Muốn biết 1 gia đình hưng thịnh hay lụn bại, chỉ cần nhìn vào 3 việc này sẽ biết

Hãy xem trong số 3 việc dưới đây, chúng ta có đang mắc phải việc nào hay không để sửa kịp thời!

Thứ mà cả đời người vất vả tìm kiếm, chẳng phải là hai chữ "hạnh phúc" đó sao? Dẫu biết rằng, nhân sinh thường không bao giờ được hoàn toàn như ý song chúng ta cũng vẫn hy vọng vào những kết quả tốt đẹp.

Trong tiếng Hán, chữ "phúc" (福) không chỉ là một dạng trạng thái tâm lý mà còn là một kiểu tôi rèn.

Cổ nhân có câu: "Phúc nhân cư phúc địa, phúc địa phúc nhân cư".

Trong mắt người tu hành, câu nói này hiển nhiên là đang nhắc mỗi người chúng ta rằng, trong tâm cần có phúc, vậy mới có thể sống tự tại.

Khi bản thân một người đã là một "phúc nhân", nội tâm an yên, tự tại, vậy thì tâm sinh tướng, môi trường xung quanh cũng vì cái tâm tử tế mà thay đổi theo hướng tích cực hơn, mảnh đất nơi "phúc nhân" ở tự nhiên sẽ trở thành mảnh đất tốt ai ai cũng muốn có cho mình.

Và trên mảnh đất tốt này, sẽ liên tục có người vì yêu thích, vì ngưỡng mộ mà tìm đến, khiến "phúc nhân" ngày một đông hơn. Như thế, nơi này tự nhiên sẽ trở thành mảnh đất địa linh nhân kiệt, trở thành nơi cư tụ của "phúc nhân".

Trong con mắt của người nhà Phật, luật nhân quả là thứ tồn tại xuyên suốt. Nếu một ai đó muốn trở thành phúc nhân, một gia đình nào đó muốn trở nên hưng thịnh phồn vinh, việc họ nhất định phải làm đó là gieo nhân tốt. Có như thế, họ mới có thể thu về quả ngọt.

Phúc nhân cư phúc địa, gia đình của những người có phúc, có tâm thiện lành là những người không ngừng thay đổi theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp hơn, nhờ thế mà gia đình cũng trở lên an yên, hạnh phúc, hưng thịnh hơn.

Ngược lại, có những gia đình vì có những người tâm không sáng, gieo nhân xấu, dẫn đến những quả đắng về sau, gia đạo ngày càng lụn bại. Dưới đây là 3 "nhân xấu" gây tổn hại nghiêm trọng đến sự hưng thịnh của một gia đình.
 
1. Tạo khẩu nghiệp

Người có phúc phận thường tu nhân tích đức cả cuộc đời. Họ tuyệt đối không dễ dàng đưa ra phán xét, bình luận về người khác, cũng không bịa đặt, dựng chuyện thị phi.

Bởi vì sao? Bởi lẽ lời nói hiểm độc không chỉ làm tổn thương người khác mà cuối cùng, nó lại khiến chính bản thân mình phải chịu hậu quả, rước họa vào thân. 
Đến khi đó, hối hận vì không quản lý tốt cái miệng của mình thì đã muộn. Đó chính là lý do làm hao hụt phúc báo của chính mình.

Những người như thế này thường hay đắc tội với người khác, gia đình của họ cũng vì họ mà tự nhiên bị người khác ghét lây. Sống mà bị những người xung quanh cô lập, ghét bỏ, làm sao có thể phát triển lên được để mà hưng thịnh?

Trên thế giới này, vốn dĩ không có ai là hoàn hảo. Thay vì đi khắp nơi "buôn nước bọt", chê bai đánh giá người khác, chi bằng hãy phản tỉnh chính bản thân mình, có như thế mới có thể tích phúc đức cho mình và cho cả đời sau.
 
2. Tham lam vô độ

Người có lòng tham trong cuộc sống này không ít, điều này cũng khó tránh. Nhưng, không phải vì thế mà chúng ta dung túng cho lòng tham để nó trở nên mù quáng, vô độ.

Khi rơi vào trạng thái này, việc mà con người cần làm là cần tỉnh táo để kiểm soát, thậm chí là xóa bỏ dục vọng trong mình, nếu không, một khi con tim khối óc đã bị những ham muốn tột độ lấn át, con người sẽ trở nên đáng ghê tởm.
Làm gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân, thử hỏi ai còn muốn qua lại với những người như thế?

Từ xưa đến nay, vì nhất thời tham lam mà đã bao nhiêu người rơi vào cảnh hại người rồi hại chính mình.

Theo giáo lý nhà Phật, phúc đến từ sự cho đi, mỗi một người, chỉ có hủy diệt lòng tham, dục vọng, nuôi dưỡng một trái tim thiện nguyện, biết cống hiến, biết chia sẻ, thì dần dần, bản thân và gia đình mới nhận được phúc báo.
 
3. Hay oán hận

Sống trên đời, việc như ý thì ít, việc không như ý thì nhiều, điều này là lẽ hiển nhiên và với ai cũng vậy, không có người ngoại lệ. Và khi gặp chuyện không vừa ý, oán hận trách móc cũng  là việc khó tránh.

Nhưng trong cuộc đời này, cứ sống trong oán hận và trách móc mãi cũng chẳng ích gì. Việc này không khiến cho bản thân tốt hơn mà thậm chí còn tạo gánh nặng, khó chịu cho gia đình và người thân.

Vì thế, chúng ta nên luôn luôn duy trì một lối tư duy tích cực, điều chỉnh tâm thái, có như vậy cuộc đời mới trôi qua theo cách tươi đẹp hơn, vui vẻ và thoải mái hơn.

Để có thể trở thành một phúc nhân, nhất định cần phải tiết chế, hạn chế tối đa và tiến đến loại bỏ 3 việc nêu trên. Khi chúng ta không gieo nhân xấu, lẽ tự nhiên nó sẽ không kết quả đắng và như thế, những chướng ngại vật trên đường đời sẽ giảm đi rất nhiều.

Khi đó, một gia đình cũng vì có phúc nhân tồn tại mà càng trở nên viên mãn, hạnh phục hơn, nơi họ ở cũng sẽ trở thành mảnh đất địa linh nhân kiệt.
 
(Theo soha.vn)