Những điều cần biết về Cận tử nghiệp

Theo quan niệm Đạo Phật, những tư tưởng, tâm niệm cuối cùng của người hấp hối có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định cảnh giới tái sinh kế tiếp của người đó. Dù một người đã từng tạo nhiều ác nghiệp trong đời, nhưng nếu vào thời khắc lâm chung, tâm họ khởi những niệm thiện lành, buông bỏ mọi bám chấp, họ vẫn có thể có một tái sinh an lành. Ngược lại, một người trong đời sống hành thiện rất nhiều nhưng nếu không kiểm soát được tâm vào lúc chết thì vẫn có thể bị đoạ vào cảnh giới thấp.


Cận tử nghiệp là nghiệp được tạo tác sau cùng trước khi một người chết hoàn toàn. Đa phần đó là ý nghiệp hay trạng thái của tâm của người hấp hối. Nếu đó là những cảm xúc tiêu cực như hận thù, tham luyến, hoảng loạn sẽ khiến ta tái sinh vào một trong các cảnh khổ. Nếu tâm niệm sau cùng là thiện lành, tự tại buông bỏ mọi bám chấp sẽ giúp chúng ta có một tái sinh tốt lành, đây gọi là Cận tử nghiệp. 

Vua A Dục là một vị hoàng đế lẫy lừng trong lịch sử, một bậc đại Hộ trì Phật pháp, có công lớn trong việc hoằng truyền Phật giáo. Chuyện kể rằng, khi sắp lâm chung, nhà vua ra lệnh đem của cải trong kho ra bố thí cho thần dân, nhưng vị quan giữ kho lại ra sức phản đối, điều này làm ngài rất tức giận trước khi chết. Tâm hận thù đó khiến Ngài đầu thai làm con rắn độc trong vườn ngự uyển và chờ cơ hội trả thù vị quan kia. Câu chuyện về một vị hoàng đế với công đức hoằng dương Phật pháp lớn lao như vậy bị đoạ làm súc sinh chỉ vì không kiểm soát được tâm sân là một bài pháp vĩ đại cho chúng ta.

Chúng ta thường nghe mọi người nói rằng ‘Bố tôi/mẹ tôi/Ông/bà tôi đã ra đi thanh thản’, nhưng họ có thực sự ‘ra đi thanh thản’ như chúng ta nghĩ hay không? Điều này không hề chắc chắn. Một người lúc còn sống dễ bị kích động, thường xuyên để những cảm xúc buồn thương giận ghét, thương lo buồn tủi chi phối, thì vào lúc lâm chung, họ sẽ rất lo lắng, sợ hãi và không thể định tâm được.

Đặc biệt, nếu môi trường xung quanh người hấp hối lại hỗn loạn với cảnh con cháu khóc lóc, người thân hoảng loạn…, điều đó ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm trạng của người sắp lâm chung hay cận tử nghiệp của họ. Bởi vậy, khi một người có dấu hiệu đang cận kề cái chết, người nhà cần biết cách an ủi động viên để họ buông xả mọi bám chấp, liên tục nhắc nhở những thiện nghiệp họ từng tạo ra và tránh gợi lên trong họ những cảm xúc tiêu cực.

Đối với một hành giả thực hành Phật pháp thì cái chết chính là bài kiểm tra cuối cùng, quan trọng nhất về việc họ đã tu tập ra sao trong khi còn sống.

Làm gì để có một cái chết bình an

Con người bị chi phối mạnh mẽ bởi thói quen, bởi vậy, những gì chúng ta thường xuyên suy nghĩ, nói năng và hành động mỗi ngày sẽ hằn sâu trong tâm thức và cứ thế sai sử chúng ta suốt đời. Nếu khi còn sống ta không biết cách chuyển hoá những cảm xúc tham ái, sân hận, si mê, kiêu mạn, đố kị của mình thì chính những độc tố tham sân si ấy lại tiếp tục dấy khởi lúc lâm chung và kéo chúng ta đoạ vào những cảnh giới khổ đau bên kia cửa tử.

Để có thể đối diện với cái chết một cách bình thản, không sợ hãi, điều chúng ta cần làm là phải rèn luyện tâm mình ngay từ bây giờ. Đó chính là sự chuẩn bị hành trang cho cái chết - là việc hệ trọng của đời người mà chúng ta phải dũng cảm đối diện, không được né tránh.

Phật dạy chúng ta nên thực tập suy ngẫm về cái chết - vô thường có thể xảy đến bất cứ lúc nào, ở đâu, như một sự chuẩn bị tâm lý, giúp mình có thêm động lực sống tích cực và ý nghĩa hơn ngay trong giờ phút hiện tại.

Tu tập thiền định chính là cách giúp chúng ta rèn luyện và thấu hiểu tâm mình, tăng trưởng định lực và tự tại trước nghịch cảnh.

Tích luỹ công đức bằng việc thực hành thiện nghiệp thôi vẫn chưa đủ để đảm bảo cho chúng ta một tái sinh tốt đẹp. Ngoài những việc thiện chúng ta đã làm, chính thói quen tập khí tích cực chúng ta đã thiết lập khi còn sống và đặc biệt là sức mạnh nội tâm, sẽ giúp chúng ta giữ được tâm an ổn, hỷ xả, và tràn đầy tình yêu thương vào thời khắc lâm chung. Đó là nguồn năng lực mạnh mẽ nhất dẫn chúng ta đến một tái sinh an lành.

Cận tử nghiệp có thể lôi chúng ta xuống địa ngục, nhưng cũng có thể đưa chúng ta vào cõi Tịnh độ. Tất cả đều phụ thuộc vào sự thực hành của mỗi chúng ta.


(Pháp Nhiên)
​​​​​​​