Giấc mơ cuộc đời – mộng và thực?

Cũng như một cái vỗ mạnh của người bên cạnh giúp bạn tỉnh cơn mê ngủ, chúng ta thường không nhận ra giấc trường mộng cuộc đời cho đến một ngày, một cơn bạo bệnh, một biến cố lớn ‘vỗ mạnh’ xuống khiến chúng ta tỉnh ngộ và nhận ra rằng những điều bấy lâu nay vẫn khiến chúng ta bon chen tranh đấu, những được - mất, hơn - thua, khen - chê, tiền tài, danh vọng mình vẫn bám chấp bỗng chẳng còn mấy ý nghĩa…

Những giấc mơ thật như cuộc sống

Sự thật là tất cả chúng ta đều mơ khi ngủ cho dù không phải ai cũng nhớ được mình đã mơ thấy điều gì. Giấc mơ có thể phản ánh những trải nghiệm, mối bận tâm trong cuộc sống, nỗi sợ hãi và cả những khát khao thầm kín của mỗi người. Những gì chi phối tâm trí chúng ta ban ngày thì sẽ tạo ra những ảo ảnh trong tâm trí mình vào ban đêm.


Trong giấc mơ chúng ta có thể trải nghiệm đầy đủ tất cả những hình ảnh, âm thanh và hương vị và các cung bậc cảm xúc. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả những người khiếm thị bẩm sinh cũng có những trải nghiệm về hình ảnh trong khi mơ. Giấc mơ của chúng ta có khi êm đềm, có khi siêu thực, rất ‘vô lý’ như chúng ta có thể bay lượn, lúc khác ta lại mơ bị tấn công hay rượt đuổi… Cho dù là một giấc mơ đẹp hay một cơn ác mộng thì mọi giấc mơ đều có một điểm chung là chúng đều rất thật, sống động và hầu hết chúng ta thường không có một chút mảy may nghi ngờ là mình đang mơ. Chúng ta có thể khóc cười trong mơ và chỉ đến khi tỉnh giấc, mới nhận ra là mình đang mơ.

Cuộc đời là giấc đại mộng

Đức Phật dạy rằng giấc mơ là tiểu mộng, còn cuộc đời này là đại mộng. Điều này thoạt nghe tưởng chừng chỉ là một triết lý mang tính ẩn dụ, nhưng nếu suy ngẫm kỹ, bạn sẽ thấy rằng đó là một sự thật vô cùng sâu sắc, chứa đựng minh triết về bản chất cuộc sống.

Giấc mơ là ảo giác không thật. Đó là điều không cần bàn cãi nhưng nói rằng những sự vật hiện tượng đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, những cảm xúc vui buồn rõ ràng trong tâm cũng là huyễn ảo thì quả là khó chấp nhận đối với chúng ta. 

Nhưng bạn thử nhìn xem, một ngày chúng ta trải qua biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc, vui đó rồi lại buồn đó, yêu thương biến thành hận thù, hạnh phúc hôm nay có khi là tiền đề cho đau khổ ngày mai và ngược lại… Cảm xúc của chúng ta biển đổi vô thường nên nó không hề thật chắc mà bản chất là huyễn hoá. 

Không chỉ cảm xúc mà ngay cả sống núi, địa đại, ngôi nhà này, bông hoa này, tất cả những gì  chúng ta đang tiếp xúc thông qua các giác quan của mình, dưới một góc độ nào đó, cũng chỉ là ‘mộng huyễn’.

Khi nhìn một bông hoa, bạn tưởng là bạn ‘thấy’ bông hoa thật, nhưng thực ra thứ bạn thấy chỉ là bóng ảnh của bông hoa do thần kinh mắt tạo ra nhờ ánh sáng chiếu vào bông hoa. Chúng ta tưởng mình tiếp xúc được với thực tại đúng như thật nhưng nó chỉ là bóng ảnh hiện lên trong mắt bạn chứ không phải bông hoa bên ngoài….Bởi vậy phàm phu chưa tiếp xúc được với thực tại, mà những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là một thứ ảo ảnh, là sự tô vẽ phóng chiếu của tâm thức, với bao nhiêu chấp trước, định kiến… Cùng một sự vật, mỗi người, mỗi loài lại có sự cảm nhận khác nhau, cái thấy của con người khác cái thấy của loài vật, cái thấy của một phàm phu khác với cái thấy của một bậc giác ngộ. Chỉ có bậc giác ngộ mới thực sự tiếp xúc được với thực tại và thấy sự vật đúng bản chất của nó.

