Đâu là nền tảng hôn nhân bền vững?

Sống và tìm cầu hạnh phúc là khát vọng khôn nguôi của con người. Tuy nhiên, hạnh phúc có nhiều hình thức, cấp độ và lẽ dĩ nhiên, con đường dẫn đến hạnh phúc cũng khác biệt nhau. Theo Đức Phật, có hai thứ hạnh phúc, hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian. Đức Phật không hề chối bỏ hạnh phúc thế gian. Ngài cho rằng, việc mưu cầu và thụ hưởng hạnh phúc một cách chính đáng là lý tưởng sống của con người.
 
Có được một gia đình thuận thảo, thương yêu, với điều kiện sống tương đối đầy đủ, với các mối quan hệ khả ái, biết hướng thượng, vươn lên… đó là mơ ước của bất cứ một con người bình thường nào, và ở đây, Phật gọi đó là hạnh phúc. Trong những điều kiện căn bản của hạnh phúc, thì quan hệ hôn nhân và những chuẩn mực ứng xử trong quan hệ hôn nhân, còn gọi là đạo nghĩa vợ chồng, là một trong những yếu tố quan trọng hơn cả.
 
Hôn nhân là sự tự nguyện đến và gắn bó giữa hai cá thể bởi tình yêu.
 
Nền tảng của hôn nhân bền vững
 
Kết quả của hôn nhân phải là hoa trái hạnh phúc. Muốn giữ gìn hạnh phúc, thì quan hệ hôn nhân phải ổn định và vững bền. Theo Đức Phật, để bền vững trong hôn nhân, ít nhất phải có một sự tương đồng về nhiều mặt giữa hai đối tượng, cũng như việc thực hiện chu toàn vai trò và trách nhiệm của mỗi bên liên quan.

Theo kinh Tăng chi, muốn có một quan hệ hôn nhân bền vững thì ít nhất phải có bốn sự tương đồng, tức là sự đồng điệu. Tương đồng về nhận thức, tương đồng về niềm tin, tương đồng về chuẩn mực đạo đức và tương đồng về lòng thí xả, vị tha.
 
Thứ nhất, tương đồng về nhận thức. 
 
Nhận thức được hiểu ở đây là vốn tri thức căn bản trong cuộc sống bình thường. Đó có thể là tri thức về đối nhân xử thế, có thể là tri thức về văn hóa sống đặc thù của vùng miền, và có thể là vốn sống, kinh nghiệm ứng xử, sự thấu hiểu tận tường lẫn nhau… và con đường kiện toàn tri thức ấy không nhất định phải thông qua trường lớp. Ở đây, nếu như quá khác biệt về tri thức thì đôi khi dễ tạo ra sự gập ghềnh và thậm chí hiểu lầm trong nhận thức của nhau. Những giận hờn vô cớ, những cãi vã cỏn con… đôi khi xảy đến trong gia đình phần lớn đều bắt nguồn từ sự không thấu hiểu nhau cặn kẽ. Một đôi lứa lý tưởng phải hiểu rõ về nhau, biết sẻ chia hoặc tìm cách kiện toàn tri thức, vốn sống cho nhau, vì đó là điều kiện cần của hạnh phúc. Ở đây, thông điệp mà Đức Phật muốn gửi đến các đôi lứa yêu nhau: khi hiểu nhau thật nhiều thì tình thương yêu sẽ lâu bền và vững chãi.
 
Thứ hai, tương đồng về niềm tin. 
 
Bởi lẽ khi cùng một niềm tin, thì cả hai dễ gần nhau, hiểu nhau và dễ thống nhất với nhau về các giá trị sống liên quan như: quan niệm về đạo đức, quan niệm về lối sống, xu thế nội tâm, thực hành tâm linh và thậm chí là cách thức vươn lên làm giàu… Với một con người bình thường, với năng lực bình thường, thì điều kiện tốt cho một quan hệ hôn nhân bền vững chính là cùng một niềm tin tâm linh. Ví dụ, cả hai vợ chồng cùng tin tưởng một cách sâu sắc ba ngôi Tam bảo, cũng như các giá trị thực nghiệm trong Đạo Phật.
 
Thứ ba, tương đồng về chuẩn mực đạo đức. 
 
Đạo đức được hiểu ở đây là nguyên tắc, giá trị sống, là chuẩn mực giới hạnh mà con người tự nguyện tuân theo. Theo Phật giáo, có năm chuẩn mực đạo đức căn bản, nhằm hỗ trợ đời sống hiện thực và thăng hoa khả năng tâm linh cho người cư sĩ tại gia. Năm tiêu chuẩn sống căn bản ấy được hiểu như: không phương hại người khác và hạn chế đến mức thấp nhất sự sát hại sinh vật; thứ hai là không tham lam, trộm cắp; thứ ba là sự chung thuỷ; thứ tư là không dối trá; và cuối cùng là không lạm dụng các chất kích thích hay gây nghiện như rượu bia… Năm tiêu chuẩn đạo đức này nếu được thực thi trọn vẹn, thì không những bảo hộ cho đời sống lứa đôi mà còn bảo hộ cho bản thân, cho mọi người và xã hội. Và như vậy, có thể thấy, sự tương đồng về các chuẩn mực đạo đức này, là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên một mối quan hệ hôn nhân bền vững.
 
Sự tương đồng cuối cùng, tương đồng về lòng thí xả, vị tha. 
 
Đó chính là biết sẻ chia, cho đi, bố thí hay cúng dường. Trong sự quản lý và sử dụng tài sản, Phật dạy hàng cư sĩ phải biết vận dụng khéo léo tài sản mà mình sở hữu để xây dựng hạnh phúc cho bản thân cũng như tạo ra những phước quả trong hiện tại hoặc đời sống vị lai. Một trong những cách sử dụng tài sản có hiệu quả trong việc thực hành sự thí xả, vị tha là phải biết sử dụng tài sản giúp cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công và bạn bè thân hữu, từ thiện, bố thí cúng dường...
 
Trong thực tế, đã có những người chồng hoặc người vợ quá mực chi li trong việc sử dụng tài vật, dù đó là nhu cầu chính đáng của bản thân, gia đình hoặc giúp đỡ những người liên quan. Đấy là một trong những nguy cơ tạo nên sự trắc trở, gập ghềnh trong quan hệ ứng xử của đời sống thế tục. Một gia đình thực sự hạnh phúc khi cả người vợ và chồng đều thực sự rộng rãi, không đắn đo quá nhiều đối với những việc chi tiêu cần thiết cũng như các việc thiện cần phải làm trước mắt. 

Do vậy, hãy làm lành/ Tích lũy cho đời sau/ Công đức cho đời sau/ Làm hậu cứ cho người. Trong quan hệ hiện tại, một tâm hồn rộng rãi khoáng đạt thì luôn được mọi người thương yêu; trong liên hệ nhân quả sâu xa thì việc giúp người khốn khó hay cúng dường các bậc phạm hạnh sẽ đem đến cho lứa đôi một phước quả tốt đẹp.
 
(Theo Nguyệt san Giác Ngộ)