Bức tường vô hình trong tâm

Trong một thí nghiệm nghiên cứu sinh vật biển, người ta đặt một con cá mập vào một bể chứa lớn và sau đó thả một số con cá mồi nhỏ vào đó. Như những gì chúng ta nghĩ, con cá mập đã nhanh chóng bơi quanh bể, chúng tấn công và ăn hết những con cá nhỏ hơn. 



Các nhà sinh học biển sau đó đã đặt một tấm thủy tinh trong suốt vào bể chứa để tạo thành hai vùng riêng biệt, cá mập ở một bên và những con cá mồi nhỏ ở bên còn lại. Một lần nữa con cá mập nhanh chóng tấn công. Nhưng ở lần này, nó bị đâm sầm vào mảnh thuỷ tinh được chắn ngang trong bể và bị đánh bật lại. Vẫn chưa nản lòng, con cá mập tiếp tục lặp lại hành động này mỗi vài phút, nhưng không có kết quả. Trong khi đó những con cá mồi vẫn bơi xung quanh không hề hấn gì ở phía bên kia của bể chứa. Cuối cùng, sau khoảng một giờ đồng hồ thí nghiệm, con cá mập đã từ bỏ.

Thí nghiệm này tiếp tục được lặp đi lặp lại vài chục lần trong những tuần tiếp theo. Mỗi lần như vậy, con cá mập đã giảm bớt hung hăng và sự nỗ lực tấn công con mồi. Đến cuối cùng, con cá mập đã mệt mỏi và từ bỏ hoàn toàn. Các nhà sinh học sau đó đã tháo bỏ tấm thuỷ tinh trong suốt ra, nhưng điều ngạc nhiên là, con cá mập đã không tấn công những con cá mồi nữa. Con cá mập này đã được huấn luyện để tin rằng, luôn có một rào cản tồn tại giữa nó và con mồi, do đó những con cá mồi có thể bơi bất cứ nơi nào chúng muốn mà không bị tổn hại.
 
Nhiều người trong chúng ta giống như chú cá mập trong câu chuyện trên vậy. Sau khi trải qua những vấp ngã, đau thương hay thất bại, chúng ta đã chán nản và ngừng cố gắng. Chúng ta nghĩ rằng, mình đã từng thất bại không thành công trong quá khứ và tin rằng mình sẽ luôn luôn không thành công như vậy. Nói cách khác, chúng ta tin vào một bức tường vô hình ngăn che mình đạt được thành công mà không nhận ra rằng đó có thể chỉ là vọng tưởng được hình thành bởi những thói quen, kinh nghiệm xưa cũ.
 

(St)