Bạn có lý do chính đáng để… buồn

Bà tôi sinh năm 1904 và di cư sang Mỹ với gia đình từ nhỏ. Năm 12 tuổi, bà bị mẹ bắt phải nghỉ học và làm việc 12 tiếng một ngày ở một nhà máy sản xuất lốp xe để phụ giúp gia đình. Đến năm 17, vì lý do kinh tế mà gia đình ép bà phải kết hôn với một người đàn ông mà bà không hề yêu. Sau khi kết hôn một thời gian ngắn, bà tỉnh ngộ và đòi ly hôn.

Thời đó, việc ly hôn chưa phổ biến như bây giờ, yêu cầu của bà bị mọi người phản ứng. Không ai hiểu nổi tại sao một người phụ nữ lại không muốn ở bên một người đàn ông tử tế muốn chăm lo cho mình, nhiều người còn gọi bà là loại lẳng lơ. Nhưng bà tôi vẫn kiên quyết và kết thúc cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên, khi trở về nhà, bà không biết rằng ở nhà mọi người trong gia đình đã bàn bạc và nhất trí cho rằng bà bị loạn trí. Theo đúng nghĩa đen. Họ lại ép bà phải vào một trại tâm thần.
 
Trại tâm thần thời bấy giờ không phải những cơ sở sạch đẹp sơn màu trắng tinh như ngày nay, mà đầy rẫy những bác sĩ yếu kém, chẩn đoán cẩu thả và thích thử nghiệm chữa trị bằng phương pháp sốc điện. Bệnh nhân thường bị trói vào giường suốt nhiều giờ liền và bị ép uống những loại thuốc khiến cho bệnh tình thêm trầm trọng. Một số người còn bị cưỡng bức, đánh đập hoặc lạm dụng. Suy cho cùng, họ bị tâm thần mà. Ai sẽ tin lời họ chứ?
 
Bà tôi kể cho tôi tất cả những chuyện này lần đầu tiên không lâu sau sinh nhật 19 tuổi của tôi. Lúc đó tôi có chuyện buồn và tìm đến bà để tâm sự. Tôi thú thật với bà là đang rất tuyệt vọng và có ý định đi trị liệu. Mong muốn được “điều trị” bởi một bác sĩ của tôi đã khiến bà kể lại câu chuyện trên.
Sau khi kể xong, bà nói với tôi: “Suốt quãng thời gian bà ở trong cái địa ngục đó, người ta liên tục tìm cách thuyết phục bà rằng bà cảm thấy buồn bởi thần kinh bà có vấn đề. Nhưng cháu biết bà đã thực sự nhận ra điều gì không?”



Tôi ghé người vào sát hơn, hoàn toàn bị thu hút bởi hình ảnh người bà can trường của tôi, người đã nuôi dạy con cái, vun vén cuộc hôn nhân (thứ hai) của mình, và là một trong những nữ doanh nhân thành công đầu tiên của thời đại bà, mà lại từng bị đưa vào trại tâm thần. “Điều gì hả bà?” Tôi hồi hộp hỏi lại.

“Bà nhận ra rằng không phải bà buồn vì não bộ bà có vấn đề. Bà buồn bởi cuộc đời quá nhiều đau khổ’.

Tôi lo lắng hỏi bà: “Vậy là bà khuyên cháu không nên đi trị liệu à?”

“Không phải,” bà đáp, “ Ý bà là cháu nên thận trọng khi nghe người ta nói rằng uống thuốc có thể giúp ta chữa lành tổn thương tinh thần. Đôi khi, hãy cho phép mình được buồn bởi chúng ta có nhiều ‘lý do chính đáng’ để chấp nhận nỗi buồn. Vì vậy, nếu cháu đang cảm thấy buồn bã, bà nghĩ điều đó cũng bình thường thôi, rồi nó sẽ qua thôi.”

Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại mà các chứng bệnh liên quan đến tâm thần phổ biến rộng rãi đến nỗi như thể ai đó không mắc bệnh mới là bất thường, lời nói của bà càng trở nên chí lí. Người ta sẵn sàng dùng hóa chất, thuốc, rượu, ma túy để ngay lập tức chặn đứng bất cứ dấu hiệu lo âu hay buồn bã nào.

Họ than: “Não tôi không sản sinh ra đủ nội tiết tố serotonin! Chính vì thế nên lúc nào tôi cũng âu sầu!”
Lúc nào cũng quy về vấn đề não bộ, mà chẳng bao giờ tìm hiểu gốc rễ của vấn đề.

Mong các bạn đừng hiểu lầm. Ở đây tôi không có ý chỉ trích việc điều trị tâm lý hay phủ nhận sự tồn tại của các chứng bệnh tâm thần có thật, có cơ sở và đã được y học chứng minh. Tôi biết rằng có những người mắc chứng ảo giác, sợ hãi vô cớ, rối loạn thần kinh và những chứng bệnh gây suy nhược nghiêm trọng sẽ hủy hoại cuộc sống của họ nếu không được điều trị. Trong những trường hợp này, sự can thiệp y tế là cần thiết.

Điều đáng buồn là nhiều người muốn loại bỏ bất cứ dấu hiệu nào của buồn bã hay giận dữ trong cuộc sống bằng cách lạm dụng thuốc. Cảm xúc là một phần tất yếu của đời sống. Chỉ khi trải nghiệm đau khổ của những xúc tình tiêu cực thì chúng ta mới thực sự trân trọng những cảm xúc tích cực. Nói cách khác, có nếm trải khổ đau, nỗi buồn trong cuộc sống thì chúng ta mới có thể thực sự đón nhận hạnh phúc. Nếu không từng trải qua cơn tức giận, chúng ta sẽ không biết trân trọng những phút giây an nhiên tự tại. Không có cảm xúc, chúng ta chỉ là những người máy vô cảm.
 

                                                          Trốn chạy nỗi buồn có nghĩa là bạn đang xa lánh hạnh phúc - Jonathan Safran Foer 
 
Thay vì uống vài viên thuốc an thần với hi vọng rằng chúng sẽ giúp cho tâm mình nhẹ nhàng, hãy học cách nhận diện và chấp nhận nỗi buồn. Hãy nhìn lại cuộc sống, công việc, các mối quan hệ của mình... và tìm cách cải thiện nó. Biết chấp nhận những gì không thể thay đổi và tập trung vào những gì bạn có thể thay đổi được, bao gồm nhận thức, thái độ sống của bản thân, bạn sẽ nhận ra hạnh phúc vốn luôn sẵn có, mọi khó khăn rồi sẽ qua đi.



Ngân Hoàng tổng hợp
(Theo http://violentacres.com )