10 NGHIÊN CỨU VỀ TÂM LÝ HỌC TÍCH CỰC LÀM THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM VỀ HẠNH PHÚC

"Mọi người thường chờ đợi cả tuần để mong đến ngày thứ sáu, chờ cả năm để mong đến kỳ nghỉ hè và chờ đợi cả đời mong được hạnh phúc."
 
 Tiến sĩ tâm lý học William Compton miêu tả tâm lý học tích cực là sự tìm kiếm cách thức "làm cho cuộc sống bình thường trở nên viên mãn hơn". Các nhà khoa học sử dụng nhiều phương pháp như giả thuyết, dự đoán, nghiên cứu, khảo sát, phân tích…để tìm hiểu các khía cạnh tích cực và cảm xúc của hành vi con người. Đó là sự nghiên cứu về những hành động, lý tưởng, động lực góp phần tạo nên một cuộc sống tốt đẹp.
 
Càng đi sâu tìm hiểu và khám phá tâm lý học tích cực, tôi càng nghiệm ra rằng hạnh phúc hiếm khi được tìm thấy trong của cải vật chất hoặc theo đuổi lạc thú thế gian. Cuộc sống trọn vẹn nhất khi chúng được sống vì những lý tưởng cao cả hơn.
 
Những yếu tố này vốn luôn sẵn có bất kể tài sản, hoàn cảnh, hay địa vị xã hội của mỗi người. Tất cả phụ thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta.
 
1. Từ giàu có đến chất lượng cuộc sống

Nghiên cứu của Trường Thương Mại Harvard, 2009. 

Mặc dù dường như có những tương quan nhất định giữa hạnh phúc và thu nhập khi những nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng, nhưng con người có xu hướng đề cao thái quá mức độ ảnh hưởng của sự giàu có đối với hạnh phúc. Thái quá đến mức nào ? Theo nghiên cứu này, chúng ta thường phóng đại 100%. Tiền bạc không mang lại nhiều hạnh phúc như mọi người vẫn tưởng.

2. Trải nghiệm chứ không phải sở hữu mang lại cảm giác hạnh phúc

Đại học San Francisco, 2009. 

Nghiên cứu chứng minh rằngviệc mua trải nghiệm, chẳng hạn như một chuyến đi xa, tham dự một buổi hòa nhạc làm gia tăng chất lượng cuộc sống hơn là việc tích trữ đồ vật sở hữu. Những kinh nghiệm này có xu hướng đáp ứng nhu cầu bậc cao của con người, đặc biệt là nhu cầu về sự kết nối xã hội và sức sống – một cảm giác được sống.

3. Khoa học về lòng biết ơn

Đại học Pennsylvania, 2005. 

Một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên một cuộc sống hạnh phúc là sự bày tỏ lòng biết ơn. Chỉ cần mỗi ngày, bạn thể hiện niềm tri ân với 3 điều tốt đẹp đang hiện diện trong cuộc sống của bạn (‘Tôi biết ơn vì…), chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc một cách rõ ràng hơn.
 
4. Niềm tin, Đạo đức, và Hóc môn tình yêu (oxytocin).

Đại Học Claremont Graduate, 2011. 

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, các nhà tâm lý học tin rằng niềm tin, sự cảm thông và sự tử tế tăng lên khi mức oxytocin tăng lên. Nhà Kinh tế học thần kinh Paul Zak cho rằng chỉ một hành động đơn giản như tám cái ôm mỗi ngày có thể làm cải thiện lượng hóc môn oxytocin, khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và thế giới cũng trở nên tốt đẹp hơn.
 
5. Để có một ngày tốt đẹp hơn, hãy mỉm cười.

Đại học bang Michigan, 2011.
 
Những người hay mỉm cười vì thường xuyên nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực có thể cải thiện đáng kể và ngay lập tức tâm trạng của họ. Nói một cách đơn giản, một cách dễ dàng để cải thiện tâm trạng của bạn ngay bây giờ là nhớ lại những ký ức đẹp, những điều tốt lành - và mỉm cười vì điều đó.

6. Sự lan tỏa hạnh phúc

Đại học California, San Diego, 2008.
 
Trong nghiên cứu quan trọng này, những người được bao quanh bởi những người hạnh phúc có nhiều khả năng trở nên hạnh phúc trong tương lai. Vì vậy, nếu bạn muốn khám phá thêm hạnh phúc, hãy làm bạn và kết nối với những người lạc quan yêu đời.
 
7. Giá trị của sự tử tế

Đại học British Columbia, 2012.
 
Nghiên cứu này được thực hiện tại một trường tiểu học, những học sinh hay làm những việc tốt, tử tế được các bạn trong trường yêu quý và chấp nhận hơn đáng kể. Nói cách khác, những người tử tế trong hành xử luôn được mọi người yêu quý hơn, uy tín cá nhân của họ cũng cao hơn.
 
8. Những người tập thể dục hàng ngày sống hạnh phúc hơn.

Đại học Bristol, 2008.
 
Tâm trạng của chúng ta cải thiện đáng kể sau khi tập thể dục. Những người thường xuyên tập thể dục làm việc hiệu quả hơn và có khả năng kiểm soát stress tốt hơn.

9. Tham gia công tác tình nguyện viên cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần

Đại học Exeter Medical School, 2013.
 
Bằng chứng cho thấy tham gia công tác tình nguyện rất có lợi cho sức khoẻ tinh thần và thậm chí là kỹ năng sống còn. Dành thời gian cho các hoạt động thiện nguyện không chỉ cải thiện sự tự tin, cảm giác hài lòng trong cuộc sống, nó còn giúp chúng ta giảm bệnh trầm cảm và nguy cơ chết trẻ.
 
10. Cho đi cải thiện hạnh phúc.

Đại học California Berkeley, 2008.
 
Nghiên cứu này cho thấy cách mọi người tiêu tiền cũng quan trọng như việc họ kiếm tiền. Cụ thể, chi tiêu nhiều hơn vì lợi ích của người khác sẽ đem lại hạnh phúc lớn hơn. Vì vậy, hãy thực hành cho đi, bố thí, cúng dường. Bạn sẽ hạnh phúc vì đã làm điều đó !

NguyênThảo
(Theo https://www.becomingminimalist.com)