GIÁC NGỘ

Với mong muốn thoát khỏi khổ đau, điều duy nhất chúng ta cần là đạt được giác ngộ tâm linh siêu việt cả tôn giáo và những tri kiến thế gian.
 
Chúng ta công nhận Đức Phật là bậc giác ngộ toàn hảo. Phật quả là quả vị giác ngộ toàn hảo. Hết thảy chúng sinh trong vũ trụ này đều có tiềm năng đạt được giác ngộ. Nhưng chúng ta lại chấp rằng chỉ có Phật tử mới có thể chứng đạt giác ngộ. Trên thực tế, Đức Phật thành tựu giác ngộ không phải do Ngài là Phật tử, mà vì Ngài đã nhận ra Chân lý. Giác ngộ vốn siêu việt cả tôn giáo cùng những tri kiến thế gian. Khi là một Phật tử, ta dễ bị ngộ nhận như vậy và điều này gây ra những trở ngại. Chúng ta cần thực sự vượt qua giới hạn đặt ra do ta tự định nghĩa mình là ai hay người khác nghĩ về ta như thế nào. Giác ngộ là một quá trình khám phá và trải nghiệm bản thân ở khía cạnh tâm linh. Bất cứ ai có trải nghiệm kết nối tâm linh đều hiểu rằng đó là sự tìm cầu ý nghĩa căn bản của cuộc sống. Đó chính là Chân lý mà các bậc giác ngộ đề cập đến. Giống như nhiều con đường trưởng dưỡng tâm linh khác, đạo Phật chỉ là nấc thang giúp chúng ta tiến gần đích đến này hơn.

Vậy Pháp là gì? Pháp là chân lý phổ quát của vũ trụ, không chỉ là Chân lý thuộc về Phật giáo. Vì người ta quá bám chấp vào ý nghĩ cho rằng Pháp chỉ là một thuật ngữ Phật giáo, nên thay vì vậy, tôi muốn gọi đó là sự trưởng dưỡng tâm linh vũ trụ, với hàm ý rằng tất cả mọi người có thể hiểu và thực hành điều này.

Tại sao nhiều người lại rơi vào những cãi vã, tranh luận đầy giận dữ? Tôi cho rằng lý do chủ yếu là vì chúng ta tin rằng mình giỏi giang, thông minh hơn người khác và mình luôn đúng trong khi kẻ khác luôn sai. Chúng ta thường phán xét người khác mà quên nhìn nhận lại chính mình. Điều này thật đáng buồn, thật vô cùng bất hạnh, bởi ta đang thiếu đi sự hiểu biết sâu sắc rằng tất cả mọi hữu tình đều có quyền bình đẳng để đạt giác ngộ.

Khổ đau, giác ngộ và các phẩm chất tâm linh hoàn toàn không có sự phân biệt giới tính và các nhãn mác tôn giáo. Chúng ta đã dựng nên vô số sai lầm, ngộ nhận chồng chất như núi. Điều đó ngăn trở chúng ta nhận ra thông điệp vũ trụ về tình yêu thương, sự cảm thông, tôn trọng, tử tế và trí tuệ. Kết quả là chúng ta không có hy vọng đạt được giác ngộ. Tôi cho rằng những giáo pháp mà Đức Phật truyền dạy không mang tính tôn giáo hay chỉ giới hạn cho cộng đồng Phật tử. Chúng ta sẽ chẳng thể đón nhận được giáo pháp chân chính cho tới khi dừng gắn nhãn mác cho mình và người, dừng phán xét và thay vào đó soi chiếu lại chính mình, bản chất tâm của mình. Nếu không làm được điều này, ta chỉ đang lãng phí cuộc sống và thời gian vào việc chỉ trích người khác và tự làm khổ mình.

Tất cả chúng ta đều mong mỏi hạnh phúc, đều muốn thoát khỏi mọi khổ đau. Cách duy nhất để có được điều này là thành tựu giác ngộ. Đức Phật đã chỉ cho ta con đường, nhưng chính chúng ta cần bước đi trên con đường đó. Ta mong ước được như Đức Phật, bậc giác ngộ viên mãn, không phải vì Ngài là một Phật tử, mà bởi Ngài đã thành tựu giác ngộ vì lợi ích của hết thảy chúng sinh, không phải chỉ vì lợi ích của một nhóm người cho mình là Phật tử, trong khi mọi thực hành tu tập của họ lại xa rời tôn chỉ tình yêu thương, lòng từ bi và trí tuệ.

Đức Phật từng nói rằng: “Nếu nhìn ta là Phật, con đang không thấy Phật. Nếu nghe giáo pháp của ta là Pháp, con đang không nghe Pháp”. Đức Phật muốn dạy rằng nếu chỉ chấp vào vị Phật bên ngoài mà không thấy tự tính Phật bên trong bạn sẽ hiểu nhầm. Tương tự, tôi cũng muốn chia sẻ rằng bạn không nên chỉ làm theo hình thức bên ngoài của người Phật tử mà quên đi sự hiển lộ các phẩm chất bên trong là lòng từ bi và trí tuệ.

Với lời chúc nguyện chân thành nhất từ đáy lòng, tôi muốn nhắn gửi và nguyện cầu cho bạn luôn được hạnh phúc và rốt ráo thành tựu giác ngộ, qua thực hành những phẩm chất tình yêu thương, sự hiểu biết, tôn trọng, tri ân, cảm thông và trí tuệ chân thật.
 

(Trích ‘Sống trí tuệ’ - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)