Điều gì là cần thiết cho trẻ?

Khi được hỏi câu hỏi trên thì hầu hết các bậc phụ huynh đều trả lời: Tôi chỉ muốn con mình được hạnh phúc. Khái niệm “hạnh phúc” nghe rất hấp dẫn nhưng thế nào mới thực sự là hạnh phúc? Hạnh phúc có nghĩa là gì?

Hãy tự thành thực với chính mình xem liệu bạn có hiểu chính xác thế nào được gọi là hạnh phúc? Bạn có khao khát muốn con mình trở thành người giỏi nhất, thông minh nhất lớp và bắt ép con học thật nhiều không? Bạn có muốn các con tập thể thao liên tục chỉ vì muốn con giỏi cả thể dục hay trở thành vận động viên giỏi nhất không? Bạn có muốn con đạt điểm cao để có thể vào được trường đại học tốt nhất không? Bạn có muốn con mình trở nên giàu có, nổi tiếng và có địa vị xã hội?

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã nhầm lẫn giữa khái niệm hạnh phúc với sự xuất sắc, sự cạnh tranh và những danh hiệu “giỏi nhất”, “giàu nhất”, “quyền lực nhất”. Những khái niệm này từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn thay vì được coi là mức cao nhất hay trạng thái tốt nhất. Người lớn đang ngày càng mơ hồ về những điều một đứa trẻ thực sự cần để sống hạnh phúc và có ý nghĩa.


Trên thực tế, mọi thứ đều rất đơn giản, trẻ con chỉ cần được là trẻ con. Các con cần thời gian và không gian để vui chơi, để ước mơ và được thỏa sức sáng tạo. Không chỉ ở trong lớp học vẽ hay lớp học nhạc các thầy cô giáo phải chỉ dẫn các con cần làm gì mà còn cả những không gian mở và ngoài giờ học để các con được thỏa sức nô đùa, được lấm lem bụi bẩn và được sáng tạo hết mình.

Các con cũng cần thời gian nghỉ ngơi để có thể đắm mình trong trí tưởng tượng của bản thân khi sự tưởng tượng và nhiều phát minh đều bắt nguồn từ cảm giác buồn chán. Trẻ con cũng cần thỉnh thoảng ngốc nghếch một chút, ồn ào và chan hòa với mọi người. Các con cần thời gian để tạm xa chiếc tivi và những hoạt động quen thuộc để có thể tự do sống với giấc mơ, suy nghĩ và các khám phá thế giới qua các giác quan của mình.

Trẻ em cần được học cách đọc, viết và làm toán nhưng những khả năng đó sẽ phát triển theo thời gian và sự luyện tập. Với sự giúp đỡ từ phía nhà trường và bố mẹ, các con sẽ đạt được những kỹ năng đó mà thậm chí cũng không cần bám sát theo lịch trình của nhà trường hay phải học theo các bé lớn hơn. Dần dần tất cả các con sẽ đều học được những kỹ năng đó.

Quan trọng hơn là trẻ em cần được phát triển về EQ – chỉ số cảm xúc. Các con cần được dạy cách giao tiếp, cách sống trách nhiệm, cách thỏa hiệp, cách đương đầu với những tình huống khó khăn, cống hiến cho cộng đồng và giúp đỡ người khác.

Chẳng hạn như khi con gái tôi lớn lên, tôi sẽ ít quan tâm tới việc liệu chúng có phải những đứa trẻ thông minh nhất trong lớp không. Tôi chỉ mong con mình được học hành thoải mái ở trường. Tôi muốn chúng thích học, biết yêu thương bạn bè và biết cách đối diện những khó khăn ở trường và ngoài xã hội.

Tôi cũng mong muốn con mình luôn tích cực phát triển tri thức và tò mò về thế giới xung quanh. Tôi muốn chúng làm việc nhóm với các bạn để biết cách hoạt động trong một nhóm. Tôi muốn chúng tin tưởng vào bản năng của chính bản thân mình và hiểu rằng có rất nhiều cách đo sự thông minh khác nhau.
Sau khi xem một chương trình trên tivi, tôi cảm thấy rất xúc động và đồng thời cũng đau lòng bởi những gì được ghi lại trong phóng sự đó. Hy vọng và ước mơ của tôi về giáo dục trẻ em đã bị đe dọa bởi một hệ thống giáo dục chỉ chú trọng vào điểm số và thành tích xuất sắc.

Bộ phim kể về những thầy cô giáo tuyệt vời bỏ nghề chỉ bởi vì nhà trường yêu cầu chỉ dạy cách làm bài kiểm tra và những đứa trẻ phải chịu rất nhiều áp lực đến mức phải bỏ học và sa vào nghiện ngập, mất ngủ và thậm chí là tự tử.

Tại sao các con lại hành xử như vậy? Đơn giản chỉ vì một bài kiểm tra, một điểm kém hay không đỗ đại học.
Tôi rất yêu trường học, tôi đánh giá cao sự trải nghiệm nhưng không cao tới mức muốn con mình khổ sở để vào được đại học. Tôi không muốn con tôi thức cả đêm để học bài, uống thuốc an thần để tập trung và gần như hoàn toàn đánh mất bản thân chỉ đề làm vui lòng cha mẹ hay thầy cô. Tôi không coi đó là thành công.