Cả đời này chúng ta vất vả bon chen, đánh đổi biết bao thời gian, sức lực để đạt được cái mà chúng ta gọi là thành công trong cuộc sống.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được dạy dỗ phải biết ganh đua để là trở thành học sinh giỏi nhất. Đến khi trưởng thành, lập gia đình, sinh con đẻ cái, chúng ta lại tiếp tục nỗ lực cạnh tranh để đạt được thành công theo những chuẩn mực của xã hội, để được người đời kính trọng. Trên hành trình ấy, chúng ta để lòng tham, nỗi sợ hãi, tâm đố kỵ lấn át, mà bỏ quên những giá trị quan trọng hơn như sức khoẻ, tình cảm gia đình… Tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng vị tha nhường chỗ cho tâm vị kỷ nhỏ hẹp.


Tỉnh mộng

Cũng như một cái vỗ mạnh của người bên cạnh giúp bạn tỉnh ngủ, chúng ta thường không nhận ra giấc trường mộng cuộc đời cho đến một ngày, một cơn bạo bệnh, một biến cố lớn ‘vỗ mạnh’ xuống khiến chúng ta bừng tỉnh và nhận ra rằng những điều bấy lâu nay vẫn khiến chúng ta bon chen tranh đấu, những được - mất, hơn - thua, khen - chê, tiền tài, danh vọng mình vẫn bám chấp bỗng chẳng còn mấy ý nghĩa.

Ngay lúc này đây, nhìn lại những gì xảy ra ngày hôm qua, tất cả đã trôi qua như một giấc mơ và chúng ta đang tiếp tục thực hiện những giấc mơ mới, chưa chịu dừng lại để nhìn rõ mình đang thực sự tỉnh thức chưa hay vẫn đang mê man trong cơn chiêm bao mấy chục năm qua. Hạnh phúc hay khổ đau, vinh quang hay thất bại rồi cũng tan biến. Ngay cả những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử rồi cũng bị trôn vùi theo thời gian, chẳng còn lại gì ngoài những tàn tích hoang vu. Anh hùng cái thế từng được người đời tôn sùng rồi cũng chìm trong quên lãng…

Chúng ta có thể tỉnh giấc sau một cơn mơ, nhưng liệu chúng ta có nhận ra mình đang ‘nằm mơ giữa ban ngày’ gần hết cuộc đời mình? Mấy ai hiểu được điều này. Sống có hoài bão và mơ ước là điều chính đáng, nhưng chúng ta cần tỉnh táo để không trì hoãn hạnh phúc hiện tại, ra sức rượt đuổi những giấc mộng ảo để rồi cuối cùng nhận ra tất cả chỉ là ‘ảo ảnh’ không hề thật, và đến khi tỉnh mộng thì cũng là lúc cái chết cận kề. Đó quả là điều đáng tiếc.

Sống với thực tại

Nếu bạn cho rằng mình đã sống một cuộc đời hạnh phúc hay có một giấc mộng đẹp, điều đó là chưa đủ bởi bạn vẫn chưa trả lời được một trong những câu hỏi quan trọng nhất của đời người, đó là chúng ta đã chuẩn bị hành trang, tư lương gì cho đời sống kế tiếp. Cái gì đang chờ đợi chúng ta bên kia cửa tử? Sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu?

Chừng nào còn chưa thực sự tỉnh mộng, dù là một giấc mộng đẹp, chúng ta còn bị trôi lăn trong luân hồi sinh tử, không tiếp xúc được với thực tại và nếm được hương vị của hạnh phúc đích thực. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua sự tu tập rèn luyện, trưởng dưỡng trí tuệ và lòng từ bi.

(Pháp Nhiên)
(Pháp Nhiên)