Ba Hạng Người

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những người hưởng đời sống nhàn hạ từ nhỏ đến lúc lâm chung, lại có những người vất vả bon chen, đến già còn phải chịu cảnh nghèo đói, cô độc… Dước góc nhìn của nhà Phật, chúng ta được chia làm ba hạng người:
 
- Một là người vừa đủ phước để sống an ổn tới chết, qua kiếp sau không còn phước nữa

- Hai là phước không đủ sống một đời;

- Ba là người phước dư đem theo qua cõi bên kia.

Phước mang theo rất quan trọng nhưng không phải ai cũng có. Nói một cách đơn giản, phước giống như tiền tiết kiệm chúng ta gửi ngân hàng để đề phòng những lúc ‘trái gió trở trời’, lúc bệnh hoạn đau yếu. Phước nhiều hay ít phụ thuộc vào nghiệp chúng ta đã tạo trong vô số kiếp trước và đặc biệt là trong kiếp sống này. Nếu chỉ biết tiêu sài hoang phí mà không biết nỗ lực làm việc và để dành thì sớm hay muộn chúng ta sẽ phá sản. Cũng như vậy, để được làm hạng người còn phước mang theo, chúng ta phải biết tu tập, làm nhiều việc thiện lành. Ai cũng cần quan tâm đến điều này, nhất là người trẻ tuổi, vì cuộc đời họ còn dài, còn nhiều cơ hội và thời gian hơn những người lớn tuổi.
 
Phàm phu không biết được cảnh giới bên kia cửa tử là gì. Nhiều người cho rằng chết là hết, nhưng sự thật không như vậy. Thân xác này có thể không còn nữa, nhưng thần thức sẽ tiếp tục mang theo tất cả những nghiệp thiện ác chúng ta đã tạo để đi tìm cảnh giới tái sinh tiếp theo. Nếu không giác ngộ tỉnh thức thì chúng ta còn bị tiếp tục trôi lăn trong luân hồi. Nếu không đủ phước báu thì những gì chúng ta phải đối mặt phía trước có thể là địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh…

Đức Phật là bậc đại trí, đại từ, đại bi với tầm nhìn siêu việt những giác quan hạn hẹp của con người. Ngài đã thấu triệt được bản chất của vạn pháp và sự vận hành của đời sống luân hồi. Bởi vậy, tất cả những lời Phật dạy không có một mục đích nào khác ngoài việc giúp chúng ta thoát khỏi khổ đau và được hạnh phúc an vui.

Người lớn tuổi không biết phước mình còn bao nhiêu, có đủ đem qua bên kia không. Tuy nhiên, dù có nhiều hay ít phước thì chúng ta luôn phải ý thức rằng phước đức là thứ cần được bồi đắp liên tục, và chúng ta còn ít thời gian để tạo thêm phước. Đó là tư duy đúng đắn, vừa giúp ta không bị tổn phước, vừa tạo động lực cho ta làm nhiều việc tốt hơn nữa và sống quãng đời còn lại sao cho ý nghĩa lợi lạc nhất.
 
Người già rất khó để làm việc tích phước vì sức khỏe yếu lại sống nhờ cậy vào con cái. Tuy nhiên, nếu biết lấy đức của ông bà, đức cha mẹ để dạy con làm việc thiện thì cả mình và con cùng có phước. Ngoài ra, người lớn tuổi biết dốc hết sức để tu tập thì nương nhờ ân đức và hạnh nguyện của chư Phật, khi qua cõi bên kia không bị đọa nơi ác đạo.
 
Thường người trẻ tuổi luôn nghĩ mình có nhiều thời gian nên chỉ thích hưởng thụ, không lo tạo phước, sau này giật mình nhìn lại thì không kịp nữa vì thời gian trôi rất nhanh. Nếu người trẻ tuổi mà ý thức được việc làm thiện, tích luỹ phước đức để đem theo là người có trí.
 
Có ba việc đem lại nhiều phước nhất mà người trẻ tuổi nên làm là: đóng góp cống hiến nhiều cho đời, cho đạo; bớt hưởng thụ và tinh tấn tu nhân tích đức.


(Quang Minh tổng hợp)