Tôi chỉ đơn giản muốn con tôi đến trường, nỗ lực hết mình và biết cách nhờ giúp đỡ khi cần.

Tôi cũng chỉ mong con tôi được chơi, có một sở thích nào đó, được đi công viên và ăn tối với gia đình. Tôi biết chắc chắn rằng thứ con tôi cần không phải là điểm số mà là chính bản thân chúng. Tôi có thể đảm bảo rằng thứ hạng trong lớp không mang lại hạnh phúc trong tương lai.



Nhiều người tôi ngưỡng mộ trên thế giới không quá xuất sắc hồi còn đi học. Điểm số của họ rất bình thường nhưng cuộc sống của họ thì rất nhiều màu sắc, đầy bạn bè, có âm nhạc, đầy sáng tạo và luôn vui vẻ.

Một vài người vào đại học, một số người không chọn đúng trường, một số người thì không hề học đại học nhưng hầu hết đều có những mối quan hệ tốt đẹp và đạt được những ước mơ của mình. Họ đều là những người tuyệt vời, sống cuộc sống hạnh phúc và đơn giản như hồi họ còn trẻ.

Hồi còn đi học, điểm số trên lớp của tôi cũng khá tốt nhưng bài kiểm tra của tôi lại vô cùng thảm hại. Khi tôi đi nộp hồ sơ vào đại học thì giáo viên hướng dẫn của tôi đã nói rằng điểm số của tôi không có gì nổi bật và tôi sẽ không theo được chương trình ở đại học. Chỉ dựa vào một bài kiểm tra ngắn ngủi và đơn lẻ mà thầy ấy đã đánh giá và vẽ ra cả tương lai học hành của tôi.

Ý kiến của thầy ấy có thể đã chi phối cuộc đời tôi nếu bố mẹ tôi không muốn sự khác biệt.

Tuy tôi đã gần 40 tuổi và vẫn không biết làm bài kiểm tra tốt (điểm số không tươi sáng cho lắm và tôi vẫn không thể đưa ra câu trả lời đúng) nhưng tôi có nhiều chứng chỉ và bằng cấp và tôi không thể nhớ được quãng thời gian mình không ở trường. Tôi yêu thích việc học và luôn cảm thấy thoải mái làm bất cứ điều gì mình thích.

Tôi biết một số người có điểm kiểm tra rất cao và theo học những trường đại học tốt nhất cũng như tìm được những công việc có địa vị hay được trả lương cao, tuy nhiên rất nhiều người trong số họ đang làm công việc họ không hề thích. Họ dường như bế tắc bởi những ràng buộc, chuyện tiền nong và lượng thời gian cũng như công sức bỏ ra để có được những thứ họ đang có bây giờ.

Họ sống tách biệt với gia đình và có những lúc tự cô lập với chính bản thân mình. Trong một số trường hợp, sau nhiều chiêm nghiệm, họ nói với tôi rằng cuối cùng họ đã  tìm thấy niềm đam mê của bản thân, nhận ra những điều làm cho họ hạnh phúc. Trong đa số trường hợp này, điểm số, trường đại học hay lương cao không phải là con đường dẫn tới hạnh phúc.

Là cha mẹ, chúng ta cần mau chóng thức tỉnh và nhận ra rằng chúng ta đang đánh giá con mình dựa trên thành tích chúng đạt được ở trường hơn là bản thân chúng. Các bậc làm cha làm mẹ cần nhận ra rằng chúng ta đang khuyến khích con thể hiện tốt hơn thay vì dạy con cách trở thành người tốt.

Chúng ta cần hiểu rõ chính xác chúng ta mong muốn điều gì cho con trẻ. Liệu tình thương yêu và niềm tự hào có phải chỉ dành cho những thành tích ngoại khóa và ở trường học không hay chúng ta có thể bắt đầu nhận ra giá trị của các hoạt động giải trí, các mối quan hệ bên ngoài và khả năng của các con để từ đó hết lòng yêu thương các con?



Sẽ rất khó để làm được điều đó cho con trẻ nếu gia đình, bạn bè và nhà trường không cùng chung tiếng nói. Sẽ vô cùng khó khăn để xác định chính xác điều gì là quan trọng khi chúng ta bị bủa vậy bởi rất nhiều thông tin và hình ảnh về sự nổi tiếng, của cải và quyền lực – những thứ được coi là cao quý và đáng phấn đấu.

Với những gì cuộc đời đã dạy cho mình, đã đến lúc chúng ta cần dạy con cái mình những gì chúng ta biết để có được hạnh phúc. Giáo dục là đáng quý, là quan trọng và cần thiết trong xã hội chúng ta nhưng chỉ học không thôi chưa đủ. Con cái chúng ta cần hiểu tầm quan trọng của sự tôn trọng, lòng từ bi và sự sáng tạo. Chúng ta cần dạy các con rằng hạnh phúc đích thực không đến từ điểm số, giải thưởng, danh hiệu hay một công việc tốt, mà nó là sự kết nối với phẩm chất sẵn có nơi tự thân, với môi trường, đồng loại và thế giới chúng ta đang sống mỗi ngày.

THIÊN HƯƠNG