10 Bài học đắt giá giúp bạn thành công hơn

Tất cả chúng ta ai cũng đều từng phạm sai lầm, từng thất bại. Thất bại là một trải nghiệm rất khó chịu.

Nhưng thất bại có thể trở thành một người thầy tuyệt vời. Thất bại giúp phá vỡ thói quen cũ, buộc chúng ta phải thay đổi và cho ta cơ hội để khám phá những giải pháp mới, trải nghiệm mới, nhưng tất nhiên với một điều kiện: Bạn cần phải có một thái độ đúng đắn.

Chướng ngại trong cuộc sống có thể trở thành lời biện hộ cho thất bại nhưng cũng có thể là câu chuyện đằng sau mỗi thành công.

Nhà tâm lý học Albert Bandura đã tiến hành một nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của thái độ khi đối diện với thất bại.Trong nghiên cứu này, 2 nhóm người được giao cùng một nhiệm vụ quản lý. Nhóm thứ nhất được cho biết mục đích của nhiệm vụ này là để đánh giá khả năng quản lý của họ. Nhóm thứ 2 được truyền đạt rằng nhiệm vụ này chỉ đơn thuần để rèn luyện và nâng cao kỹ năng quản lý, và kỹ năng của họ sẽ được cải thiện dần dần. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia cuộc khảo sát đều không hề biết rằng nhiệm vụ họ được giao là ‘bất khả thi’, và đương nhiên cả 2 nhóm đều thất bại. Nhóm 1, cảm thấy rất thất vọng tràn trề vì cho rằng kỹ năng cuả họ kém, không đạt yêu cầu, và hầu như không cải thiện mấy khi được trao cơ hội làm lại nhiệm vụ trên. Nhóm 2, xem thất bại này như một bài học và có tiến bộ rõ rệt sau mỗi lần làm lại nhiệm vụ đó. Thậm chí, họ tự cho rằng mình vốn tự tin hơn so với nhóm 1.
 
Cũng tương tự như 2 nhóm tham gia cuộc thử nghiệm của Bandura, trong cuộc sống, chúng ta có thể nhìn nhận thất bại như một cách để đánh giá năng lực bản thân hay chỉ đơn giản làmột cơ hội để trưởng thành.Vì thế, lần tới nếu bạn thấy mình lại than thân trách phận vì luôn gặp thất bại, hãy tập trung vào thứ chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát: THÁI ĐỘ của chính mình.
 
Những bài học quý giá nhất trong đời thường đau đớn và rất khó để chúng ta có thể giữ một thái độ tỉnh táo. Đây là bài học thử thách sự linh hoạt và sẵn sàng học hỏi của bạn. Và nếu chúng ta không biết kịp thời nắm lấy cơ hội ấy, nó sẽ trở thành những bài học quá đắt.

1. Bước đầu tiên luôn là bước khó khăn nhất.

Khi bạn muốn đạt được điều gì quan trọng, bước đầu tiên chắc chắn luôn là bước đầy thử thách, thậm chí đáng sợ. Nhưng khi bạn dám cất bước và hành động, mọi lo lắng sợ hãi sẽ tự tan biến. Những người dấn thân nhất không phải vì họ mạnh mẽ hơn tất cả chúng ta mà đơn giản, họ hiểu rằng điều đó sẽ mang lại kết quả to lớn. Họ biết nỗi đau của việc bắt đầu là không thể tránh khỏi nhưng trì hoãn nó chỉ khiến nỗi đau dài thêm.
 
2. Bận rộn không đồng nghĩa với hiệu quả.

Hãy nhìn cuộc sống hiện đại quanh bạn, ai cũng bận rộn, hết họp hành lại trả lời hàng tá e-mails. Nhưng ai trong số đó thật sự hiệu quả và thành công? Thành công không đến từ việc di chuyển hay hoạt động liên tục, mà đến từ sự tập trung, sử dùng thời gian một cách hiệu quả nhất. Tất cả chúng ta đều chỉ có 24 giờ một ngày, nên hãy sử dụng khôn ngoan nhất. Kết quả công việc mới là điều quan trọng chứ không phải công sức và bận rộn.

Hãy dành tâm sức vào những nhiệm vụ quan trọng, mang lại kết quả.

3. Đừng ảo tưởng rằng bạn có thể kiểm soát mọi thứ.

Có quá nhiều vấn đề bên ngoài có thể ảnh hưởng đến kết quả công việc.Tuy nhiên, bạn có thể học cách làm chủ cảm xúc và và cách phản ứng trước những bất như ý ngoài tầm kiểm soát. Chính phản ứng của bạn có thể biến sai lầm thành kinh nghiệm và không ảo tưởng về bản thân khi dành được thắng lợi.

4. Bạn khó có thể thành công nếu những người gần gũi bên bạn đều là những kẻ‘thất bại’.

Hãy cố gắng bao quanh mình những người truyền cảm hứng, những tấm gương khiến chúng ta nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn. Và có thể bạn sẽ trở nên như vậy. Còn với những người kéo bạn xuống? Tại sao bạn lại cho phép họ trở thành một phần cuộc sống của mình? Đừng lãng phí thời gian với những người chỉ khiến bạn cảm thấy mình vô dụng, lo lắng, hoặc chán nản. Điều đó có thể khiến bạn trở nên tồi tệ giống như họ. Cuộc đời quá ngắn ngủi, hãy gạt họ ra khỏi cuộc sống của mình.

