Làm thế nào để tạo động lực mỗi ngày?

‘Làm sao có được động lực mỗi ngày?’ là băn khoăn của đông đảo độc giả từ mạng chia sẻ kiến thức Quora.com, và có lẽ đó cũng là câu hỏi mà mỗi chúng ta đều muốn câu trả lời.
Hãy cùng nghe Matthew Jones, chuyên gia tư vấn phát triển cá nhân và kỹ năng sống chia sẻ:
Động lực khó nắm bắt:  Cũng giống như hạnh phúc, động lực là một khái niệm khá mơ hồ và khó nắm bắt. Khi có động lực, chúng ta cảm thấy tràn đầy năng lượng để có thể đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, nhưng lúc thiếu động lực thì ngay cả việc ra khỏi giường thôi cũng là cả một vấn đề, còn hoàn thành các mục tiêu đề ra là điều không thể. Tại sao việc tìm được động lực mỗi ngày lại khó khăn đến như vậy?
Động lực không phải là một đối tượng để đạt được; đó là cảm giác tràn đầy hứng khởi mỗi khi chúng ta dành trọn tâm trí vào công việc với niềm đam mê. Khi chúng ta say mê công việc và tận hưởng từng khoảnh khắc thay vì chỉ chú trọng đến kết quả, thời gian dường như vụt bay và ta luôn hoàn thành các mục tiêu của mình. Động lực không tách rời quá trình này; Nó được hình thành thông qua sự tham gia của bạn. Để có động lực, bạn cần ‘tiếp xúc’ với mỗi phút giây của cả quá trình bởi chính điều đó sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn hướng tới mục tiêu.

Dưới đây là bốn cách để có động lực mỗi ngày:
1. Tỉnh thức trong giây phút hiện tại
Chúng ta thường thiếu động lực bởi vì luôn hồi tưởng về quá khứ hoặc lo nghĩ đến tương lai. Khi tập trung vào hơi thở của mình và để cho dòng tư tưởng phát khởi và tan biến một cách tự nhiên, không phán xét hay dính mắc, tâm bạn sẽ bình an. Trở về với nội tâm giúp chúng ta an nhiên tự tại hơn trong khoảnh khắc hiện tại, đó chính là nguồn sống của động lực.
  • Rèn luyện khả năng an trú trong hiện tại. Đó là cảm giác chúng ta đang thực sự hiện diện bây giờ và ở đây, khi chúng ta thực sự nhận biết những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại mà không cần phân tích hay phán xét. Giả sử bạn đến công sở muộn vì kẹt xe và bị Sếp phê bình. Vào lúc đó, thay vì nghĩ đến tình trạng giao thông tồi tệ khiến bạn đi làm muộn, hãy thử chú tâm vào ‘cơn giận’ Sếp đang trút lên bạn. Bạn không cần cố nghĩ cách đối đáp với Sếp hay chuẩn bị sẽ nói gì với đồng nghiệp sau đó, cứ lắng nghe bài phê bình của Sếp. An trú trong hiện tại có nghĩa là bạn không nghĩ về quá khứ hay mơ tưởng đến tương lai; không có vấn đề gì khác ngoài việc trải nghiệm giây phút hiện tại..
  • Khám phá sức mạnh nội tâm. Đó là niềm tin vào năng lực vốn sẵn có nơi tự thân, là cảm giác tự tin vì thấu hiểu mình là ai, có thể cống hiến những gì, và mong muốn điều gì. Để đạt được điều đó, chúng ta cần thời gian và sự rèn luyện. Khi đó, bạn nhận thức rất rõ về bản thân và sự hiện diện của bạn tỏa ra một nguồn năng lượng mạnh mẽ. Đó không phải là sự tự tin hời hợt bên ngoài, mà là một trạng thái an nhiên toát lên từ bên trong. Sức mạnh nội tâm giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân và những người xung quanh, sống hạnh phúc tự tại và tràn đầy tình yêu thương.
2. Xác định mục tiêu.
Làm sao bạn có thể cảm thấy hứng khởi nếu không biết mình đang đi về đâu? Thiếu mục tiêu rõ ràng khiến chúng ta dễ nản vì mọi việc dường như kéo dài bất tận và không có điểm dừng. Để cuộc sống luôn tràn đầy hứng khởi, chúng ta cần thấu hiểu tầm quan trọng của từng khoảnh khắc trên hành trình hướng tới những mục tiêu lâu dài. Khi nhận thức sâu sắc rằng mỗi hành động của mình chính là một cơ hội khám phá và khơi dậy tiềm năng bản thân, chúng ta sẽ được tiếp thêm sức mạnh vượt qua thử thách, khó khăn của cuộc sống.
  • Nghĩ ‘lớn’. Nhắm mắt và hãy tưởng tượng ra các mục tiêu dài hạn của bạn càng cụ thể càng tốt. Viết tất cả các ý tưởng lên giấy, nhớ là phải rất cụ thể. Hãy hình dung ra các mục tiêu quan trọng của mình, càng rõ ràng càng tốt. Tất nhiên, tầm nhìn của bạn có thể thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, đọc lại các ý tưởng này là một cách hữu hiệu ‘làm mới’ động lực của mình.
  • Nghĩ nhỏ.  Sau khi đã khám phá các mục tiêu dài hạn, bạn hãy tự đặt câu hỏi rằng mình bạn cần làm gì để biến ước mơ, hoài bão ấy thành hiện thực? Liệt kê ra tất cả các bước mà bạn cần thực hiện; một lần nữa, các chi tiết rất quan trọng. Những mục tiêu nhỏ hơn nên được chia thành từng năm, từng tháng và từng tuần.
  • Lên kế hoạch hàng ngày. Bước cuối cùng là hiện thực hóa các mục tiêu hàng năm, hàng tháng và hàng tuần thành những công việc cụ thể hàng ngày. Điều này giúp chúng ta cảm thấy từng khía cạnh của cuộc sống đều có sự kết nối và ý nghĩa sâu sắc. Khi đó, ngay cả việc bạn nấu một bữa ăn tối cũng là một bước cần thiết trên hành trình khám phá tiềm năng bản thân. Chia các mục tiêu thành các công việc cụ thể và đánh dấu việc hoàn thành vào cuối mỗi ngày sẽ giúp bạn tập trung vào hiện tại trong khi tiếp tục đầu tư cho tương lai.
 
