghèo, mọi thứ gia đình đều tự cung tự cấp. Ngay cả khi em họ tôi cần điện thoại để học trực tuyến cũng không cần phải dùng đến chiếc điện thoại đắt đỏ như vậy. Thế nhưng chú vẫn quyết tâm bỏ ra 5.000 tệ (18 triệu đồng) để mua nó, bằng cả một tháng làm việc chăm chỉ ngoài công trường không được nghỉ ngày nào.

Là một đứa trẻ xuất thân từ nông thôn, tôi muốn hỏi những đứa trẻ như người em họ: "Bố mẹ đã nợ bạn bao nhiêu?" Những đứa trẻ này đang say sưa trong một thế giới cao xa hơn khả năng thực tế của chúng, đều không nhớ cúi đầu nhìn cha mẹ đang oằn lưng làm việc khi tóc đã điểm bạc.

Bởi vậy tôi muốn những đứa trẻ này hiểu rằng: "Khi bạn đang mặc món đồ hiệu nhưng bố mẹ lại đang mặc những bộ quần áo cũ và đôi giày con cái loại bỏ, chẳng có gì vui mà đáng khoe ra. Khi bạn còn trẻ và bất khả chiến bại, giương oai diễu võ khắp nơi, hãy ngoảnh đầu nhìn xem bố mẹ có đang phải cúi đầu khiêm tốn để kiếm tiền trước thiên hạ hay không. Khi kiến thức và tầm nhìn của bạn vượt xa cha mẹ và bạn vẫn ghét việc cha mẹ chưa bao giờ nhìn thấy thế giới, bạn cần nghiêm túc suy nghĩ lại. Bởi chính bố mẹ là người rất vất vả để hỗ trợ bạn đứng cao hơn và có cơ hội nhìn ra thế giới rộng lớn".

"Đừng vì đi quá xa mà quên mất nơi mình đã bắt đầu. Biết ơn chính là điểm mấu chốt đo lường phẩm chất đạo đức của một con người", nhà văn Trương Giai Vệ từng nói.
Cậu bé trên tàu điện ngầm Thành Đô luôn là người dẫn đường cho bố mẹ bị khiếm thị. Ảnh: sina
 
Như cô bé ở đầu bài đánh mẹ vì lên sai tuyến tàu điện ngầm, tôi lại nhớ đến một câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Trên tàu điện ngầm Thành Đô, một cậu bé 12 tuổi ngồi cùng bố mẹ bị khiếm thị. Đi đâu cậu bé này cũng ở phía trước, bàn tay mẹ bám víu vào vai cậu, theo sau là người cha bám vào vai mẹ. Ba người cứ đi như vậy, con dẫn theo cha mẹ, cẩn thận xếp hàng tiến về phía trước. Giữa họ không có phàn nàn, chỉ có tiếng cười và những cuộc trò chuyện ấm áp.

Gia đình ba người này bất hạnh hơn hầu hết các gia đình nhưng có lẽ cũng hạnh phúc hơn nhiều gia đình. Nhìn cảnh này, có cha mẹ nào không ghen tị và có đứa con nào lại không cảm thấy xấu hổ.

"Cách thể hiện sự giàu có trong gia đình tốt nhất là nuôi dạy một đứa trẻ biết ơn. Và cách tiên tiến nhất để một người thể hiện sự giàu có của mình là trở thành một người biết ơn", tác giả Sara nói.



Vy Trang (Theo sohu)
(Nguồn: vnexpress.net)