5. Những trở ngại lớn nhất của bạn đều do tâm tạo.

Hầu như mọi rắc rối phiền phức trong cuộc sống của chúng ta đều bắt nguồn từ 2 cái bẫy: tiếc nuối quá khứ hoặc lo lắng về tương lai. Tâm con người thích du hành xuyên thời gian trở về quá khứ hay lao vào tương lai mà quên mất điều chúng ta có thể kiểm soát ngay trong phút giây này, đó là hiện tại.

6. Giá trị của bạn phải được bắt nguồn từ bên trong.

Khi để sự hài lòng và niềm vui bị ‘tước đoạt’ bởi thói so sánh bản thân với người khác, bạn không còn làm chủ số phận mình. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc vì điều gì đó, đừng để những lời chê bai hay thành công của kẻ khác lấy đi niềm hạnh phúc đó. Chúng ta không thể ‘vô cảm’ trước những gì người ta nói về mình, nhưng đừng so sánh mình với bất cứ ai hay quan trọng hóa quan điểm của họ. Khi đó, dù thiên hạ có nghĩ gì hay làm gì, bạn vẫn không bị lay động bởi niềm tin vào giá trị bản thân bạn bắt nguồn từ bên trong, từ sức mạnh nội tâm. Bạn không bị ảo tưởng hay tuyệt vọng khi được tâng bốc lên mây xanh hay bị dìm xuống hố sâu, bạn hiểu giá trị thật của mình.

7. Không phải ai cũng ủng hộ bạn.

Trên thực tế, đa số mọi người sẽ không ủng hộ bạn. Một số sẽ chê bai dè bỉu, công kích, giận dữ, ghen tỵ, nhưng thật ra tất cả đều không quan trọng như bạn nghĩ, như nhà văn nổi tiếng Dr. Seuss từng nói ‘Những người thực sự quan trọng sẽ không mấy bận tâm, con những kẻ bận tâm lại chẳng mấy quan trọng’. Vì vậy, chúng ta sẽ không cần phí thời gian và sức lực cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy tập trung năng lượng cho những điều ý nghĩa, những con người thưc sự quan trọng trong cuộc sống của bạn.

8. Chẳng có gì là hoàn hảo.

Đừng tìm kiếm sự hoàn hảo bởi nó không tồn tại. Con người luôn phạm sai lầm. Khi biến sự hoàn hảo trở thành mục tiêu, bạn sẽ luôn mắc kẹt trong cảm giác thất bại, khiến bạn muốn từ bỏ nỗ lực. Kèm theo đó là cảm giác tiếc nuối bởi ‘mình có thể làm khác đi’,thay vì bằng lòng với những điều mình đã đạt được, bước tiếp với niềm tin vào tương lai.

9. Nỗi sợ hãi là nguồn gốc của tiếc nuối.

Khi nhìn lại cuộc sống của mình, bạn sẽ cảm thấy buồn đau,hối tiếc không phải bởi những thất bại mà vì những cơ hội mà bạn không dám nắm bắt. Đừng sợ rủi ro. Ai đó từng nói: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bạn là gì? Liệu nó có thể giết chết bạn?”.Mặc dù vậy, chết không phải là điều tồi tệ nhất, điều tồi tệ nhất là để tâm hồn mình chết dần chết mòn trong khi chúng ta đang sống.
 
10. Điều tốt đẹp rồi sẽ đến.

Thành công, hơn hết, luôn đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Diễn giả nổi tiếng Malcolm Gladwell đã từng nói rằng, để trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào, bạn cần 10.000 giờ tập trung luyện tập miệt mài. Nhiều người thành đạt cũng sẽ đồng ý với ý kiến này. Henry Ford đã từng thất bại với hai công ty xe hơi đầu tiên trước khi bắt tay vào xây dựng đế chế Ford ở tuổi 45, nhà văn Harry Bernstein đã người dành cả đời miệt mài viết lách trước khi trở thành tác giả best seller ở tuổi 96. Khi thành công, bạn sẽ nhận ra rằng con đường dẫn đến thành công chính là điều tuyệt vời nhất.
 
Tóm lại, những người thành công không bao giờ ngừng học hỏi, học từ cả thất bại lẫn thành công, và sẵn sàng thay đổi để trở thành những con người tốt đẹp, hạnh phúc hơn, thành công hơn.
 
Lê Minh
(Theo https://www.entrepreneur.com)

Bài đọc thêm:

THÀNH CÔNG VÀ HẠNH PHÚC: CÁI NÀO ĐẾN TRƯỚC?

TƯ DUY ‘THÀNH CÔNG’ VÀ ‘THẤT BẠI’

KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI BẬN RỘN VÀ NGƯỜI HIỆU QUẢ