Sự công bằng
02/11/2024 - 07:16
Lượt xem: 45 lượt
Không biết trong đầu óc chúng ta có một trung tâm thần kinh của sự công bằng hay không, nhưng mọi người bình thường đều yêu thích, đam mê sự công bằng. Ai trong chúng ta cũng thấy lịch sử nhân loại là một vận động đi tìm và tiến đến sự công bằng. Những cuộc cải cách, những cuộc cách mạng, thậm chí những cuộc chiến tranh cho đến những thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội đều để tiến bộ về phía công bằng. Pháp luật, kinh tế, xã hội, chính trị được xem là tiến bộ hơn khi chúng tạo được nhiều công bằng hơn. Ngày nay, người ta thấy cần phải phát triển bền vững, phát triển trong sự cân bằng sinh thái, nghĩa là phát triển trong một thái độ công bằng với thiên nhiên.
Công bằng là sự tiến bộ, tiến hóa. Công bằng là giá trị. Mọi con người phát triển cao dù ở bất cứ lĩnh vực nào của xã hội đều có đức tính công bằng. Chúng ta đã nghe bao giờ có một nhà Nobel khoa học mà phân biệt chủng tộc? Một người tốt, đúng, và cao đẹp phải là một người công bằng.
Điều này cũng được phản ảnh trong ngôn ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp. The justice (la justice) có nghĩa là sự công bằng, công lý, luật pháp, chính nghĩa. Tính từ just (juste) có nghĩa là đúng đắn, công chính, chính đáng, trung thực.
Ngay từ nhỏ chúng ta đã được cha mẹ dạy cho sự công bằng. Mua về mỗi đứa một gói kẹo, đứa nào cũng có phần, anh không thể giành hết của em hay ngược lại. Ở lớp, trò nào thuộc bài, làm bài được thì có điểm cao, trò nào không thuộc bài, không làm bài được thì có điểm thấp. Không thể ngược lại, vì ngược lại là bất công. Lớn lên chúng ta biết xếp hàng, ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau. Ra đường, đèn đỏ không được chạy qua, phải đứng lại như mọi người. Mọi trật tự xã hội đều do công bằng mà có.
Cho đến khi trưởng thành, chúng ta đều có ý thức về công bằng. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nghĩa là pháp luật thì công bằng đối với mọi công dân. Những quyền căn bản của con người đều công bằng với tất cả mọi người, nghĩa là mọi người đều bình đẳng có được những quyền căn bản. Chúng ta đều có mỗi người một xấp lá phiếu để bầu cử, không ai có thể có hai xấp, không ai không có xấp nào, trừ trường hợp mất quyền công dân vì vi phạm pháp luật.
Càng trưởng thành chúng ta càng có ý thức công bằng nơi chính mình: tôi phải công bằng với những người khác, tôi không thể mua bằng khi không học hay không đủ sức học; tôi không thể tìm cách bòn rút của công; tôi không thể làm lợi cho tôi bằng cách làm hại cho người khác… Làm như thế là tôi không công bằng với chính mình. Tôi đặt tôi lên trên mọi người khác một cách vô căn cứ. Tôi ăn gian, tôi chơi gian. Ý thức về sự công bằng giữa chính mình và người khác khiến chúng ta càng tiến bộ đến con người hoàn thiện.
Làm người, là làm sự công bằng. Nói thế nghĩa là chúng ta phải luôn luôn trau dồi đức tính công bằng nếu chúng ta muốn càng ngày càng nhiều tính người hơn, càng là người đúng đắn, tốt đẹp hơn. Công bằng là không thể thiếu trong sự tự hoàn thiện mình.
Tây phương hay dùng chữ công bằng. Đạo Phật thường dùng chữ bình đẳng. Bình đẳng, trong ý nghĩa Đông phương, thì sâu xa hơn công bằng, vì bình đẳng không chỉ nhằm đến thế giới hiện tượng, thế giới hình tướng, mà còn nhắm đến thế giới bản thể, bản tánh.