3. Tự nhìn lại mình.
Hãy tự đánh giá bản thân vào cuối ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, và mỗi năm. Tất cả chúng ta đều rất bận rộn, tuy nhiên việc ‘hồi quang phản chiếu’ không chỉ cải thiện khả năng tự nhận thức mà còn giúp chúng ta tỉnh táo và đi đúng hướng. Đó cũng là cách chúng ta có thêm nguồn cảm hứng trong cuộc sống.
  • Ghi nhận sự tiến bộ. Hãy để ý những tiến bộ của bạn trong việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn. Vì mục tiêu ngắn hạn gắn liền với các mục tiêu dài hạn, việc kiểm chứng đó giúp bạn biết rằng mình đang đi đúng hướng. Hãy ghi nhận những nỗ lực và sự trưởng thành của bản thân, từ việc hoàn thành những mục tiêu nhỏ bé nhất.
  •  Tận hưởng thành công. Hãy dành thời gian để tận hưởng mỗi chặng đường mà chúng ta đã đi qua. Có thể đó chỉ là một cột mốc nhỏ trên hành trình của bạn và vẫn còn con đường dài phía trước, nhưng nó giúp chúng ta có thêm động lực để tiếp bước. Suy nghĩ tích cực có sức mạnh hướng tâm trí của bạn tập trung vào cơ hội thay vì vào những điểm yếu của mình. Tư duy lạc quan nhưng thực tế giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận những thử thách có thể vượt ra ngoài ‘vùng an toàn’ mà thông thường chúng ta tự đặt ra, nhưng thực ra vẫn hoàn toàn trong khả năng của bạn.
4. Nỗ lực hết mình.
Không gì thay thế được sự tận tụy trong công việc. Chẳng ai có thể có động lực mạnh mẽ suốt ngày, bởi động lực dù mạnh đến mấy cũng có lúc hao mòn. Những lúc ấy, chúng ta cần có ý chí, thái độ tích cực, và nỗ lực không mệt mỏi. Để thành tựu những điều vĩ đại, chúng ta cần chấp nhận ‘trả giá’:
  • Khi bạn đang có động lực,  hãy nỗ lực tối đa, vượt lên chính mình. Giả sử bạn có một ngày làm việc khá hiệu quả, thay vì sớm kết thúc công việc để ngồi xem TV, hãy nỗ lực hơn nữa. Khả năng vượt qua giới hạn bản thân sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều vào những thời khắc khó khăn, những khi tuyệt vọng.
  • Đặc biệt khi bạn bị mất động lực. Những lúc chán nản, không có hứng thú làm bất cứ việc gì, bạn cần sử dụng sức mạnh của ý chí để buộc mình thực hiện những gì cần làm và duy trì hiệu quả công việc. Mặc dù chất lượng không thể bằng những khi bạn tràn đầy hứng khởi, nhưng bản thân sự dấn thân trong công việc giúp chúng ta vực dậy niềm đam mê. Đó cũng là cách chúng ta ‘đánh lừa’ bộ não để tự tạo cảm hứng cho bản thân.


Bạn muốn có động lực? Vậy hãy sẵn sàng làm việc! Duy trì động lực đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Hầu hết mọi người tưởng các doanh nhân, các nhà lãnh đạo cứ mỗi sáng thức giấc là tràn đầy năng lượng và sẵn sàng chinh phục mọi thử thách, mà không hiểu rằng họ phải tự tạo động lực cho mình ra sao để đạt hiệu quả công việc tối ưu và trưởng thành hơn mỗi ngày.

Nếu động cơ là một loại hàng hóa, nó hẳn vô cùng quý giá. Những người thành công nhất luôn có cách để tự tạo động lực với niềm đam mê của mình. Nếu muốn thực sự trưởng thành, bạn cần phải thiết lập các mục tiêu, tự nhìn lại bản thân và nỗ lực hết mình ngay cả khi cảm thấy không còn chút động lực nào. Hãy tỉnh thức trong phút giây hiện tại, khám phá nguồn sức mạnh bản thân và rồi bạn sẽ thấy mình tràn đầy cảm hứng và động lực để phát huy tối đa những tiềm năng vốn sẵn có trong bạn.

(Theo http://www.inc.com)