3 điều cần ghi nhớ để có một ngày làm việc hiệu quả

Thời gian không phân biệt với bất cứ ai. Giám đốc điều hành một tập đoàn đa quốc gia hay một sinh viên mới ra trường cũng đều có 168 giờ 1 tuần để sống và làm việc.

Một số người có thể hoàn thành rất nhiều việc mỗi tuần, trong khi đa số phải khổ sở chật vật hoàn tất công việc của mình.

Tại sao vậy? Cách tốt nhất để phân chia và sử dụng thời gian hiệu quả và đạt được kết quả mong muốn là gì? Những người thành công đã sử dụng 168 giờ mỗi tuần của họ như thế nào?

Bạn hãy ghi nhớ 3 điểm mấu chốt dưới đây:

Thói quen

“Đừng mong đợi bạn sẽ tìm thấy động lực làm việc mỗi ngày. Không có chuyện đó đâu. Hãy dựa vào kỉ luật, đừng dựa vào động lực.” – Jocko Willink

Jocko Willink đã từng là một sĩ quan hải quân và hiện đang là một blogger khá nổi tiếng. Anh thường xuyên dậy từ 4h30 sáng để tập thể dục cường độ cao trước khi bắt đầu công việc hay bất kì nhiệm vụ quan trọng nào trong ngày. 

Trên Instagram, anh thường đăng những bức ảnh chụp lại màn hình đồng hồ mỗi khi thức giấc, và sau đó là vài bức ảnh đen trắng thể hiện việc tập luyện của mình, kèm theo những lời chú thích để khích lệ hàng nghìn người theo dõi anh ta “Hành động.”

Willink đã tạo được thói quen dậy sớm mỗi ngày. Có thể không cần phải dậy từ 4:30 sáng như Willink, nhưng bạn có thể rèn luyện thói quen dậy sớm và bắt tay vào những việc quan trọng nhất trong ngày.

Việc rèn luyện thói quen cũng giống như việc ‘bỏ ống heo’ vậy, nó cần sự kiên trì và đều đặn ban đầu, tích tiểu thành đại. Đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành phản xạ tự nhiên, bạn không cần phải cố gắng.

Năng lượng

“Thất bại trong khâu chuẩn bị chính là sự chuẩn bị cho thất bại.” – Benjamin Franklin

Trong cuốn tự truyện của mình, Benjamin Franklin - một trong những nhà lập quốc vĩ đại của nước Mỹ, đã mô tả việc tận dụng tối đa một ngày làm việc bình thường của mình.

Cũng giống như vị sĩ quan hải quân ở trên, Franklin thường dậy từ 5:00 sáng và bắt đầu ngày mới với công việc ông cho là quan trọng nhất. Mỗi khi thức dậy ông thường tự nhủ với bản thân rằng “Hôm nay mình nên làm điều gì tốt đẹp?”

Đến tối, Franklin sẽ sắp xếp mọi thứ gọn gàng và nhìn lại một ngày làm việc của mình, những gì đã làm được và những gì chưa làm được.

Nói cách khác, Franklin biết thời điểm nào ông cảm thấy đầy năng lượng nhất để hoàn thành những việc khó (buổi sáng), thời điểm khi nào thích hợp với những công việc đơn giản hơn (buổi chiều) và đâu là lúc nhìn lại mình để chuẩn bị tốt hơn cho ngày hôm sau (trước khi ngủ và sau khi thức dậy).

Chủ đề


“Những cơ hội và ý tưởng tuyệt vời thường bị bỏ lỡ vì chúng ta nói “có” với quá nhiều thứ.” – Tim Ferriss

Là bậc thầy về năng suất làm việc, Tim Ferris tin vào sức mạnh của việc tập trung công việc.

Khi đang cần hoàn tất một dự án, như viết sách chẳng hạn, Ferris thường đặt ra cho mình những quy tắc nhất định. Theo đó, anh thực hiện chế độ “không họp hành” hoặc “không điện thoại”… và chỉ tập trung duy nhất vào việc viết lách.

Ferris chia sẻ anh thường tránh làm các hoạt động không liên quan đến dự án sách của mình trong lúc đang tập trung vào dự án đó.

Bạn có thể không viết sách như Ferris, nhưng có thể dành nguyên một ngày hoặc nguyên tuần cho một dự án hay công việc quan trọng và không để những việc khác xen vào.

Ví dụ, bạn có thể dành thứ Hai để lên kế hoạch kinh doanh, thứ Ba để nghiên cứu khách hàng, thứ Tư để marketing, v.v.

Sử dụng một tuần của bạn một cách khôn ngoan

Để quản lý thời gian hiệu quả, bạn cần tự quyết sẽ sử dụng quỹ thời gian của mình như thế nào, thay vì làm việc một cách thụ động và để ai đó ‘quyết hộ’ cho mình.

Hãy tạo thói quen tích cực và kiên trì thực hiện mỗi ngày, hiểu bản thân mình để quyết định khi nào nên làm việc gì và sắp xếp lịch làm việc theo từng chủ đề để tận dụng sức mạnh của sự tập trung.

168 giờ mỗi tuần của bạn có thể là nhiều hay ít, hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn sử dụng nó. 



Tường Vy
(Theo www.forbes.com)