Đạo Phật nói: Chúng ta bình đẳng với tất cả các bậc giác ngộ, vì chúng ta đồng một bản tánh Phật, đồng một bản tánh Giác, với tất cả các bậc giác ngộ, dù chúng ta có thể không biết rõ bản tánh đó. Ở đây chúng ta thấy chúng ta không chỉ có sự bình đẳng tương đối (về xã hội, kinh tế, chính trị…) mà còn có sự bình đẳng tuyệt đối. Đạo Phật không chỉ giải phóng chúng ta ở bình diện thế giới hiện tượng, mà còn giải phóng chúng ta vào thế giới của bản tánh bình đẳng và tự do tuyệt đối.
Ai trong chúng ta cũng đều có thể đi từ sự bình đẳng tương đối hàng ngày để đến bản tánh bình đẳng tuyệt đối, là cốt lõi của đạo Phật. Sự bình đẳng tương đối của con người xã hội của chúng ta là cơ sở để chúng ta phóng mình vào sự bình đẳng tuyệt đối vốn là con người đích thật của chúng ta.
Những kẻ thù trực tiếp của công bằng và bình đẳng, và nói chung, của chân lý khách quan, là tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ… Đó là những trói buộc, che đậy (triền cái) chúng ta đối với sự tự do bình đẳng rốt ráo của chúng ta, đối với sự thật khách quan của đời sống trước mắt. Đạo Phật cho chúng ta thấy rõ những đối địch ấy, đồng thời có đầy đủ những phương pháp để phá tan những ràng buộc và che đậy ấy. Tóm lại, đạo Phật rất hữu hiệu để cho chúng ta thực chứng được, sống được sự tự do bình đẳng tuyệt đối vốn có sẵn trong tâm thức mỗi người.
Trên con đường đi đến sự thể nghiệm sự tự do và bình đẳng tuyệt đối, chúng ta đều có thể thể nghiệm sự bình đẳng mỗi ngày nơi thân tâm chúng ta. Ý thức về công bằng, bình đẳng, dù ở mức độ thấp của một con người bình thường, ít nhất, cũng làm cho chúng ta bình an. Sự công bằng bình đẳng được khám phá mỗi ngày đem lại cho chúng ta bình an, không phiền não, không gây thêm phiền não cho mình và cho người. Trái lại, sự bất công, bất bình đẳng chắc chắn đem lại khổ đau cho chính chúng ta và người khác. Sự công bằng, bình đẳng càng có nhiều nơi chúng ta, cuộc đời của chúng ta càng an vui, hạnh phúc. Dần dần, chúng ta sẽ khám phá ra và sống trong một chân lý của đạo Phật: tâm bình thì thế giới bình.
(Nguyễn Thế Đăng - Văn Hoá Phật Giáo)
Công bằng là sự tiến bộ, tiến hóa. Công bằng là giá trị. Mọi con người phát triển cao dù ở bất cứ lĩnh vực nào của xã hội đều có đức tính công bằng. Chúng ta đã nghe bao giờ có một nhà Nobel khoa học mà phân biệt chủng tộc? Một người tốt, đúng, và cao đẹp phải là một người công bằng.
Điều này cũng được phản ảnh trong ngôn ngữ, tiếng Anh và tiếng Pháp. The justice (la justice) có nghĩa là sự công bằng, công lý, luật pháp, chính nghĩa. Tính từ just (juste) có nghĩa là đúng đắn, công chính, chính đáng, trung thực.
Ngay từ nhỏ chúng ta đã được cha mẹ dạy cho sự công bằng. Mua về mỗi đứa một gói kẹo, đứa nào cũng có phần, anh không thể giành hết của em hay ngược lại. Ở lớp, trò nào thuộc bài, làm bài được thì có điểm cao, trò nào không thuộc bài, không làm bài được thì có điểm thấp. Không thể ngược lại, vì ngược lại là bất công. Lớn lên chúng ta biết xếp hàng, ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau. Ra đường, đèn đỏ không được chạy qua, phải đứng lại như mọi người. Mọi trật tự xã hội đều do công bằng mà có.
Cho đến khi trưởng thành, chúng ta đều có ý thức về công bằng. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nghĩa là pháp luật thì công bằng đối với mọi công dân. Những quyền căn bản của con người đều công bằng với tất cả mọi người, nghĩa là mọi người đều bình đẳng có được những quyền căn bản. Chúng ta đều có mỗi người một xấp lá phiếu để bầu cử, không ai có thể có hai xấp, không ai không có xấp nào, trừ trường hợp mất quyền công dân vì vi phạm pháp luật.
