10 vấn đề tâm lý xuất phát từ sai lầm trong nuôi dạy con cái của cha mẹ

Đối với hầu hết các vấn đề tâm lý, nguyên nhân đôi khi xuất phát từ những lý do nhỏ nhặt: Đó là những vết hằn cảm xúc từ thời ấu thơ.

Có những đặc điểm tính cách điển hình được hình thành từ tác động của những hành vi tưởng chừng hết sức bình thường của cha mẹ.

1. Lo âu thái quá, thiếu khả năng tự lập.

Những ông bố bà mẹ “cảnh sát” luôn theo dõi, chăm bẵm và săm soi cuộc sống của con cái. Họ có ý tốt nhưng bao bọc con quá đà như vậy có thể dẫn tới vấn đề tâm lý. Nếu bạn không thể đưa ra một quyết định quan trọng mà không phải gọi điện cho cha mẹ, có lẽ bạn đã từng là một đứa trẻ như vậy.

2. Nghiện ngập và thích những trò nguy hiểm.
Nếu cha mẹ thường xuyên đay nghiến con cái về những lỗi lầm do chúng đã gây ra, con sẽ tin rằng mình thật vô dụng, và sự hiện diện của mình không có giá trị đối với mọi người. Kết quả là, khi trưởng thành, trẻ có xu hướng hủy hoại bản thân một cách vô thức như lao vào rượu chè, ma túy, nghiện ngập hay sa vào những trò chơi nguy hiểm. 

3. Không thể thảnh thơi và thư giãn hoàn toàn.

“Nghiêm túc đi nào!” “Đừng nghịch ngợm vớ vẩn!” “Đừng có trẻ con như thế!” Những lời nói lặp đi lặp lại như vậy sẽ khiến con em chúng ta lớn lên trở thành những người nghiêm nghị thái quá, không biết cách nghỉ ngơi thư giãn, không hiểu tâm lý trẻ nhỏ và ghét những người ‘thiếu chin chắn’.

4. Mặc cảm tự ti, mong muốn được giống như người khác.

Những bậc phụ huynh hay so sánh con mình với “con nhà người ta” sẽ biến con thành một thiếu niên quá khắt khe với bản thân, và khi trưởng thành dễ trở nên  mặc cảm tự ti. Chúng có thể luôn cố gắng làm tốt hơn nữa, nhưng lại căm ghét bản thân vì tự cho mình kém cỏi.

5. Gặp vấn đề trong cuộc sống cá nhân.
Suốt ngày dặn con không được tin bất kỳ ai sẽ khiến cho con nhìn nhận thế giới là một nơi đầy thù địch, đâu đâu cũng là cạm bẫy. Sau này, con rất khó xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp dựa trên niềm tin, sống hoài nghi, khó hòa nhập.

6. Tìm kiếm một người bạn đời giống như cha mẹ.

“Con quá nhỏ để làm việc này!” Đây là cách hoàn hảo để nuôi dạy nên một “trẻ to đầu”. Đứa trẻ này có lẽ sẽ mãi còn “quá nhỏ”, sống phụ thuộc và cần một người bạn đời giống như cha mẹ mình vậy.

7. Kìm hãm năng lực bản thân, bị động, sa vào những hình thức giải trí không lành mạnh.

Nếu cha mẹ thường xuyên nói những lời như “Đừng có trứng khôn hơn vịt!”, ‘Đừng tưởng mày thông minh!’ hay “Đừng mơ mộng vớ vẩn nữa!”, con sẽ trở nên thiếu chính kiến, bị động hoặc không phát triển được năng lực lãnh đạo. Khi trưởng thành, họ sống thiếu hoài bão, dễ sa vào rượu chè, chơi bời.

8. Sống khép mình, đè nén cảm xúc.
Cha mẹ không cảm thông và cư xử thiếu tế nhị sẽ ăn sâu vào tiềm thức của con. Khi thường xuyên bị bắt phải nín khóc hay ngừng than phiền, con sẽ trở nên khép mình, thiếu cởi mở. Những cảm xúc bị đè nén là mầm mống của những vấn để tâm lý thần kinh sau này.

9. Trầm cảm, mặc cảm tội lỗi.

“Cha mẹ phải hi sinh đủ thứ thì con mới được học hành tử tế như thế!” Mặc cảm tội lỗi không đáng có như vậy sẽ in sâu trong tâm trí đứa trẻ. Những lời đe dọa không được để bị điểm kém cũng có tác động như vậy - con sẽ thường xuyên phải sống trong căng thẳng.
10. Thiếu khả năng tự lập, thụ động.

Có một kiểu cha mẹ đặc biệt bao bọc con đến mức độ cực đoan, gần như chẳng cho phép con làm gì tự nhiên. “Đừng chạm vào con mèo, nó cào cho bây giờ!” “Đừng ngồi trên cạnh rìa thế kia!”, ‘Đừng chạy, ngã đấy!”. Những thông điệp cảnh báo tiêu cực liên tục như vậy sẽ khiến con sợ đưa ra quyết định, đồng thời trở nên thụ động và thiếu trách nhiệm.
TườngVy
(Theo https://brightside.me)