Cha mẹ nên xin lỗi con như thế nào?

Trong mắt mọi người, mọi Phật tử và các hành giả của thời đại mới là những người luôn nở nụ cười nhân hậu, điềm đạm và quảng đại vô tư – với cái tâm trong sáng bay cùng với gió và luôn nói về tình yêu và ánh sáng. Bất cứ ai đang cố gắng nuôi dạy con nhỏ theo cách này hẳn phải hiểu được hình ảnh đó đã thay đổi nhiều như thế nào. Làm cha mẹ thực sự “mệt lử” về cả thể chất và tinh thần. Khi “tuyến phòng thủ” của chúng ta bị suy yếu, ta rất dễ nổi nóng với con cái.

Hãy để bạn được là chính mình. Sống tận tâm đúng nghĩa là người cha người mẹ theo con đường của đạo Phật (hoặc Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo hay Do Thái) không có nghĩa là bạn lúc nào cũng phải giữ phong thái ung dung và vui vẻ mọi lúc mọi nơi. Bản chất ở đây là bạn luôn sống tận tâm về cả thể chất lẫn tinh thần, là bạn luôn ý thức được rằng “Hôm nay mình mệt mỏi căng thẳng quá. Mình không ổn chút nào. Nhưng mình sẽ cố không trút mọi điều đó xuống các con.” Đảm bảo rằng bạn sẽ tuyệt đối không bao giờ làm như thế, cả khi bạn phải giải quyết các đòi hỏi của con về đồ ăn, tiền bạc và sự quan tâm.

Bổn phận của cha mẹ là cố gắng làm mọi điều tốt đẹp nhất cho các con, để bớt các cơn giận chứ tuyệt nhiên không phải cố gắng hoàn hảo mọi lúc. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi các con mình sự hoàn hảo; chúng ta phải thấu hiểu tính cách của con mình và bao dung với những thiếu sót của chúng. Nếu bạn lỡ tức giận với con cái, cũng đừng quá tự trách bản thân vì điều đó. Đơn giản hãy thừa nhận rằng bạn đã sai. Hãy nói cho các con biết bạn cảm thấy như thế nào khi bạn nói ra được những điều bạn đã làm và nhắc chúng phải biết suy nghĩ về điều đó. Chỉ xin lỗi khi thực sự cần thiết. Lời xin lỗi không nên buông ra một cách dễ dàng và tùy tiện bởi nó sẽ dễ hình thành suy nghĩ nguy hiểm trong đầu con bạn rằng bạn đã giải quyết vấn đề không thỏa đáng hoặc chúng đã bị buộc tội. Hoàn toàn khác biệt khi bạn nói “Mẹ xin lỗi vì mẹ đã la mắng con” và “Mẹ đã thấy rất mệt mỏi và mất bình tĩnh, vậy nên mẹ mới la mắng con.” Câu đầu tiên sẽ chỉ khiến con bạn nghĩ rằng bạn đã sai và chúng đã đúng. Còn câu thứ hai lí giải được tại sao bạn lại hành động như thế, và câu này không có ý chỉ rằng con bạn đã đúng, nó chỉ nhấn mạnh rằng hoàn cảnh lúc đó không đúng mà thôi.

Cha mẹ nên xem lời xin lỗi như một cơ hội học tập dành cho trẻ. Nếu chúng ta nói xin lỗi một cách hợp lý, mỗi sai lầm chúng ta mắc phải có thể dạy cho trẻ nhỏ cách cư xử và chịu trách nhiệm với hành vi của mình.

Hãy nhớ rằng dù có lần bạn quên không tham gia các bài tập tinh thần cùng con, bỏ lỡ một khoảnh khắc có thể dạy con được một điều quan trọng gì đó, hoặc bạn đã nổi nóng và thiếu kiên nhẫn với con, thì bạn vẫn phải bao dung với chính mình. Bạn sẽ tha thứ và yêu thương các con được không nếu như bạn không thể bỏ qua cho chính mình. Hãy nhớ, đây là bài tập về tinh thần, và bạn cần luyện tập – bạn sẽ không thể cư xử hoàn hảo mọi lúc, nhưng kiên trì luyện tập sẽ giúp bạn tiến bộ.

(Trích ấn phẩm: “Những đứa con của Phật”

Nguyên tác: “Karma Kids”

Tác giả: Greg Holden)