Càng trưởng thành chúng ta càng có ý thức công bằng nơi chính mình: tôi phải công bằng với những người khác, tôi không thể mua bằng khi không học hay không đủ sức học; tôi không thể tìm cách bòn rút của công; tôi không thể làm lợi cho tôi bằng cách làm hại cho người khác… Làm như thế là tôi không công bằng với chính mình. Tôi đặt tôi lên trên mọi người khác một cách vô căn cứ. Tôi ăn gian, tôi chơi gian. Ý thức về sự công bằng giữa chính mình và người khác khiến chúng ta càng tiến bộ đến con người hoàn thiện.
Làm người, là làm sự công bằng. Nói thế nghĩa là chúng ta phải luôn luôn trau dồi đức tính công bằng nếu chúng ta muốn càng ngày càng nhiều tính người hơn, càng là người đúng đắn, tốt đẹp hơn. Công bằng là không thể thiếu trong sự tự hoàn thiện mình.
Tây phương hay dùng chữ công bằng. Đạo Phật thường dùng chữ bình đẳng. Bình đẳng, trong ý nghĩa Đông phương, thì sâu xa hơn công bằng, vì bình đẳng không chỉ nhằm đến thế giới hiện tượng, thế giới hình tướng, mà còn nhắm đến thế giới bản thể, bản tánh.
Đạo Phật nói: Chúng ta bình đẳng với tất cả các bậc giác ngộ, vì chúng ta đồng một bản tánh Phật, đồng một bản tánh Giác, với tất cả các bậc giác ngộ, dù chúng ta có thể không biết rõ bản tánh đó. Ở đây chúng ta thấy chúng ta không chỉ có sự bình đẳng tương đối (về xã hội, kinh tế, chính trị…) mà còn có sự bình đẳng tuyệt đối. Đạo Phật không chỉ giải phóng chúng ta ở bình diện thế giới hiện tượng, mà còn giải phóng chúng ta vào thế giới của bản tánh bình đẳng và tự do tuyệt đối.
Ai trong chúng ta cũng đều có thể đi từ sự bình đẳng tương đối hàng ngày để đến bản tánh bình đẳng tuyệt đối, là cốt lõi của đạo Phật. Sự bình đẳng tương đối của con người xã hội của chúng ta là cơ sở để chúng ta phóng mình vào sự bình đẳng tuyệt đối vốn là con người đích thật của chúng ta.
Những kẻ thù trực tiếp của công bằng và bình đẳng, và nói chung, của chân lý khách quan, là tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ… Đó là những trói buộc, che đậy (triền cái) chúng ta đối với sự tự do bình đẳng rốt ráo của chúng ta, đối với sự thật khách quan của đời sống trước mắt. Đạo Phật cho chúng ta thấy rõ những đối địch ấy, đồng thời có đầy đủ những phương pháp để phá tan những ràng buộc và che đậy ấy. Tóm lại, đạo Phật rất hữu hiệu để cho chúng ta thực chứng được, sống được sự tự do bình đẳng tuyệt đối vốn có sẵn trong tâm thức mỗi người.
Trên con đường đi đến sự thể nghiệm sự tự do và bình đẳng tuyệt đối, chúng ta đều có thể thể nghiệm sự bình đẳng mỗi ngày nơi thân tâm chúng ta. Ý thức về công bằng, bình đẳng, dù ở mức độ thấp của một con người bình thường, ít nhất, cũng làm cho chúng ta bình an. Sự công bằng bình đẳng được khám phá mỗi ngày đem lại cho chúng ta bình an, không phiền não, không gây thêm phiền não cho mình và cho người. Trái lại, sự bất công, bất bình đẳng chắc chắn đem lại khổ đau cho chính chúng ta và người khác. Sự công bằng, bình đẳng càng có nhiều nơi chúng ta, cuộc đời của chúng ta càng an vui, hạnh phúc. Dần dần, chúng ta sẽ khám phá ra và sống trong một chân lý của đạo Phật: tâm bình thì thế giới bình.
(Nguyễn Thế Đăng - Văn Hoá Phật Giáo)
- 45 lượt